Thứ 2, 29/07/2024, 23:24[GMT+7]

Hội nông dân Bách Thuận - Vũ Thư - Thái Bình Cùng hội viên làm giầu, xây dựng nông thôn mới

Thứ 6, 26/11/2010 | 07:36:31
2,024 lượt xem
Bách Thuận - miền quê thanh bình nằm bên sông Hồng, được bồi tụ, tưới mát bằng nguồn nước sa màu mỡ hàng năm. Nơi đây, vườn tiếp vườn, ao nối ao, làng quê trù phú, khởi sắc từ nghề làm vườn, trồng cây cảnh, dược liệu, cây ăn quả, chăn nuôi...

Bác Trần Sỹ Nghiệp, Hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh chăm sóc vườn cây cảnh trị giá gần chục tỷ đồng.

Trên cơ sở đặc thù của địa phương đất thổ cư xen lẫn đất sản xuất nông nghiệp, 5/10 thôn có diện tích canh tác, thâm canh, UBND xã đã tiến hành quy hoạch tổng thể quỹ đất canh tác 528 ha thành 4 vùng sản xuất nông nghiệp: đất lúa 140 ha; đất dâu 30 ha; đất nuôi trồng thủy sản 108 ha; đất trồng hoa, cây cảnh, dược liệu 250 ha.

 

Đây là cơ sở để hàng năm xã đầu tư hệ thống giao thông, thủy lợi, áp dụng KHKT công nghệ cao vào sản xuất, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa có giá trị. Đi đầu trong phong trào chuyển đổi cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất - Hội Nông dân xã là đơn vị dẫn đầu huyện về tập hợp, thu hút hội viên tham gia sinh hoạt hội, gồm 1986 hộ, chiếm 81,4% tổng số hộ nông nghiệp toàn xã.

 

Trọng tâm hoạt động của hội là phong trào thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Năm 2010, kết quả bình xét có 1375 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, bằng 71% so với hội viên đăng ký. Trong đó 48 hộ giỏi cấp tỉnh, 153 cấp huyện và 1174 hộ giỏi cấp cơ sở.

 

Để duy trì độ bền, chiều sâu của phong trào, thu hút sự hào hứng tham gia của hội viên phấn đấu duy trì những mô hình cấp tỉnh, những hộ năm trước trội hơn ở cấp cơ sở, năm sau phấn đấu đạt tiêu chí giỏi cấp huyện, hộ gần đạt phấn đấu đạt ở cấp cơ sở, các chi hội luôn nắm bắt nhu cầu của hội viên, giúp họ tháo gỡ khó khăn nhất là về nguồn vốn đầu tư và kiến thức khoa học kỹ thuật.

 

Hội nông dân xã đã thành lập 23 tổ tiết kiệm & vay vốn, ký hợp đồng ủy thác với Ngân hàng CSXH dư nợ gần 2, 9 tỷ đồng cho 238 hộ vay, vốn Ngân hàng NN & PTNT 5,3 tỷ đồng, 545 hộ vay. Ngoài ra từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân gần 15 triệu đồng, quỹ chi hội 77 triệu đồng cho hội viên vay đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi.

 

Trong năm 2010, hội nông dân phối hợp tổ chức 9 lớp tập huấn, hội thảo về chăn nuôi thú y, thủy sản cho 1000 lượt hội viên, tổ chức tham quan mô hình nuôi nhím ở Bắc Giang, nuôi dế ở ngoại thành Hà Nội. Các chi hội còn vận động hội viên giúp nhau 96 triệu đồng, 263 công lao động. Cùng với phong trào thi đua sản xuất kinh doanh làm giàu chính đáng, các chi hội đã quan tâm giúp đỡ những gia đình hội viên nghèo. Năm 2010, có 10 chi đăng ký giúp đỡ 32 hộ, có 9 hộ vươn lên thoát nghèo.

 

Về Bách Thuận những ngày cuối năm, trên các ngả đường, đến đâu chúng tôi cũng gặp những chuyến xe chở nặng cây cảnh đi làm đẹp, làm sang cho những ngôi nhà ở mọi miền quê. Thu nhập từ hoa, cây cảnh ở Bách Thuận cao hơn nhiều so với mức 70-80 triệu đồng/ha như những năm trước.

 

Những hội viên nông dân có vườn cây cảnh vài tỷ đồng như bác Nghiệp Vui (Trung Hòa), Nguyễn Đình Thắng (Chiến Thắng) có vài chục hộ. Bách Thuận còn là xã dẫn đầu huyện về chăn nuôi. Nơi đây có 58 trang trại và 655 gia trại. Nhiều mô hình đạt hiệu quả cao như hội viên Nguyễn Văn Đan (thôn Bình Minh) nuôi 150-200 con lợn, Nguyễn Văn Quang (thôn Tiền Phong) chuyển đổi 1 mẫu, xuất chuồng 32- 35 tấn lợn/năm, lãi 150 triệu đồng; Trần Văn Thỏa thôn Bách Tính nuôi hàng ngàn gia cầm, cung cấp cho thị trường trên 10.000 quả trứng/năm, thu lãi từ chăn nuôi gần 100 triệu đồng/năm. Trên 30 hộ đầu tư mô hình gia trại ở vùng nuôi thủy sản tập trung có thu nhập vài chục triệu đồng/năm.

 

Năm 2010, Bách Thuận được Hội nông dân huyện chọn làm điểm xây  dựng mô hình toàn diện, 10 chi hội nông dân, mỗi chi hội thực hiện một mô hình cụ thể như Chi hội Toàn Thắng mô hình: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, 3 chi hội thôn Chiến Thắng, Bách Tính, Tiền Phong phát triển kinh tế VAC, sản xuất kinh doanh giỏi, Chi hội Bình Minh “vệ sinh môi trường”...

 

Điều đáng mừng là qua một năm chỉ đạo xây dựng các mô hình trên, hầu hết các mô hình đều đạt được các tiêu chí của huyện, được đánh giá cao để các xã bạn học tập kinh nghiệm và nhân rộng. Đổi mới nội dung và hình thức hoạt động, Hội Nông dân Bách Thuận tiếp tục khẳng định vai trò trong phong trào xây dựng nông thôn mới: 100% hội viên đăng ký tham gia xây dựng làng xã, gia đình nông dân văn hóa, trong đó 1715/1946 hộ đạt, chiếm 88,1%. Có 96,5% hội viên trong độ tuổi sinh đẻ đăng ký không sinh con thứ 3.

 

Kết quả 3/10 chi hội là Thượng Xuân, Toàn Thắng, Thuận Nghiệp không có người sinh con thứ 3 trở lên. Hội viên tích cực hưởng ứng đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng tổng số 650 triệu đồng, 1050 công, làm 2,3 km đường thôn xóm, chưa kể đường nhánh xương cá được cứng hóa bằng bê tông đến từng ngõ. Tiêu biểu như chi hội Liên Hồng, Bách Tính. Hội viên tự giác đóng góp quỹ đền ơn đáp nghĩa 41 triệu đồng, 66 công. Những năm gần đây ủng hộ xây dựng 16 căn nhà cho hộ nghèo, hộ chính sách số tiền 120 triệu đồng, mua tặng 2 sổ tiết kiệm tình nghĩa...

 

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nhiệm kỳ 2010 - 2015, Hội nông dân Bách Thuận tiếp tục làm tốt vai trò tập hợp hội viên tích cực tham gia đóng góp phát triển kinh tế - xã hội địa phương, xây dựng Bách Thuận trở thành điểm du lịch làng vườn sinh thái.

Bảo Linh

  • Từ khóa