Thứ 3, 30/07/2024, 03:23[GMT+7]

Đẩy mạnh phát triển sản xuất cây màu, cây vụ đông - khi nghị quyết trở thành hiện thực cuộc sống

Thứ 3, 10/08/2010 | 21:12:09
2,923 lượt xem
Cụ thể hóa chủ trương chuyển mạnh ngành nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích; BTV Tỉnh ủy đã ban hành nhiều nghị quyết, trong đó Nghị quyết 02 về phát triển cây màu, cây vụ đông sau 5 năm (2006 - 2010) triển khai thực hiện đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng thúc đẩy tốc độ tăng trưởng 4 - 5%/năm của lĩnh vực kinh tế trọng yếu này.

Chăm sóc cây đậu tương trên vùng đất chuyên màu ở Thái Hòa - Thái Thụy. Ảnh: Thành Tâm

Chuyển biến rõ nét nhất trong nhận thức cũng như trong tập quán canh tác của người nông dân là nếu trước kia chỉ coi trọng sản xuất hai vụ lúa và thâm canh cây màu xuân, thì nay tích cực khai thác triệt để lợi thế đất đai, chủ động luân canh gieo trồng thêm cây màu vụ hè, vụ hè thu và cây vụ đông. Do đó, đến năm 2010, diện tích cây màu hè, hè thu đạt con số kỷ lục: 12.385 ha, tăng 2.050 ha so với năm 2006; giá trị tăng 46,815 tỷ đồng. Riêng diện tích cây màu hè tăng nhanh từ 933 ha lên 3.360 ha; do tăng diện tích trồng dưa giữa hai vụ lúa từ 93 ha lên 1.482 ha và diện tích trồng đậu đỗ trên đất bãi (trước kia thường bỏ hoang) từ 485 ha lên 891 ha.

Về cây vụ đông, năm 2010, diện tích gieo trồng đạt 39.276 ha - diện tích lớn nhất từ trước tới nay, tăng 11.471 ha so với năm 2006. Trong đó, hầu hết các đối tượng cây trồng chủ lực đều tăng mạnh: đậu tương đạt 12.809 ha, tăng 9.042 ha; ngô 6.082 ha, tăng 221 ha; khoai tây 3.325 ha, tăng 571 ha... Giá trị cây vụ đông năm 2010 đạt 733.182 triệu đồng, tăng 218.691 triệu đồng so với năm 2006. Như vậy, kết quả thực tế sau 5 năm thực hiện không chỉ hoàn thành mà còn vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra. Đến năm 2010, tổng diện tích cây màu, cây vụ đông trên địa bàn toàn tỉnh đạt 64.354 ha (mục tiêu 64.000 ha); trong đó riêng diện tích cây màu vụ xuân, hè đạt 25.087 ha (mục tiêu 22.000 ha). Tổng giá trị sản xuất cây màu, cây vụ đông đạt 1.120.740 triệu đồng (mục tiêu 850.000 triệu đồng); trong đó riêng giá trị sản xuất cây vụ đông đạt 733.182 triệu đồng (mục tiêu 700.000 triệu đồng).

Nhưng điều quan trọng hơn cả những con số cụ thể này là qua phong trào thi đua đẩy mạnh phát triển cây màu, cây vụ đông đã tạo những cuộc cách mạng chuyển đổi cơ cấu giống, thời vụ gieo trồng sôi nổi tại hầu khắp các địa phương. Do đó, việc loại bỏ trà lúa xuân sớm thay bằng cấy giống ngắn ngày trà xuân muộn; việc điều chỉnh thời vụ gieo cấy lúa mùa cực sớm, mùa sớm trước 30/6 để chủ động tạo quỹ đất gieo trồng cây vụ đông; việc thay thế các giống cây màu mới có thời gian sinh trưởng ngắn, cho năng suất và giá trị cao để gieo trồng xen canh giữa hai vụ lúa, để luân canh tăng 4 - 5 vụ/năm... không còn là chủ trương trên văn bản mà được chính những người nông dân nhanh chóng biến thành hiện thực trên mỗi cánh đồng. Và hệ quả tích cực đằng sau những cuộc cách mạng này là hệ số quay vòng sử dụng đất tăng từ 2,25 lần lên 2,37 lần, giá trị sản xuất bình quân trên mỗi ha canh tác tăng từ 37,2 triệu đồng/năm lên 74 triệu đồng/năm.

Hơn những thế, ngày càng xuất hiện nhiều hơn những cánh đồng đạt giá trị hàng trăm triệu đồng/ha/năm từ các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn như vùng đậu tương, ngô ở Hưng Hà, Vũ Thư, Quỳnh Phụ; vùng ớt, rau xuất khẩu ở Quỳnh Phụ, Thái Thụy; vùng rau có giá trị kinh tế cao ở Kiến Xương, Thành phố, Vũ Thư... Và từ ý thức chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, người nông dân không chỉ biết chủ động sản xuất giống phục vụ kịp thời cho các mùa vụ trong năm, không chỉ mạnh dạn khảo nghiệm, chọn lọc những đối tượng cây trồng mới đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường; mà còn linh hoạt ứng dụng nhanh các tiến bộ KHKT mới vào sản xuất như: biện pháp làm đất tối thiểu để gieo vãi đậu tương, làm bầu ngô cải tiến, bảo quản khoai tây trong kho lạnh, làm màng nilon che phủ khi trồng lạc, trồng dưa...

Quả thực là không có sức thuyết phục nào mạnh mẽ hơn bằng những minh chứng thực tế từ hiệu quả kinh tế vượt trội, từ sự nâng cao thu nhập qua mỗi một vụ mùa bội thu. Bởi vậy, thật dễ hiểu khi Quỳnh Phụ, Vũ Thư, Hưng Hà... luôn giữ vững vị trí  nằm trong tốp dẫn đầu toàn tỉnh về mở rộng diện tích vụ đông lên tới 6.000 -  hơn 8.000 ha/năm; khi các địa phương như Quỳnh Hải, Quỳnh Ngọc, Hồng An, Tiến Đức, Việt Hùng, Song An, Thụy An, Thụy Bình, Vũ Phúc... luôn đạt tốc độ bứt phá cả về diện tích (chiếm trên 80% diện tích canh tác) và giá trị sản xuất vụ đông (chiếm trên 50% tổng giá trị trồng trọt). Song cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận, không phải bất cứ địa phương nào trong tỉnh cũng đạt kết quả khả quan này.

Nhiều xã hội tụ đủ mọi điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất cây màu, cây vụ đông; nhưng qua nhiều năm triển khai thực hiện, cả diện tích, sản lượng và giá trị cây trồng đều chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh hiện có. Nguyên nhân cơ bản là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành chưa kiên quyết, chưa sâu sát nên người dân chưa chấp hành nghiêm túc việc chuyển đổi cơ cấu giống và mùa vụ gieo trồng cũng như chuyển đổi diện tích cấy lúa năng suất thấp, diện tích cát cao sang chuyên màu. Thêm vào đó, việc quy hoạch các vùng chuyên canh cây màu, cây vụ đông tập trung quy mô lớn chưa cụ thể dẫn đến sản xuất phân tán, nhỏ lẻ; không tạo được khối lượng hàng hóa lớn để thu hút các doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu lâu dài. Ngoài ra, những tác động của yếu tố thời tiết bất thuận; những hạn chế, bất cập trong khâu tưới tiêu, khâu bảo quản sản phẩm; sự biến động liên tục của thị trường giá cả vật tư; sự bấp bênh, không ổn định của “đầu ra” cho các sản phẩm... đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng của người nông dân trong việc mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích gieo trồng cây màu, cây vụ đông hàng năm...

Nhìn lại chặng đường 5 năm, có thể khẳng định Nghị quyết 02 của BTV Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển sản xuất cây màu, cây vụ đông đã thực sự trở thành hiện thực cuộc sống với những hiệu quả kinh tế - xã hội không thể phủ nhận. Bởi tính đúng, trúng và hợp lòng dân nên Nghị quyết đã tạo được cuộc cách mạng chuyển biến căn bản trong cả nhận thức và hành động về sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích; đặc biệt là sản xuất vụ đông - vụ làm giàu thứ ba trong năm. Thiết nghĩ, để tiếp tục có được những cuộc cách mạng thành công toàn diện, cần chú trọng công tác dồn đổi đất đai, quy vùng sản xuất tập trung. Những địa phương tích cực hoàn thành quy hoạch nên áp dụng chính sách hỗ trợ đầu tư kiên cố hóa kênh mương; hỗ trợ giống mới, chất lượng cao đưa vào sản xuất; hỗ trợ thuê mượn ruộng đất để tạo điều kiện sản xuất với diện tích lớn; hỗ trợ đầu tư cơ giới hóa và xây dựng kho lạnh, cơ sở sấy... để bảo quản sản phẩm.

Bên cạnh đó, công tác chuyển giao KHKT và chủ động tìm thị trường tiêu thụ bền vững cho nông dân; công tác đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ lãnh đạo, đội ngũ cán bộ kỹ thuật tại các địa phương; công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc trong mỗi một mùa vụ; công tác tuyên truyền, vận động thuyết phục... cũng cần được tăng cường, đẩy mạnh hơn nữa...

Hồng Thái

  • Từ khóa