Thứ 3, 13/08/2024, 08:22[GMT+7]

Khẩn trương, quyết liệt phòng trừ bệnh đạo ôn trên lúa xuân

Thứ 6, 27/03/2015 | 07:42:43
1,613 lượt xem
Thời tiết những ngày qua liên tục có mưa ẩm nên nhiều diện tích lúa xuân trên địa bàn tỉnh đang bị các đối tượng sâu bệnh, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển. Phóng viên Báo Thái Bình đã phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) về các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại lúa.

Nông dân xã Quỳnh Nguyên (Quỳnh Phụ) phun thuốc phòng trừ sâu bệnh bảo vệ lúa xuân.

 

Phóng viên: Xin ông cho biết diễn biến tình hình sâu bệnh trên lúa xuân hiện nay?

 

Ông Nguyễn Xuân Thanh: Hiện nay, lúa xuân đang sinh trưởng, phát triển tốt, đồng đều, đang bước vào giai đoạn đẻ nhánh rộ. Thời tiết những ngày qua diễn biến khá phức tạp, mưa ẩm kéo dài, số giờ nắng thấp lại trùng với giai đoạn cây lúa mẫn cảm với bệnh đã làm cho sâu bệnh phát sinh gây hại. Ðến thời điểm này, bệnh đạo ôn đã xuất hiện và gây hại trên lá tại tất cả các huyện, thành phố, đặc biệt là các huyện phía Bắc tỉnh - nơi có diện tích cấy sớm nhiều. Bệnh tập trung gây hại trên các giống lúa dễ nhiễm như BC15, Q5, Bắc thơm 7, nếp các loại… Tỷ lệ bệnh đạo ôn trung bình  3 - 5%, nơi cao 20 - 30%, cá biệt 50 - 60 %; ở nhiều thửa ruộng đã xuất hiện các khóm, các chòm lùn lụi. Vì vậy, nếu không có biện pháp phòng trừ kịp thời thì trong thời gian tới bệnh có thể gây lùn lụi trên diện rộng, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vụ lúa xuân.

 

Phóng viên: Chi cục BVTV đã triển khai các biện pháp phòng trừ bệnh đạo ôn hại lúa như thế nào, thưa ông?

 

Ông Nguyễn Xuân Thanh: Thời gian qua, Chi cục BVTV đã có thông báo về tình hình bệnh đạo ôn phát sinh gây hại lúa và hướng dẫn chi tiết các biện pháp phòng trừ đến các địa phương trong tỉnh. Ðồng thời, tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình bệnh đạo ôn gây hại lúa và biện pháp phòng trừ để ngành chỉ đạo phòng trừ kịp thời. Chi cục đã phân công cán bộ phối hợp với các ngành chức năng của các huyện, thành phố chỉ đạo địa bàn từng xã, HTX, thường xuyên bám sát đồng ruộng để nắm chắc diễn biến sâu bệnh, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ có hiệu quả; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng thường xuyên tuyên truyền về diễn biến tình hình sâu bệnh, cách thức phòng trừ; mở các lớp tập huấn hướng dẫn sử dụng thuốc đặc trị và biện pháp phòng trừ tại từng huyện, xã để bà con nông dân nắm bắt.

 

Phóng viên: Ông có lưu ý gì với bà con nông dân trong việc phòng trừ sâu bệnh hại lúa từ nay đến cuối vụ?

 

Ông Nguyễn Xuân Thanh: Từ nay đến cuối vụ, tình hình sâu bệnh còn diễn biến phức tạp. Ðể vụ xuân thắng lợi, bà con nông dân cần thường xuyên thăm đồng, vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ bờ và các tàn dư thực vật. Ðặc biệt chú ý những chân ruộng đã từng bị nhiễm bệnh ở vụ trước. Từ nay đến cuối tháng 4, bệnh đạo ôn tiếp tục gây hại, khi ruộng bị nhiễm bệnh tỷ lệ từ 3 - 5% trở lên tranh thủ thời tiết tạnh ráo dùng một trong các loại thuốc đặc hiệu như Filia 525SE, Katana 20SC, Bump 650WP, Fuarmy 40EC, Bankan 600WP, Fendy 25WP, Ninja 35EC để phòng trừ; nồng độ và liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì. Nếu phun xong gặp mưa (trong vòng 12 giờ) thì phải phun lại. Những thửa ruộng bị bệnh nặng cần vơ sạch lá bị bệnh trước khi phun và phun kép 2 lần, lần hai cách lần một từ 5 - 7 ngày, nồng độ phun tăng gấp 1,5 lần so với hướng dẫn trên bao bì. Ðối với diện tích lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn, bà con phải ngừng bón phân đạm, không phun thuốc kích thích sinh trưởng và phân bón lá. Cùng với đó, cần bảo đảm mức nước trong ruộng hợp lý, không để bị khô mặt ruộng hoặc nước ngập sâu làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của lúa.

 

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Minh Nguyệt

(Thực hiện)

 

  • Từ khóa