Thứ 2, 01/07/2024, 15:24[GMT+7]

Xây dựng cảng chuyên dụng phục vụ Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 Vì sao chậm tiến độ?

Thứ 3, 31/03/2015 | 09:22:13
1,603 lượt xem
Theo kế hoạch, đến tháng 9/2016, cảng chuyên dụng phải đi vào hoạt động để phục vụ vận chuyển, bốc dỡ các thiết bị của Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và vận chuyển than, dầu cho hoạt động của nhà máy sau này. Tuy nhiên, đã 8 tháng chậm tiến độ giải phóng mặt bằng bến neo đậu cũ làm thiệt hại cho Nhà nước hàng chục tỷ đồng, kéo theo hệ lụy là chậm tiến độ xây dựng của cả một dự án quốc gia - Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đang trong giai đoạn xây dựng. Ảnh: Ngọc Trâm.

Đã qua 15 cuộc họp vẫn chưa đi đến hồi kết. Câu hỏi đặt ra là vì sao có sự chậm trễ này? Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy Nguyễn Tiến Quyền khẳng định: Cần làm tốt công tác tuyên truyền để bà con hiểu rõ chủ trương của tỉnh, tự nguyện di dời tàu, thuyền đến nơi neo đậu mới.

 

ĐI TÌM NGUYÊN NHÂN

 

Bến neo đậu tàu, thuyền cho ngư dân thôn Đông Tiến, xã Thái Đô, huyện Thái Thụy - “đối tượng” cần được giải tỏa để xây dựng cảng chuyên dụng phục vụ dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, được hình thành tự phát từ những năm 1964. Những cụ già sống lâu năm ở vùng đất này kể lại: Ban đầu chỉ có vài phương tiện khai thác nhỏ lẻ của ngư dân thôn Đông Tiến và tàu thu mua thủy hải sản của Trạm chế biến thủy hải sản Đông Tiến (Công ty Hải sản Thái Bình). Sau 51 năm sử dụng, cùng với sự phát triển của ngành, nghề khai thác, đến nay đã có 47 phương tiện tàu, thuyền khai thác của ngư dân thôn Đông Tiến thường xuyên neo đậu. Cần phải nói thêm về sự tự phát của bến neo đậu tàu, thuyền của ngư dân thôn Đông Tiến nằm sát chân đê biển số 7 thuộc xã Thái Đô và cũng là khu vực dân cư thôn Đông Tiến cư trú, sinh sống; ngư dân ở đây đã tận dụng mái kè Giáo Lạc do Nhà nước đầu tư xây dựng để bảo vệ đê điều; Theo Khoản đ, Điều 25 Luật Đê điều thì: “Việc sử dụng đê, kè bảo vệ đê, cống qua đê làm nơi neo đậu tàu, thuyền, bè, mảng phải được UBND tỉnh cấp phép”. Tuy nhiên, trong trường hợp này, do là bến tự phát, tồn tại đã lâu, có tính lịch sử để lại nên chưa có giấy phép của UBND tỉnh; ngư dân cũng chưa đầu tư hạng mục công trình hạ tầng nào để gia cố hay nâng cấp công trình bến. Xét về lý thì Nhà nước có quyền giải tỏa, thu hồi để phục vụ cho công trình quốc gia và bảo vệ đê điều theo Luật Đê điều. Song để bảo đảm cuộc sống cho bà con ngư dân ở đây, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án xây dựng bến neo đậu tàu, thuyền mới, cách bến cũ 1km, quy mô hiện đại hơn, vốn đầu tư cho hai giai đoạn gần 15 tỷ đồng. Giai đoạn 1 của bến neo đậu tàu, thuyền đã cơ bản hoàn thành, được thiết kế bến nghiêng từ cống Tân Bồi 1 đến cống Tân Bồi 2 có tổng chiều dài kè 149m, chân kè 237,8m, đường đỉnh kè kết hợp đường quản lý dài 215,4m; cứng hóa sân khu sửa chữa tàu, thuyền 300m2; 11 trụ neo, 2 biển báo và một cống qua đường... Các hạng mục đã được nghiệm thu và đưa vào sử dụng từ ngày 11/9/2014. Song khi chính quyền địa phương yêu cầu các tàu, thuyền di chuyển về bến mới để neo đậu thì ngư dân không chịu đi và đưa ra 9 kiến nghị.

 

LÝ ĐÃ CẠN, TÌNH VẪN ĐẦY

 

9 kiến nghị của bà con thôn Đông Tiến tập trung vào một số vấn đề sau: Bến nước xa nơi cư trú, đi lại vất vả; một số tiểu hạng mục chưa phù hợp, chưa có cọc tiêu, điện sáng, chưa có nhà quản lý...; đề nghị bồi thường thiệt hại kinh tế sau khi di dời ra bến mới cho các tàu, thuyền ít nhất một năm với tổng thiệt hại 8 tỷ 412 triệu 500 nghìn đồng. Các cơ quan chuyên môn đã xem xét yêu cầu này, từ quy định của pháp luật đã không chấp thuận và khẳng định: “Không có cơ sở khoa học cũng như tính pháp lý”. Mặc dù đã giải thích nhiều lần song ngư dân vẫn kiến nghị. Trong 9 nội dung kiến nghị, có 8 nội dung liên quan đến việc đầu tư các hạng mục công trình của bến mới và 1 nội dung hỗ trợ kinh phí “do bến xa” với mức hỗ trợ một năm là 799 triệu 800 nghìn đồng. Để giải quyết các kiến nghị của ngư dân và đẩy nhanh tiến độ thi công công trình thuộc dự án quốc gia, ngày 20/3/2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 527 chấp thuận 8 nội dung kiến nghị của bà con (từ số 1 đến số 8) gồm: xây tuyến kè nối dài, nhà quản lý bến, sân, hệ thống cọc tiêu, điện chiếu sáng, san lấp mặt bằng, hệ thống thoát nước, đoạn đường nối dài, sân sửa chữa tàu, thuyền, đường lên xuống bến đò Hải Đô. Riêng kiến nghị thứ 9 là “bồi thường” do không nằm trong các quy định của pháp luật nên UBND tỉnh đồng ý “hỗ trợ” các chủ phương tiện kinh phí làm thủ tục di chuyển đến bến mới mức 3 triệu đồng/phương tiện (Công văn số 564 ngày 3/3/2015). Như vậy, xét về lý thì bến neo đậu tàu, thuyền cũ Nhà nước có quyền giải tỏa theo quy định của pháp luật và Luật Đê điều. Về tình, vì cuộc sống mưu sinh của bà con, UBND tỉnh đã chấp thuận cho đầu tư xây dựng bến neo đậu tàu, thuyền mới với quy mô lớn hơn, khoa học và an toàn hơn. Rõ ràng, lý đã cạn nhưng tình vẫn đầy - không có lý do gì mà bà con thôn Đông Tiến lại không di chuyển tàu, thuyền đến bến neo đậu mới. Vấn đề còn lại là cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền để bà con nhận thức đúng về trách nhiệm, nghĩa vụ công dân trước lợi ích quốc gia, không vì lợi ích cục bộ, nhỏ nhoi mà “tham bát bỏ mâm”.

 

Phạm Viết Thanh

(Thành phố Thái Bình)

  • Từ khóa