Thứ 6, 26/07/2024, 03:14[GMT+7]

Quỳnh Phụ đẩy mạnh chăm sóc lúa xuân cuối vụ

Thứ 2, 04/05/2015 | 10:22:58
2,058 lượt xem
Vụ xuân năm 2015, huyện Quỳnh Phụ gieo cấy 11.790ha lúa, trong đó giống lúa BC15 chiếm trên 50% diện tích. Do chấp hành tốt lịch thời vụ nên hiện nay lúa xuân của huyện phát triển tốt, tương đối đồng đều, đang trong giai đoạn đứng cái, làm đòng.

Người dân Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ) thường xuyên thăm đồng ruộng.

 

Ông Ðỗ Xuân Hải, thôn Lê Xá, xã Quỳnh Hải cho biết, vụ xuân này gia đình ông cấy 5 sào lúa, chủ yếu là giống BC15 và Thái Xuyên 111. Hiện nay, lúa đang đứng cái, làm đòng, chuẩn bị trỗ, đây là giai đoạn rất quan trọng cần chăm sóc tích cực. Hàng ngày, cứ sáng sớm ông Hải lại ra thăm đồng, tiến hành làm cỏ, vệ sinh bờ ruộng và kiểm tra mực nước, kiểm tra lúa để phát hiện sớm sâu bệnh, có biện pháp phòng trừ kịp thời. Cùng với đó, ông kết hợp diệt chuột bằng phương pháp thủ công để bảo vệ lúa. Cách đây vài tuần, ruộng lúa của gia đình bị nhiễm đạo ôn và sâu cuốn lá nhỏ, ông Hải đã chủ động mua thuốc bảo vệ thực vật của HTX DVNN để phun trừ. Rất mừng là không có diện tích nào bị ảnh hưởng nặng, lúa sinh trưởng, phát triển tốt, đồng đều. Tại cánh đồng thôn Cẩu Xá, xã Quỳnh Hải, bà Nguyễn Thị Khà đang nhanh tay vây nilon quanh ruộng chống chuột. Bà cho biết, vụ xuân năm nay gia đình bà cấy 5 sào Bắc thơm và Thái Xuyên 111. Khoảng tháng 3 và đầu tháng 4, nhiều ruộng lúa trong xã bị nhiễm đạo ôn nhưng do chủ động phun thuốc phòng trừ ngay từ khi chớm dịch nên ruộng lúa của gia đình bà không bị đạo ôn gây hại. Thời điểm này, lúa đang chuẩn bị làm đòng, trỗ bông, bà Khà thường xuyên ra thăm ruộng, rẽ lúa kiểm tra để kịp thời phát hiện sâu bệnh hại. Ðồng thời thực hiện che chắn chân ruộng bằng nilon để ngăn sự phá hoại của chuột, vệ sinh cỏ trong ruộng cho lúa phát triển và dọn cỏ quanh bờ sạch sẽ, không để chuột làm tổ, gây hại lúa.

 

Ông Phạm Văn Liễn, Phó Chủ nhiệm HTX DVNN xã Quỳnh Hải cho biết: Vụ xuân năm 2015, Quỳnh Hải gieo cấy 290ha lúa, chủ yếu là các giống BC15, Thái Xuyên 111, CNR36… Trong chiến dịch phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại lúa, HTX đã chủ động tuyên truyền, chỉ đạo người dân hoàn thành tốt chiến dịch, đến nay toàn bộ diện tích lúa xuân trong xã phát triển tốt, đang trong giai đoạn làm đòng và chuẩn bị trỗ bông. Trong những ngày này, HTX tiếp tục tuyên truyền bà con nông dân bám đồng, kiểm tra, phát hiện sớm tình hình dịch bệnh để kịp thời có biện pháp ứng phó. Tăng cường diệt chuột bằng các hình thức khác nhau, cấp kinh phí cho các thôn mua mồi đánh chuột tập trung, không để chuột sinh sôi, cắn phá lúa. Cùng với đó, HTX chỉ đạo các tổ nông giang duy trì, giữ tốt mực nước cho lúa làm đòng, khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, chuẩn bị tốt cho công tác phòng chống lụt bão.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Nhiễm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Phụ cho biết: Trong chiến dịch phòng trừ sâu bệnh hại lúa xuân, Quỳnh Phụ đã quyết liệt chỉ đạo từ xã tới các cơ sở thôn, tăng cường tuyên truyền về tình hình, diễn biến sâu bệnh. Ðồng thời cung ứng thuốc bảo vệ thực vật tới từng xã, thôn, hướng dẫn người dân phun thuốc đúng lịch và cung ứng đủ nước để phục vụ cho việc phòng trừ sâu bệnh. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về bán thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng để người dân yên tâm sản xuất. Ðến nay, toàn bộ diện tích lúa xuân trong huyện phát triển tương đối đồng đều, lúa đang trong giai đoạn phân hóa đòng đến làm đòng, dự kiến khoảng 600ha lúa sẽ trỗ trước ngày 5/5 và khoảng 10.000ha lúa sẽ trỗ tập trung từ ngày 5/5 - 15/5, diện tích còn lại sẽ trỗ sau ngày 15/5. Ðể vụ xuân đạt năng suất, hiệu quả cao và bảo đảm thắng lợi, trong thời gian này, huyện chỉ đạo các xã, thôn tập trung tuyên truyền người dân tích cực bám đồng ruộng, dọn sạch cỏ trong và quanh ruộng, điều tiết nước hợp lý cho lúa làm đòng kết hợp tăng cường diệt chuột, diệt ốc bươu vàng, phát hiện sớm nếu có dấu hiệu sâu bệnh phát sinh gây hại. Khuyến cáo nông dân từ nay đến cuối vụ tuyệt đối không bón thêm đạm cũng như không phun bất cứ các chất sinh trưởng nào cho lúa. Các địa phương thực hiện nạo vét kênh mương, bảo đảm dòng chảy luôn thông thoáng, phục vụ tưới, tiêu, không để ngập úng lúa trong mùa mưa bão sắp tới.

Phạm Huế

 

Một số biện pháp chăm sóc và bảo vệ lúa xuân cuối vụ -  2015

 

Theo kinh nghiệm, cuối tháng 4 dương lịch - tức tháng ba âm lịch, vẫn còn có thể có rét Nàng Bân (tháng Giêng rét Ðài, tháng hai rét Lộc, tháng ba rét Nàng Bân).

 

Vì vậy, trà lúa cấy sớm trỗ cuối tháng 4 - đầu tháng 5 có nguy cơ gặp đợt rét Nàng Bân muộn. Ðể giảm thiểu những tác động bất lợi của thời tiết và chủ động bảo vệ lúa xuân cuối vụ, cần thực hiện tốt một số biện pháp kỹ thuật sau:

 

1. Với trà lúa thuần cấy sớm ngay sau lập xuân (16/Chạp -  trước Tết tức là từ 4/2 - 18/2), chủ động giữ đủ nước để lúa trỗ thoát an toàn, đồng thời phun phòng thuốc đạo ôn cổ bông trước khi lúa trỗ chia vè. Sau khi lúa trỗ xong nếu thời tiết còn âm u, độ ẩm cao nên phun nhắc lại thuốc phòng trừ đạo ôn (nên phun vào 4 - 5 giờ chiều). Không nên phun thuốc vào thời điểm lúa đang trổ phơi màu.

 

2. Với các trà lúa thuần và lúa lai cấy sau 15/2 - 25/2 có thể trỗ đầu tháng 5 - trung tuần tháng 5, kiểm tra đồng ruộng để phát hiện rầy sớm để phun kịp thời. Vì theo dự báo cuối xuân đầu hè có thể thời tiết khô nóng rất phù hợp với sinh lý của rầy nâu  có thể bùng phát dịch rầy sớm.

 

3. Những chân ruộng vàn, vàn cao nếu bị  đói ăn cuối vụ lá hơi vàng thì có thể dùng phân bón qua lá: Ðầu trâu, KOMIC, KH, ET…. phun cùng với lần phòng trừ sâu đục thân, cuốn lá cuối vụ, kết hợp bón bổ sung từ 3 - 4 kg NPK (16-5-17) chuyên thúc lúa (hoặc bón 1,0kg urê + 2,0 - 2,5kg kaly/sào ngay trước khi lúa trỗ thấp thoi (bón thúc đòng, nuôi  hạt).

 

4. Giữ nước mặt ruộng ở giai đoạn ôm đòng đến trỗ vì nếu bị thiếu nước sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình làm đòng và trỗ bông, có thể ảnh hưởng đến năng suất lúa.

 

5. Theo dõi chặt chẽ diễn biến sâu bệnh hại, đặc biệt chú ý đến bệnh đạo ôn, rầy nâu với các giống mẫn cảm. Nếu lúa trỗ sớm trước 5/5, nhiệt độ   Fenoxanin 32 EC, Filia 525 SE , Fuzione 40 WP... phòng lem lép hạt, đốm hạt bằng Tilt Super theo hướng dẫn của chuyên ngành.

 

6. Sau khi lúa đã chắc xanh nên rút nước phơi ruộng làm chắc gốc, giúp cho cây lúa chống đổ tốt, phòng tránh những đợt mưa lớn tiết Tiểu mãn cuối vụ.  

 

7. Chủ động diệt chuột bằng thuốc đặc hiệu như Biorat, thuốc trừ chuột sinh học, do không mùi dễ thu hút chuột ăn nhiều nên hiệu quả diệt trừ chuột cao.

  Ðoàn Thị Kim Tứ

(Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư Thái Bình)

 

  • Từ khóa