Thứ 3, 30/07/2024, 03:27[GMT+7]

Kinh tế châu Á có thể vươn lên ''bá chủ'' toàn cầu?

Thứ 4, 11/08/2010 | 07:48:54
1,172 lượt xem
Thế giới đang “choáng ngợp” và hết lời ca tụng sự trỗi dậy đầy ấn tượng của nền kinh tế châu Á. Chính điều này đã làm nảy sinh nhiều ý kiến trái chiều về thực hư khă năng châu Á vươn lên “thống trị” nền kinh tế thế giới.

Sự trỗi dậy ngoạn mục...

Thời gian qua, có nhiều ý kiến cho rằng, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu làm dịch chuyển sức mạnh kinh tế từ Mỹ và Tây Âu sang châu Á một cách mạnh mẽ.

Mới đây, nền kinh tế Singapore với mức tăng trưởng đáng kinh ngạc 18,1% trong 6 tháng đầu năm đã chính thức vượt mặt các nước phương Tây và trở thành cường quốc xuất khẩu số 1 thế giới.

Số liệu từ bộ phận tình báo kinh tế của Economist cũng cho thấy, châu Á đóng góp khoảng 1/3 doanh số bán lẻ thế giới. Châu Á hiện là thị trường lớn nhất cho nhiều loại sản phẩm, 35% số xe hơi bán ra trong năm ngoái tiêu thụ tại đây, con số này đối với điện thoại di động là 43%. Ngoài ra, châu Á tiêu thụ 35% năng lượng của thế giới, tăng nhiều so với con số 26% vào năm 1995…

Dự báo trong năm nay, châu Á có thể mang lại khoảng một nửa doanh thu và lợi nhuận toàn cầu cho các tập đoàn đa quốc gia tại phương Tây, cao hơn nhiều so với mức 20% đến 25% ở thời điểm hiện nay.

Bên cạnh đó, trong khi thế giới nỗ lực tái thiết trật tự tài chính quốc tế thì các quốc gia châu Á lại giữ khoảng cách với IMF. Trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính lần này, IMF bố trí các khoản vay cho hơn 50 “nước nạn nhân” của cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, các quốc gia châu Á lại hầu như không cầu cứu tới IMF. Trái lại, cơn sốt “hỗ trợ tài chính lẫn nhau” giữa các quốc gia châu Á không ngừng tăng lên.

Trước những thông tin đầy tích cực này, IMF dự báo, tăng trưởng của châu Á trong năm nay đạt 7,5%, cao hơn 3% so với nhịp độ tăng trưởng trung bình của thế giới. Theo Giám đốc điều hành IMF Dominique Strauss-Kahn, do có quy mô kinh tế ngày càng lớn, "châu Á sẽ trở thành đầu tàu kéo nền kinh tế thế giới tiến lên".

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Daejeon, Hàn Quốc ngày 13/7, ông Dominique Strauss-Kahn nhận định, IMF cần đổi mới quan hệ với các nước châu Á vì những nước này đang đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong nền kinh tế toàn cầu.

Ông khẳng định, các nước châu Á thực thi những chính sách đúng đắn dựa trên bài học rút ra từ cuộc khủng hoảng 1997 - 1998. Các quyết định của châu Á có ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu và ngược lại, tình hình kinh tế toàn cầu cũng sẽ có tác động tới lập trường chính sách của từng nước châu Á. Điều này khiến IMF muốn đổi mới quan hệ giữa IMF và châu Á. Ông Kahn cũng cho rằng, khi quan hệ giữa châu Á và xã hội bên ngoài ngày càng thắt chặt hơn, châu Á cần có tiếng nói lớn hơn trong nền kinh tế toàn cầu.

Để thừa nhận vai trò lớn hơn của châu Á, IMF sẽ thực hiện kế hoạch sửa đổi cơ chế bỏ phiếu trong tổ chức này, dự kiến được thực thi vào cuối năm nay. Theo đó, IMF sẽ chuyển 5% quyền bỏ phiếu dành cho các nước phát triển, cho các nước đang phát triển, phần lớn là ở châu Á, nâng tổng số quyền bỏ phiếu của châu Á lên 7,7%.

Những tín hiệu đáng ngờ

Nhìn nhận “ánh hào quang” chói lóa này của nền kinh tế châu Á một cách hoàn toàn trái ngược, nhiều ý kiến lại cho rằng, nếu xem xét cẩn thận, các số liệu này cho thấy sự chuyển dịch sức mạnh kinh tế từ Tây sang Đông có thể đã bị cường điệu. Một số đồng tiền đang giảm giá, phần đóng góp của châu Á vào GDP thế giới (tính theo giá trị danh nghĩa căn cứ vào tỷ giá hối đoái của thị trường) thực sự giảm xuống, từ mức 29% năm 1995 xuống 27% năm 2009.

Năm 2009, tổng sản lượng của châu Á vượt qua Mỹ nhưng vẫn còn ít hơn so với Tây Âu dù năm nay họ có thể vượt qua Tây Âu. Nói cách khác, sản lượng của phương Tây giàu có vẫn còn lớn gấp đôi so với phương Đông.

Nhiều nhà kinh tế học cho rằng, cách đo lường theo PPP cường điệu ảnh hưởng kinh tế của châu Á. Điều làm các doanh nghiệp phương Tây quan tâm thật sự là tiêu dùng của người dân tính theo USD. Dù 3/5 dân số thế giới sống ở châu Á, họ chỉ chiếm khoảng 1/5 giá trị tiêu thụ của tư nhân toàn cầu, ít hơn tỷ lệ 30% của người Mỹ.

Không chỉ vậy, ảnh hưởng của châu Á lên thị trường tài chính toàn cầu cũng hết sức khiêm tốn bởi vì các quỹ dự trữ chính thức chỉ chiếm khoảng 5% tổng dự trữ các tài sản tài chính toàn cầu. Khối tài sản tư nhân chủ yếu vẫn nằm ở phương Tây. Sự kiện các đồng tiền châu Á chỉ góp khoảng 3% tổng số dự trữ ngoại tệ cũng cho thấy châu Á vẫn tụt hậu rất xa trong các vấn đề tài chính.

Trong khi đó, những thách thức mà nền kinh tế châu Á đang phải đối mặt cũng không ít hơn các nước phương Tây. Theo giám đốc IMF, dù nhiều nền kinh tế châu Á kết thúc các biện pháp kích cầu kinh tế, nhưng những nguy cơ trong đó có nguy cơ xuất phát từ rối loạn kinh tế hiện nay ở châu Âu có thể buộc các nhà hoạch định chính sách kinh tế châu Á phải có những điều chỉnh phù hợp để xử lý các cú sốc kinh tế có thể nổi lên, trong đó luồng vốn cũng có thể trở thành mối đe doạ đối với các nước có tốc độ tăng trưởng nhanh.

Dựa trên những phân tích này, nhiều nhà kinh tế học nhận định, câu chuyện về những điều thần kỳ trong phát triển kinh tế của châu Á hiện chưa thể đưa nền kinh tế này lên vị trí số 1 thế giới.

Theo tinkinhte.com

  • Từ khóa