Thứ 4, 15/01/2025, 12:08[GMT+7]

Hội thảo mô hình chuyển đổi lúa xuân sang trồng ngô, rau màu

Thứ 2, 11/05/2015 | 19:55:05
1,178 lượt xem
Sáng ngày 11/5, tại xã Điệp Nông (Hưng Hà), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo mô hình chuyển đổi lúa xuân sang trồng ngô, rau màu. Đồng chí Phạm Văn Ca, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh tới dự.

Đồng chí Phạm Văn Ca, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh tham quan mô hình chuyển đổi lúa xuân sang trồng ngô ngọt tại xã Điệp Nông (Hưng Hà).

 

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng các mô hình chuyển đổi một phần diện tích gieo cấy lúa sang trồng ngô, khoai tây và các loại cây rau màu có giá trị kinh tế cao, vụ xuân năm 2015 toàn tỉnh đã xây dựng 15 mô hình làm điểm ở các địa phương với diện tích 291ha. Riêng tại xã Điệp Nông đã chuyển đổi 50ha gieo cấy lúa xuân sang trồng ngô ngọt, sử dụng giống Sugers 75 và Sumit. Địa phương đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty Đồng Giao và Công ty Chế biến nông sản Hải Dương. Năng suất ngô dự kiến đạt 5,6 tạ/sào, thu lãi gấp 3 lần so với cấy lúa. Đây là mô hình điểm thực hiện luân canh 4 vụ/năm: ngô ngọt - dưa gang - lúa mùa sớm - ngô ngọt đông.

 

Phát biểu chỉ đạo hội thảo, đồng chí Phạm Văn Ca, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh đánh giá cao hiệu quả mô hình chuyển đổi và nhấn mạnh việc chuyển đổi cấy lúa sang mô hình trồng ngô, rau màu là tất yếu, nằm trong chủ trương, chiến lược của tỉnh. Để nhân rộng mô hình, ngành Nông nghiệp cần nghiên cứu, hoàn thiện kế hoạch hỗ trợ cụ thể cho các địa phương thực hiện mô hình. Đồng thời phải có cơ chế kêu gọi doanh nghiệp vào cuộc, bảo đảm đầu ra cho nông dân. Đối với các vùng chuyển đổi, tỉnh sẽ quan tâm chỉ đạo về cứng hóa kênh mương, đường giao thông nội đồng để thuận lợi cho quá trình sản xuất và thu mua. Đồng chí Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh cũng đề nghị các địa phương cần quy hoạch từng loại cây trồng sao cho phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng và nguồn lao động.

 

Mai Thư

  • Từ khóa