Chủ nhật, 25/05/2025, 20:57[GMT+7]

Bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn- Người dân hưởng lợi

Thứ 3, 02/06/2015 | 08:25:47
2,045 lượt xem
Bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn (LĐHANT) cho ngành điện quản lý là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ điện, bảo đảm cho lưới điện vận hành an toàn, ổn định. Với tinh thần hướng về nông thôn, sớm đem lại lợi ích cho người dân, thời gian qua UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương hoàn tất mọi thủ tục bàn giao LĐHANT cho Công ty Điện lực Thái Bình quản lý trong năm 2015.

Công nhân Điện lực Thành phố cải tạo lưới điện trên địa bàn phường Lê Hồng Phong.

 

“Chủ trương của tỉnh bàn giao LĐHANT cho Công ty điện lực Thái Bình quản lý, bán điện trực tiếp đến hộ dân là đúng đắn, nhằm nâng cao chất lượng, phục vụ sinh hoạt và sản xuất được tốt hơn, bảo đảm sự công bằng giữa nông thôn và thành thị. Hơn nữa, việc bàn giao LĐHANT cho Công ty sẽ thuận lợi cho việc hoàn trả nợ vốn vay Dự án Năng lượng nông thôn 2 (RE2) và việc đầu tư nâng cấp, tu bổ hệ thống lưới điện...” - đó là khẳng định của đồng chí Phạm Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Vì vậy, UBND tỉnh rất quan tâm và đã ban hành nhiều quyết định, văn bản phê duyệt kế hoạch giao, nhận và hoàn trả vốn đầu tư LĐHANT.

 

Từ năm 2008 đến nay, thực hiện chủ trương tiếp nhận LĐHANT về ngành điện quản lý, Công ty Điện lực Thái Bình đã tiếp nhận và bán điện trực tiếp cho 204 xã, phường, thị trấn. Ngay sau khi tiếp nhận, Công ty đã tập trung huy động các nguồn vốn đầu tư cải tạo LĐHANT giai đoạn 1 (2009 - 2010) với 169 công trình, tổng mức đầu tư gần 338 tỷ đồng. Đặc biệt, hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới, Công ty tiếp tục tranh thủ mọi nguồn vốn để nâng cao chất lượng LĐHANT, giúp các xã sớm đạt tiêu chí số 4 về điện với trên 500 tỷ đồng đầu tư lưới điện nông thôn. Hiện, Công ty đang triển khai 97 công trình điện trong toàn tỉnh với tổng số vốn 173,86 tỷ đồng, đồng thời thực hiện dự án chuyển đổi lưới điện 10kV thành phố Thái Bình lên lưới 22kV, hạ ngầm đường dây trung thế khu vực các tuyến phố chính với tổng số vốn 80 tỷ đồng. Trong thời gian tới, ngành điện sẽ triển khai một số dự án lớn như KFW, nguồn vốn hơn 280 tỷ đồng và Jica 205 tỷ đồng. Kết quả của những biện pháp này đã làm chuyển biến rõ rệt chất lượng dịch vụ cung cấp điện cho các hộ sử dụng điện ở nông thôn, điện áp cuối nguồn tăng, tổn thất điện năng giảm từ trên 30% trước tiếp nhận xuống dưới 9%, đáp ứng cơ bản nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân với mức tăng trưởng 12%/năm; người dân nông thôn được mua điện theo giá quy định của Chính phủ…

 

Đối với 84 xã tham gia Dự án RE2, đến nay đã có Quỳnh Hội (Quỳnh Phụ) hoàn thành bàn giao LĐHANT cho ngành điện quản lý; 16 xã đang triển khai kế hoạch bàn giao đợt 1 năm 2015. Tuy nhiên, tiến độ triển khai rất chậm. Trong quá trình bàn giao đã xuất hiện những khó khăn, vướng mắc giữa bên giao và bên nhận. Ông Nguyễn Văn Tuynh, Giám đốc Công ty Điện lực Thái Bình cho biết: Mặc dù khối lượng công việc nhiều, trong khi không được tăng chỉ tiêu tuyển dụng song Công ty luôn sẵn sàng tiếp nhận. Nhưng lãnh đạo nhiều địa phương hoặc là không nắm vững nguyên tắc bàn giao, hoặc là vì lợi ích cục bộ nên đã thiếu quyết liệt trong việc tổ chức bàn giao, có biểu hiện buông lỏng quản lý, ảnh hưởng đến việc cung cấp điện ổn định, gây nguy cơ mất an toàn cho người và thiết bị điện. Hơn nữa, trong quá trình bàn giao, thực chất là quá trình nhận lại nợ đòi hỏi phải có đầy đủ hồ sơ pháp lý, đặc biệt là đối với Dự án RE2 phải có phê duyệt quyết toán và được xác nhận bởi kiểm toán độc lập. Đối với LĐHANT do các địa phương đầu tư phải có đầy đủ hồ sơ liên quan đến việc xác định nguyên giá và giá trị còn lại của tài sản bàn giao, cơ cấu nguồn vốn đầu tư công trình… theo quy định tại Thông tư liên tịch số 32/2013/TTLT-BTC-BCT của liên Bộ Tài chính - Công Thương về việc hướng dẫn giao nhận và hoàn trả vốn LĐHANT. Thế nhưng, khi vào việc thì đụng đâu cũng thấy thiếu. Một số địa phương không lưu đầy đủ hồ sơ, vì vậy không đáp ứng điều kiện để hoàn trả vốn đầu tư.

 

Để giải quyết những vướng mắc trong quá trình bàn giao LĐHANT, UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu UBND các huyện, thành phố tiếp tục tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận việc bàn giao LĐHANT cho ngành điện quản lý; kiểm tra hoạt động kinh doanh điện của các tổ chức quản lý điện nông thôn. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thành việc bàn giao lưới điện đối với các tổ chức quản lý điện nông thôn đã được UBND tỉnh phê duyệt (năm 2014 và đợt 1 năm 2015) trong tháng 6/2015. Các tổ chức quản lý điện nông thôn còn lại hoàn thành bàn giao trong năm 2015 và chia làm 2 đợt, tháng 7 và tháng 10. Sở Tài chính tiếp tục đôn đốc thu hồi nợ vốn vay Dự án RE2, tham mưu với UBND tỉnh đối trừ vào ngân sách huyện đối với những huyện còn có các tổ chức quản lý điện nông thôn chây ỳ, không trả nợ vốn vay Dự án RE2 của các năm trước; đồng thời có công văn gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh danh sách các tổ chức quản lý điện nông thôn chưa trả vốn vay Dự án RE2 (năm 2013, 2014) để xem xét khi xã đăng ký về đích nông thôn mới năm 2015. Công ty Điện lực Thái Bình chủ trì, phối hợp với các địa phương khẩn trương xác định tài sản LĐHANT còn lại theo quy định và tạo điều kiện hợp đồng với những lao động được đào tạo về quản lý điện của các tổ chức quản lý điện nông thôn sau khi tiếp nhận lưới điện. Về khấu hao, thống nhất áp dụng mức khấu hao 10 năm khi xác định giá trị tài sản còn lại LĐHANT để bàn giao cho ngành điện quản lý.

 

Minh Nguyệt

 

  • Từ khóa