Thứ 3, 20/05/2025, 00:47[GMT+7]

Thành phố Thái Bình quy hoạch phát triển hạ tầng đô thị

Thứ 5, 02/07/2015 | 08:13:59
5,854 lượt xem
Trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và phát triển hạ tầng đô thị luôn có vai trò hết sức quan trọng. Quy hoạch cần đi trước một bước, từ đó tạo điều kiện thuận lợi trong xúc tiến đầu tư, phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ và đô thị. Hiện nay, thành phố Thái Bình đang tập trung phát triển hạ tầng, phấn đấu đến năm 2019 xây dựng thành phố trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh.

Giao thông thuận lợi là điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

 

Quy hoạch chung xây dựng thành phố Thái Bình đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt với tổng diện tích tự nhiên 6.771,4ha. Để định hướng phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể hóa các chủ trương của tỉnh và thành phố, công tác quy hoạch xây dựng thành phố Thái Bình được chỉ đạo triển khai tích cực, đạt nhiều kết quả. Các đồ án quy hoạch, từ quy hoạch phân khu đến quy hoạch chi tiết xây dựng các công trình đã định hướng rõ nét các khu chức năng của đô thị, đáp ứng nhu cầu đầu tư xây dựng công trình, phát triển hệ thống hạ tầng đô thị; trong đó có một số quy hoạch hạ tầng đô thị quan trọng như: quy hoạch phân khu Quảng trường Thái Bình, Tượng đài Bác Hồ với nông dân; quy hoạch khu đô thị phía Nam thành phố; quy hoạch Khu trung tâm y tế của tỉnh tại phường Trần Lãm; quy hoạch nút giao thông Phúc Khánh... Các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội được triển khai theo quy hoạch bảo đảm tính thống nhất, đúng trình tự quy định. Một số đồ án quy hoạch đã được nghiên cứu cập nhật, điều chỉnh bổ sung kịp thời, phù hợp với sự phát triển của thành phố.

 

Phát triển hạ tầng đô thị cũng là một trong những lĩnh vực quan trọng, nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng và các cấp, các ngành đã định hướng trong quy hoạch; tạo tiền đề cho phát triển, là cơ sở để đánh giá sức bật, sự vươn lên của thành phố. Giai đoạn 2011 - 2015, các công trình hạ tầng đô thị thành phố Thái Bình đã được triển khai như: đường vành đai phía Nam, đường Võ Nguyên Giáp, cầu vượt sông Trà Lý, cầu Sam, cầu Kỳ Đồng; trường học, nhà văn hóa, trạm y tế ở các phường, xã; các công trình công cộng như công viên Kỳ Bá, Quảng trường Thái Bình... Tổng mức đầu tư của các dự án do thành phố thực hiện trong giai đoạn 2011 - 2015 đạt 2.464 tỷ đồng với trên 220 công trình đã được hoàn thành đưa vào sử dụng. Hiện nay, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và phát triển hạ tầng đô thị của thành phố Thái Bình còn gặp khó khăn, vướng mắc. Một số đồ án quy hoạch chất lượng còn thấp, đánh giá thực trạng chưa sát, dự báo xu thế phát triển chưa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, chủ yếu dựa theo đề xuất của nhà đầu tư hoặc giải quyết nhu cầu trước mắt.

 

Ông Phạm Đức Học, Phó Chủ tịch UBND thành phố Thái Bình cho biết: Trong thời gian tới, để xây dựng thành phố Thái Bình trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh, các cấp, các ngành cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác quy hoạch, vai trò của công tác quản lý quy hoạch và sự cần thiết, cấp bách trong phát triển hạ tầng đô thị. Tập trung chỉ đạo công tác lập quy hoạch, tạo điều kiện để đông đảo nhân dân được tham gia đóng góp ý kiến một cách dân chủ. Việc công khai quy hoạch được duyệt phải được làm thường xuyên, rộng khắp, đa dạng về hình thức để mọi tổ chức và cá nhân có thể tiếp cận, tìm hiểu, khai thác cũng như tự giác thực hiện, tránh những vi phạm ảnh hưởng đến sự phát triển của đô thị, gây lãng phí trong đầu tư. Trên cơ sở các quy hoạch được duyệt, cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, các đơn vị cung ứng dịch vụ đô thị để đầu tư, mời gọi đầu tư phát triển hạ tầng một cách đồng bộ, hiện đại, tránh lãng phí, bảo đảm tính đồng bộ và chất lượng công trình.

 

Phạm Hưng

  • Từ khóa