Thứ 2, 29/07/2024, 23:15[GMT+7]

Hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế 15% năm

Thứ 2, 20/12/2010 | 07:56:30
1,522 lượt xem
Tây An là xã khu Tây của huyện Tiền Hải có tốc độ tăng trưởng khá, tốc độ phát triển kinh tế hơn 10%/ năm.

Một cơ sở may ở Phương Công - Tiền Hải.

Tổng GTSX trung bình  46,72 tỷ đồng/năm . Trong đó GTSXNN đạt 15,36 tỷ đồng chiếm cơ cấu 33%; CN- TTCN đạt 17, 06 tỷ đồng, chiếm cơ cấu 36, 4%; còn lại là TM  DV. Bởi vậy, đặt mục tiêu phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 15%/ năm theo hướng giảm tỷ trọng NN, tăng tỷ trọng CN- TTCN, TM-  DV trong thời gian tới không còn là việc khó đối với Tây An.

 

Là xã quy mô nhỏ 1004 hộ với hơn 4000 khẩu; diện tích canh tác chỉ có hơn 253 ha, song Tây An lại phát triển mạnh và vững chắc trên cả hai lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và TTCN. Bên cạnh kinh tế nông nghiệp, Tây An  có nhiều nghề thủ công đang phát triển ổn định, vững chắc. Khai thác tối đa những lợi thế.

 

Trong  lĩnh vực nông nghiệp, Tây An đã đưa 45% lúa chất lượng cao vào sản xuất, áp dụng kỹ thuật gieo vãi tới 10,4% diện tích gieo cấy hàng năm, đồng thời tổ chức có hiệu quả công tác phòng trừ sâu bệnh hại. Do vậy năng suất lúa hàng năm đạt 106 tạ/ha. Tuy năng suất lúa chất lượng cao còn ở mức trung bình, nhưng bù lại giá trị cao hơn, tiêu thụ dễ dàng hơn nên nhân dân phân khởi, gắn bó với đồng ruộng.

 

Có điều kiện thuận lợi để tiêu thụ nông sản thực phẩm, những năm qua Tây An duy trì phong trào chăn nuôi (trâu, bò, lợn và gia cầm) tại hàng chục gia trại và hộ gia đình mang lại nguồn thu nhập mỗi năm trên 4 tỷ đồng. Ngoài ra, Tây An còn chuyển đổi 65,3 ha đất kém hiệu quả và cải tạo 103 ha hồ ao để chuyển việc chăn nuôi thả cá quảng canh sang bán thâm canh, mỗi năm thu về hàng tỷ đồng, đưa tỷ trọng chăn nuôi chiếm hơn 40% trong giá trị sản xuất nông nghiệp.

 

Thực hiện NQ 01 của Tỉnh Uỷ, Tây An đã duy trì, phát triển tốt nghề và làng nghề, giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng ngàn lao động. Xã có 180 hộ làm nghề rèn nông cụ nổi tiếng trong vùng, 26 hộ làm các nghề cơ khí, sửa chữa và 248 lao động chuyên đi làm nghề xây dựng.

 

Tây An còn có 2 doanh nghiệp lớn chuyên sản xuất các mặt hàng từ mũ, thêu, móc sợi, mây tre đan. Hai doanh nghiệp Phương Anh và Tây An này vừa giải quyết việc làm cho lao động trong xã, vừa là trung tâm dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động của nhiều xã trong tỉnh, kể cả ngoài tỉnh. Riêng DN tư nhân Phương Anh, giải quyết việc làm cho 6000 - 7000 lao động của Thái Bình, Nam Định, Thanh Hoá...

 

Về hoạt động thương mại dịch vụ có hơn 260 hộ làm các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp chế biến lương thực, vận tải  bộ và kinh doanh buôn bán các mặt hàng tiêu dùng, mỗi năm mang về giá trị sản xuất hàng tỷ đồng và cũng góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao đông tại khu vực nông thôn, nông nghiệp.

 

Kinh tế tăng trưởng, Tây An có thêm điều kiện cải thiện đời sống vật chất , tinh thần cho nhân dân, đưa thu nhập bình quân đầu người đạt loại khá của huyện. Xã đã đầu tư hơn 7,3 tỷ đồng xây dựng nhiều công trình công cộng; và hơn 400 triệu đồng (ngân sách xã và dân đóng góp) xây dựng, tôn tạo các di tích văn hoá - lịch sử ... Dân có việc làm, có thu nhập nên đã giảm thiểu đáng kể các tệ nạn xã hội, giảm thiểu mâu thuẫn nội tại. Chủ tịch UBND xã cho biết: 5 năm liên tục (2006 - 2010) Tây An không có khiếu kiện vượt cấp. Các phong trào sản xuất kinh doanh giỏi; đền ơn đáp nghĩa; xây dựng khu dân cư văn hoá đang có những chuyển biến tích cực.

 

Xác định kinh tế là động lực, tác động tích cực vào các mặt khác trong đời sống xã hội, nên nhiệm vụ phát triển kinh tế luôn được Tây An coi trọng. Mục tiêu đề ra là phấn đấu tăng trưởng 15% / năm. Trong đó nông nghiệp tăng thêm bình quân hàng năm là 4%, chiếm tỷ trọng 30% (giảm 3% so với trước); CN-TTCN-XD chiếm 45% (tăng so với trước 8,6 %).

 

Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 18,2 triệu đồng / người / năm .... Hướng tới mục tiêu tăng trưởng đề ra, Tây An đã xây dựng nhiều biện pháp có tính khả thi cao, như : tiếp tục duy trì nề nếp thâm canh lúa ( trong đó hoàn thành quy hoạch vùng thâm canh lúa chất hượng cao để đưa diện tích này chiếm 50% tổng diện tích gieo cấy hàng năm ). Xã đặt mục tiêu mới về sản xuất vụ đông, đưa diện tích đậu tương vào chân đất 2 lúa từ 10 -20% vào các năm tới .

 

Thực hiện NQ 12 của Tỉnh ủy về phát triển chăn nuôi, thời gian tới Tây An chú trọng hơn về công tác tiêm phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, đưa những con giống mới cho hiệu quả kinh tế cao về xã. Đối với  CN- TTCN, bên cạnh duy trì phát triển nghề tại hộ, Tây An đang tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ xây dựng để năm 2011, cụm CN Tây An có thể đi vào vận hành, thu hút lao động của xã các và địa phương khác vào làm việc, tạo điều kiện nâng cao tỷ trọng thương mại dịch vụ của xã.

 

Từ những bài học kinh nghiệm, Tây An tiếp tục phấn đấu phát triển kinh tế- xã hội vững chắc, phấn đấu xây dựng tổ chức cơ sở ĐảngTSVM, chính quyền và các đoàn thể vững mạnh sẽ là hạt nhân tác động tích cực đi đến  thành công mục tiêu tăng trưởng đề ra.

Phan Đức Lợi

  • Từ khóa