Thứ 7, 27/07/2024, 02:22[GMT+7]

Chủ động, quyết liệt phòng trừ sâu bệnh hại lúa mùa

Thứ 6, 28/08/2015 | 19:06:58
1,544 lượt xem
Hiện nay lúa mùa ở các địa phương trong tỉnh đang xuất hiện một số loại sâu bệnh gây hại. Trước tình hình đó, địa phương đang tích cực chỉ đạo các xã, thị trấn theo dõi, đồng thời thực hiện các biện pháp phòng, trừ hiệu quả, không để sâu bệnh phát triển diện rộng.

Nông dân xã Phúc Khánh (Hưng Hà) chăm sóc lúa mùa.

 

Vụ mùa năm nay, xã Phúc Khánh gieo cấy trên 288ha lúa. Đến nay, toàn bộ các trà lúa đều sinh trưởng và phát triển tốt. Toàn xã đã có trên 100ha lúa trỗ, chủ yếu là các giống có thời gian sinh trưởng ngắn như Hương thơm, Bắc thơm, ĐS1...  Các trà lúa có thời gian sinh trưởng trung ngày như BC15, TBR1 đang trong thời kỳ ôm đòng, dự kiến 100% diện tích lúa sẽ trỗ từ 5 - 10/9.  Hiện diện tích lúa mùa của địa phương đang bị một số loại sâu bệnh gây hại như sâu đục thân, sâu cuốn lá, khô vằn... Tuy mật độ sâu bệnh không cao song với tinh thần chủ động, địa phương đã chỉ đạo các thôn tổ chức kiểm tra, rà soát toàn bộ diện tích lúa mùa, xác định diện tích lúa cần phun để hướng dẫn nông dân tổ chức phun trừ sâu bệnh kịp thời, đúng kế hoạch đề ra. HTX đã phát động phun phòng, trừ sâu đục thân kết hợp phun trừ sâu cuốn lá nhỏ, bệnh khô vằn từ ngày 17 - 19/8 cho toàn bộ diện tích trỗ bông trước 30/8. 

 

Cũng như xã Phúc Khánh, đến thời điểm này, gần 500ha lúa mùa của xã Hòa Tiến phát triển khá đồng đều. Dự kiến đến 30/8, toàn xã có khoảng 70ha lúa trỗ, từ ngày 5 - 10/9 lúa trỗ tập trung khoảng 350ha, diện tích còn lại trỗ từ 11 - 20/9. Theo ông Nguyễn Văn Ích, Chủ nhiệm HTX DVNN xã: Vụ mùa năm nay, sâu đục thân 2 chấm gây hại nặng hơn so với năm 2014. Lứa sâu này tập trung gây bạc bông cho trà lúa trỗ trước 30/8, làm thui đòng và dảnh hữu hiệu trà lúa trỗ sau 5/9. Trước tình hình sâu bệnh có nguy cơ gây hại nặng, thực hiện chỉ đạo của huyện, địa phương đã phát động đợt phòng, trừ sâu đục thân 2 chấm kết hợp phòng, trừ sâu cuốn lá nhỏ, đồng thời chỉ đạo nông dân trong xã thường xuyên kiểm tra đồng ruộng nhằm kịp thời phát hiện sâu bệnh để phòng, trừ không để sâu bệnh gây hại lúa mùa.

 

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, huyện Hưng Hà chỉ đạo các địa phương trong huyện tổ chức phun thuốc phòng, trừ sâu đục thân kết hợp phòng, trừ sâu cuốn lá nhỏ cho những diện tích lúa trỗ trước ngày 30/8. Phân công cán bộ phụ trách để đôn đốc, hướng dẫn nông dân tổ chức phòng, trừ sâu bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Huyện cũng chỉ đạo các HTX DVNN tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi sát diễn biến sâu bệnh để hướng dẫn nông dân tổ chức phun phòng, trừ kịp thời. Phát động đợt phòng trừ sâu đục thân 2 chấm từ ngày 3 - 6/9 cho toàn bộ diện tích lúa trỗ trong tháng 9. Hướng dẫn nông dân không bón đạm đơn nuôi đòng, nuôi hạt, không sử dụng chất kích thích sinh trưởng và phân bón qua lá. Tăng cường công tác tuyên truyền để nông dân nắm được diễn biến tình hình sâu bệnh cũng như nguy cơ gây hại để chủ động có biện pháp phòng, trừ kịp thời. Cùng với đó, đẩy mạnh việc quản lý kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn, không để thuốc giả, thuốc kém chất lượng lưu hành làm ảnh hưởng đến sản xuất vụ mùa.

 

Vụ mùa năm 2015, huyện Quỳnh Phụ gieo cấy 11.700ha, trong đó có khoảng 1.000ha lúa tái sinh. Hiện nay, lúa mùa đại trà đang trong giai đoạn làm đòng đến trỗ bông, đây là thời kỳ mẫn cảm với sâu bệnh hại và có thể thiệt hại lớn tới năng suất nếu không được phòng, trừ kịp thời.

 

 

Nông dân xã An Quý (Quỳnh Phụ) phun thuốc phòng trừ sâu bệnh bảo vệ lúa mùa.

 

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Bảo vệ thực vật huyện, hiện nay trên đồng ruộng sâu đục thân 2 chấm hại lúa mùa có diễn biến phức tạp. Mật độ ổ trứng sâu đục thân 2 chấm trung bình từ 0,05 - 0,1 ổ/m2, nơi cao 0,3 - 0,5 ổ/m2, cục bộ 1 - 2 ổ/m2, sâu non nở rộ từ ngày 27/8 đến ngày 10/9, nếu không phòng trừ kịp thời, sâu đục thân 2 chấm sẽ gây hại cho trà lúa trỗ bông trong tháng 8 và làm thui đòng cho trà lúa mùa đại trà. Để chủ động phòng, trừ sâu bệnh hại trên lúa, các ngành chức năng của huyện và nhân dân đang tập trung kiểm tra, theo dõi chủ động các biện pháp phòng, trừ. Huyện Quỳnh Phụ đã phát động chiến dịch phun trừ sâu đục thân 2 chấm vào hai đợt: đợt 1 phun từ ngày 27 - 29/8 cho những diện tích lúa trỗ bông từ ngày 25 - 31/8 và toàn bộ diện tích lúa mùa của các xã có nguồn sâu đục thân 2 chấm cao; phun đợt 2 từ ngày 1 - 5/9 cho toàn bộ diện tích lúa mùa trỗ bông sau ngày 1/9. Huyện cũng đã phân công các đồng chí Huyện ủy viên phụ trách các cụm, xã tăng cường xuống cơ sở tập trung chỉ đạo đôn đốc việc phòng, trừ sâu bệnh; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông phân công cán bộ kỹ thuật xuống các xã, thị trấn kiểm tra, đôn đốc và hướng dân nông dân kỹ thuật.

 

Ông Vũ Đức Chiêu, Chủ nhiệm HTX DVNN xã Quỳnh Hội cho biết: Là một trong những địa phương có diện tích lúa tái sinh cao của huyện, bên cạnh những mặt tích cực, lúa tái sinh còn là cầu nối của các loại sâu bệnh, đặc biệt là sâu đục thân 2 chấm. Hiện nay, trên đồng ruộng Quỳnh Hội ngoài sâu đục thân 2 chấm còn xuất hiện cục bộ bệnh bạc lá, đốm nâu. Trước tình hình đó, Quỳnh Hội đã tổ chức cuộc họp khẩn các ban, ngành, đoàn thể, cán bộ các thôn để tuyên truyền, triển khai chiến dịch phun phòng, trừ, đồng thời hướng dẫn bà con sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm an toàn, hiệu quả. 

 

Xác định đây là đợt phòng, trừ sâu bệnh quan trọng, quyết định đến năng suất lúa vụ mùa, các cấp chính quyền và nhân dân Quỳnh Phụ đã chủ động, tích cực và quyết liệt triển khai chiến dịch phòng, trừ sâu bệnh, phấn đấu một vụ sản xuất đạt năng suất và sản lượng cao.

 

Vụ mùa năm nay, huyện Tiền Hải gieo cấy 10.400ha lúa. Hiện nay, lúa trà sớm trong giai đoạn làm đòng, lúa đại trà giai đoạn cuối đẻ nhánh đến phân hóa đòng. Tuy nhiên, nắng nóng kéo dài là điều kiện cho sâu bệnh phát sinh, gây hại lúa. Những ngày này, bà con nông dân trong huyện đang tích cực thăm đồng, chủ động phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa.

 

Chiến dịch phòng trừ sâu bệnh được nông dân xã An Ninh (Tiền Hải) triển khai đúng lịch.

 

Ông Phạm Văn Vang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiền Hải cho biết:  Qua kiểm tra thực tế, sâu bệnh trên lúa mùa có chiều hướng diễn biến phức tạp, nhiều đối tượng sâu bệnh gây hại như: sâu cuốn lá nhỏ tiếp tục nở rộ mật độ trung bình 20 - 30 con/m2, nơi cao 50 - 70 con/m2, cục bộ 100 con/m2. Sâu non gây hại trà lúa trỗ sau ngày 5/9, ngoài ra còn có sâu đục thân 2 chấm và rầy các loại, bệnh khô vằn đang gây hại lúa mùa. Trước thực trạng sâu bệnh phát sinh ở các trà lúa mùa, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản đôn đốc chỉ đạo các địa phương chủ động các biện pháp phòng, trừ kịp thời sâu bệnh cho lúa mùa, tránh tư tưởng chủ quan, lơ là. Triển khai hội nghị quán triệt về công tác phòng trừ sâu bệnh tới các địa phương. Tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn bà con nông dân cách nhận biết phòng, trừ sâu bệnh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng, đúng lúc và đúng cách, bảo đảm hiệu quả và an toàn. Bên cạnh đó, các phòng, ban chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra cửa hàng tư nhân kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, nghiêm cấm lợi dụng đợt phòng, trừ sâu bệnh tăng giá thuốc bảo vệ thực vật, bán thuốc không đúng chủng loại... Yêu cầu các HTX chuẩn bị đầy đủ các loại thuốc đặc hiệu, mở rộng điểm bán thuốc bảo vệ thực vật tại các thôn để phục vụ nông dân phòng, trừ sâu bệnh. Đối với công tác tuyên truyền, các địa phương cần thông tin cụ thể biện pháp phòng trừ trên đài truyền thanh và tuyên truyền bằng xe lưu động. Ngoài ra, huyện đã cử cán bộ chuyên môn phối hợp với cán bộ các HTX thường xuyên có mặt ở các cánh đồng để kiểm tra, nắm bắt diễn biến tình hình sâu bệnh, trên cơ sở đó, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả. Sẵn sàng các phương án phòng, chống khi sâu, bệnh lây lan thành dịch. Khuyến cáo các địa phương có tỷ lệ sâu đục thân cao như Vũ Lăng, Tây An, Tây Lương, Tây Ninh, Vân Trường, Đông Trà... cần huy động tổ chức đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền đến hội viên, đoàn viên và nông dân không chủ quan, lơ là trong đợt tập trung phòng, trừ sâu bệnh cho lúa mùa thời gian từ 1 - 4/9.

 

Ghi nhận của chúng tôi khi có mặt tại cánh đồng thôn Trung Đông, xã An Ninh, bà Trần Thị Hoa cho biết: Nghe khuyến cáo của UBND xã và qua kiểm tra đồng ruộng đã phát hiện sâu cuốn lá nhỏ, rầy gây hại trên 5 sào lúa BC15 của gia đình. Gia đình bà đã mua thuốc bảo vệ thực vật của HTX, được cán bộ chuyên môn hướng dẫn cách sử dụng thuốc phòng, trừ cho từng đối tượng sâu bệnh. Đến nay, 5 sào lúa đã được phun phòng, trừ sâu bệnh. Ông Cao Bá Muồn, Phó Chủ nhiệm HTX DVNN xã Tây Lương chia sẻ: HTX phối hợp với cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật huyện  thường xuyên bám đồng ruộng, điều tra dự tính, dự báo hàng tuần tình hình sâu bệnh trên đồng ruộng, kịp thời thông báo cho bà con cách phòng, trừ khi tới ngưỡng.

 

Với những biện pháp tích cực, huyện Tiền Hải quyết tâm diệt trừ sâu bệnh tận gốc, không để lây lan ra diện rộng từ nay đến cuối vụ, phấn đấu giành vụ mùa bội thu.

 

Nhóm phóng viên

 

  • Từ khóa