Thứ 7, 03/08/2024, 01:14[GMT+7]

Hiện thực hóa giấc mơ hoàn thiện hệ thống đê điều

Thứ 2, 07/09/2015 | 09:33:06
2,885 lượt xem
Hệ thống đê ở tỉnh ta đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tài sản, mùa màng và tính mạng của người dân. Nhận thức rõ điều đó, nhiều năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền và cơ quan chức năng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tích cực đầu tư xây dựng, nâng cấp và bảo vệ đê điều. Hết năm 2014, cơ bản hệ thống đê điều của tỉnh, đặc biệt việc cứng hóa hệ thống đê biển được hoàn thành, đã hiện thực hóa giấc mơ tưởng như hàng chục năm nữa mới đạt được.

Hệ thống đê biển được cứng hóa góp phần hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra và tạo thuận lợi cho giao thông nông thôn.

Trước tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến phức tạp khó lường, công tác củng cố, tu bổ đê điều luôn được các cấp, các ngành trong tỉnh coi trọng. Ông Nguyễn Phú Nhuận, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Năm 2014, trong duy tu, bảo dưỡng đê sông gồm 6 hạng mục đã thực hiện được 13.935m3 đất; 2.661m3 gạch, đá xây; 1.245m3 bê tông các loại; khoan phụt vữa gia cố thân đê được 9.176m khoan sâu. Trong duy tu, bảo dưỡng đê biển, đã hoàn thành 13.700m3 đất và trồng gần 41.000 cây mắm, cây trang, cây bần chắn sóng đê biển số 5 (Tiền Hải). Cùng với đó, thực hiện xử lý khẩn cấp bãi lở, đê bối xã Quỳnh Hoa (Quỳnh Phụ), sự cố sạt lở kè Ngoại Lãng đoạn từ K10+100 đến K10+200, đê hữu Trà Lý. Ban Quản lý dự án Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì nghiệm thu, đưa vào sử dụng Dự án nâng cấp đê biển số 6 (từ K11+500 đến K14+500), đê biển số 8 (K16 - K20 và K31+925 - K32+556). Một số đoạn đê sông Hữu Luộc, đê Hữu Hóa được thực hiện nâng cấp; 100% khối lượng dự toán tu bổ đê điều thường xuyên được thực hiện và đưa vào sử dụng. Các dự án khác như xây cống Cự Lẫm (Vũ Thư), cống Khả Phú 2 (Kiến Xương), cứng hóa mặt đê Tả Trà Lý (Thành phố)... đều hoàn thành 100% khối lượng được duyệt và đưa vào sử dụng hiệu quả.

Không chỉ năm 2014, hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều tham mưu cho UBND tỉnh lập kế hoạch và dự án tu bổ đê điều thường xuyên, duy tu, bảo dưỡng đê điều từ nguồn vốn trung ương và dự án tu bổ đê điều bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh. Các cơ quan chức năng đã tham gia giám sát, bảo đảm chất lượng các công trình phục vụ phòng, chống lụt, bão. Các công trình đê, kè, cống được đầu tư xây dựng có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tiến độ, kỹ thuật và phát huy cao tác dụng. Trong 5 năm (2010 - 2015), Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão đã thực hiện đào, đắp gần 40.000m3 đất, hơn 19.000m3 đá các loại và gần 11.000m3 bê tông. Song song với thực hiện tốt việc xây dựng, củng cố, tu bổ đê điều, cơ quan chức năng của tỉnh còn thường xuyên kiểm tra, theo dõi 356,3km đê sông, đê biển từ cấp III trở lên; 219 cống lớn, nhỏ; 90 kè lát mái dài trên 100km và 11 hệ thống kè mỏ... Kịp thời phát hiện diễn biến hư hỏng các công trình đê điều trước, trong và sau mùa lũ, bão. Quản lý chặt chẽ gần 60.000m3 đá hộc, hơn 1.000m3 đá dăm, trên 610.000 bao nilon, 8.320m2 vải lọc, 64.100m2 vải bạt chống sóng, 7.037 rọ thép, 23.780kg dây thép và một số loại vật tư dự trữ khác. Cùng với tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đê điều, 5 năm qua, lực lượng chức năng đã phát hiện, ngăn chặn 1.109 vụ vi phạm, đặc biệt đã hạn chế được vi phạm bơm hút cát trái phép, nhất là đối với khu vực thành phố Thái Bình.

5 năm qua, thành công lớn nhất trong lĩnh vực đê điều, đó là tỉnh ta đã hoàn thành việc nâng cấp 4 tuyến đê biển số 5, số 6 (Tiền Hải) và số 7, số 8 (Thái Thụy) góp phần tăng cường khả năng chống chịu với bão và triều cường. Toàn bộ mái đê trực diện với biển dài hàng chục ki-lô-mét và mặt đê được cứng hóa bằng bê tông, chất lượng bảo đảm. Không chỉ dừng ở đó, từ năm 2014, nhằm bảo vệ hệ thống đê biển (do đê nằm trên nền cát yếu), đồng thời phát triển kinh tế - xã hội địa phương, UBND tỉnh đầu tư thực hiện dự án xây dựng thí điểm kè và nâng bãi trồng cây chắn sóng cho đê biển Tiền Hải.

Những ngày cuối tháng 8, chúng tôi có dịp về Tiền Hải, nơi có tinh thần quai đê lấn biển, chinh phục thiên nhiên của người Thái Bình. Tại hai xã Đông Minh, Nam Thịnh, kè bảo vệ đê biển được các kỹ sư và công nhân của Nhà máy chế tạo bê tông cốt thép thành mỏng đúc sẵn BUSADCO (Cụm công nghiệp Vũ Quý, Kiến Xương) thi công bằng công nghệ mới. Ông Trần Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải cho biết, hết tháng 6/2015, cơ bản hạng mục công trình kè bãi tại đê biển số 6 (K33+020 - K35+760, xã Đông Minh) và đê biển số 5 (K22+300 - K23+ 300, xã Nam Thịnh) đã hoàn thành. Ngày 13/5/2015, UBND tỉnh có quyết định tiếp tục đầu tư các hạng mục công trình còn lại của dự án nâng cao mặt bằng trồng cây chắn sóng đối với các vị trí đê biển trên. Đi trên con đê số 5 và số 6 từ khu Đông sang khu Nam, nhiều cụ nguyên là cán bộ thủy lợi của huyện Tiền Hải tâm sự, khi còn công tác không bao giờ dám mơ đến con đê như vậy. Giờ không phải là giấc mơ, đó là hiện thực. Một hiện thực được kiến tạo bởi công sức, trí tuệ và quyết tâm cao của Đảng bộ và nhân dân Thái Bình.

Phan Lợi

  • Từ khóa