Thứ 5, 01/08/2024, 03:27[GMT+7]

Tăng cường công tác quy hoạch và quản lý nhà nước về xây dựng

Thứ 4, 16/09/2015 | 14:45:46
2,370 lượt xem
Nhiệm vụ này sẽ được chú trọng thực hiện từ nay đến năm 2020 nhằm góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh sớm có nền nông nghiệp, công nghiệp theo hướng hiện đại.

Một góc khu đô thị Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình.

 

Trong quá trình xây dựng và phát triển, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và phát triển hạ tầng đô thị có vai trò hết sức quan trọng. Quy hoạch cần đi trước một bước, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho xúc tiến đầu tư, phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ và đô thị; tạo thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp cũng như xây dựng nông thôn mới và định hướng phát triển kinh tế - xã hội.

 

Từ năm 2011 đến nay, ngành Xây dựng đã thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt hàng chục quy hoạch phân khu, hàng trăm đồ án quy hoạch chi tiết và quy hoạch địa điểm. Đến nay, toàn tỉnh đã quy hoạch chi tiết 6 khu công nghiệp với tổng diện tích 1.117ha, quy hoạch chi tiết 29 cụm công nghiệp với tổng diện tích 779ha. Hàng trăm dự án đầu tư đã đi vào sản xuất, tạo việc làm cho trên 150.000 lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Trong xây dựng nông thôn mới, đã hoàn thành quy hoạch xây dựng chung, quy hoạch trung tâm các xã, hệ thống giao thông thủy lợi và giao thông nội đồng cho tất cả các xã trong tỉnh.

 

Bên cạnh đó, Sở Xây dựng đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Chương trình phát triển đô thị tỉnh Thái Bình giai đoạn 2015 - 2020; hoàn thành Đề án nâng cấp thành phố Thái Bình lên đô thị loại II; hoàn chỉnh quy định về thiết kế cảnh quan đô thị tại thành phố Thái Bình; thành lập thêm 2 đô thị loại V là thị trấn Thái Ninh (Thái Thụy) và Vũ Quý (Kiến Xương); tiếp tục nâng cấp thị trấn Diêm Điền đạt tiêu chí đô thị loại IV. Đến nay, toàn tỉnh có 14 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại II là thành phố Thái Bình, 13 đô thị loại V phân bố đều trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ đô thị hóa của Thái Bình đến nay đạt 11,7%. Các đô thị tiếp tục khẳng định vai trò là động lực phát triển kinh tế, là hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở mỗi địa phương, mỗi vùng.

 

Tuy nhiên, hiện nay công tác quy hoạch đang bộc lộ nhiều hạn chế cần được khắc phục như chất lượng đồ án quy hoạch còn thấp, chưa thể hiện được tầm nhìn chiến lược, tính ổn định và phát triển kém bền vững, thiếu sự thống nhất, đồng bộ. Quy hoạch chi tiết đạt tỷ lệ thấp, do đó rất khó khăn cho công tác quản lý. Công tác quản lý sau quy hoạch chưa thực sự nghiêm túc, các địa phương chưa chủ động mà trông chờ vào vốn đầu tư của Nhà nước nên đã ảnh hưởng tới tính khả thi của quy hoạch xây dựng. Công tác quản lý nhà nước về xây dựng trong những năm qua được đổi mới căn bản, các lĩnh vực về hạ tầng kỹ thuật, nhà ở, kinh tế, chất lượng công trình, vật liệu xây dựng... được đồng loạt điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi, phù hợp với thực tiễn phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng chưa được ban hành đồng bộ đã ảnh hưởng đến công tác phân công, phân cấp quản lý, làm cho việc điều hành và xác định thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị trong hoạt động đầu tư xây dựng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

 

Đồng chí Phạm Công Thành, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Thời gian tới, Thái Bình đẩy mạnh quy hoạch phát triển đô thị, phát triển kinh tế đô thị là trọng tâm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động từ nông nghiệp, nông dân, nông thôn sang sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Trong đó, tiên phong phải là đổi mới và nâng cao chất lượng thẩm định, xét duyệt quy hoạch xây dựng. Quy hoạch phải được lấy ý kiến của các ngành, các cấp có liên quan và đại diện khu dân cư quy hoạch trước khi thẩm định và phê duyệt. Quy hoạch xây dựng sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt phải được công bố, công khai kịp thời cho nhân dân biết, tham gia giám sát trong quá trình thực hiện. Ưu tiên bố trí ngân sách cho công tác nghiên cứu, lập quy hoạch xây dựng đồng bộ ở tất cả các khâu, từ quy hoạch chung đến quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, quy hoạch chi tiết để từ đó có căn cứ quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng và kêu gọi đầu tư. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động xây dựng, việc chấp hành các quy định về quy hoạch xây dựng và đầu tư xây dựng, năng lực của các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án, các nhà thầu và đơn vị thi công để hoạt động đầu tư xây dựng đúng với quy hoạch, dự án đầu tư được phê duyệt, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

Phạm Hưng

  • Từ khóa