Chủ nhật, 04/08/2024, 15:15[GMT+7]

Giải pháp thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng chất lượng, hiệu quả

Thứ 5, 24/09/2015 | 08:38:27
3,499 lượt xem
Đối với tỉnh ta, nhiệm kỳ vừa qua, trong bối cảnh có những thuận lợi cơ bản nhưng còn không ít khó khăn, thử thách; song với sự cố gắng nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển, đạt kết quả khá toàn diện.

Thành phố Thái Bình được đầu tư xây dựng ngày càng hiện đại.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (tháng 1/2011) đã thông qua chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng "Chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô vừa chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững". Tại Kết luận số 10-KL/TW và số 74-KL/TW của Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) nhấn mạnh "Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế". Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 17/5/2013 phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020.

Đối với tỉnh ta, nhiệm kỳ vừa qua, trong bối cảnh có những thuận lợi cơ bản nhưng còn không ít khó khăn, thử thách; song với sự cố gắng nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển, đạt kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực như trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành đã trình bày tại Đại hội. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, cũng bộc lộ không ít yếu kém từ nội tại của nền kinh tế: Chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn hạn chế. Quy mô các ngành kinh tế chủ yếu phát triển theo chiều rộng, hàm lượng tri thức, khoa học - công nghệ và lao động có kỹ năng chưa nhiều. Sản xuất nông nghiệp quy mô lớn phát triển chưa mạnh; sự liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ tuy đã có chuyển biến nhưng mức độ còn chậm và chưa đồng bộ. Sản xuất công nghiệp phần lớn là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp; số ngành, lĩnh vực có công nghệ tiên tiến, hiện đại còn ít. Các ngành dịch vụ chất lượng cao chưa phát triển. Cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch chậm (tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm trên 30% cơ cấu kinh tế của tỉnh, cao nhất so với các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng)... Từ thực tế trên, việc tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; huy động mọi nguồn lực để phát triển nền kinh tế nhanh và bền vững, nhằm phát huy hiệu quả những tiềm năng, lợi thế của các ngành, lĩnh vực và của từng vùng kinh tế trong tỉnh những năm tới là rất cấp thiết.

Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ trên trong giai đoạn tới, theo tôi, các cấp, các ngành trong tỉnh cần thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là: Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu các ngành kinh tế; ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh, phát huy tối đa các ưu thế của tỉnh để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm dần tỷ lệ lao động trong ngành Nông nghiệp từ 50% năm 2015 xuống còn khoảng 30 - 33% vào năm 2020; tăng tỷ lệ lao động trong các ngành công nghiệp từ 30% lên khoảng 46% và dịch vụ từ 20% lên 24%. Muốn vậy cần điều chỉnh tích tụ ruộng đất với quy mô lớn (theo Luật Đất đai năm 2013), tạo điều kiện phát triển toàn diện nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành các cụm liên kết sản xuất theo mô hình chuỗi giá trị gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, phải tăng cường thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển công nghiệp và thương mại, dịch vụ để tạo được nhiều việc làm, thu hút lao động từ sản xuất nông nghiệp chuyển sang. Định hướng phát triển các ngành cụ thể như sau:

- Đối với sản xuất nông nghiệp: Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với giải quyết lao động nông thôn và tích tụ đất đai. Rà soát quy hoạch sử dụng đất theo hướng chỉ giữ diện tích đất trồng lúa đến năm 2020 khoảng 60.000ha để bảo đảm an ninh lương thực, còn lại chuyển đổi khoảng 20.000ha sang các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn và phát triển các khu, cụm công nghiệp, đất phi nông nghiệp khác. Từng bước thí điểm và đề xuất cơ chế, chính sách tích tụ ruộng đất, mà trước hết chuyển lao động nông thôn sang làm việc ở lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ có thu nhập, đời sống cao hơn làm nông nghiệp và ổn định cho trước mắt và lâu dài để họ yên tâm chuyển nhượng, cho thuê lại diện tích đất của họ cho các doanh nghiệp và hộ gia đình khác có điều kiện phát triển nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn; tạo tiền đề quan trọng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa; xây dựng các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, gắn với việc bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế từng vùng. Mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, lúa giống và rau màu có giá trị kinh tế cao; tập trung vào các loại cây đã được lựa chọn để phát triển chiến lược ngành Nông nghiệp của tỉnh đến năm 2020. Xây dựng chính sách hỗ trợ việc đăng ký và quảng bá thương hiệu sản phẩm. Đẩy mạnh cơ giới hóa, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào tổ chức sản xuất, thâm canh, tăng năng suất cây trồng, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác, nâng cao thu nhập cho người dân.

Dây chuyền sản xuất của Công ty Cổ phần Sợi Trà Lý. Ảnh: Ngọc Linh

Nâng cao chất lượng, hiệu quả ngành chăn nuôi trở thành ngành kinh tế quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại quy mô vừa và lớn, áp dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sinh học, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Khuyến khích phát triển hình thức chăn nuôi an toàn theo quy trình VietGAP. Chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng quy mô đàn gia cầm, đàn lợn, đàn bò thịt, từng bước phát triển bò sữa; phấn đấu nâng tỷ trọng chăn nuôi chiếm khoảng 46 - 50% giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp.

Tập trung phát triển sản xuất thủy sản thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Chuyển mạnh nuôi trồng thủy sản từ phương thức quảng canh hiện nay sang phương thức nuôi thâm canh và bán thâm canh, ứng dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh khai thác thủy sản trên biển, tập trung hỗ trợ, khuyến khích ngư dân đóng mới, cải hoán tàu thuyền, nâng cao công suất của tàu và đầu tư trang thiết bị để đẩy mạnh khai thác xa bờ, giảm đánh bắt nhỏ lẻ gần bờ; phấn đấu đến năm 2020, sản lượng nuôi trồng chiếm trên 75% sản lượng thủy sản; số tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ chiếm 40% số lượng tàu khai thác thủy sản của tỉnh.

- Đối với sản xuất công nghiệp: Rà soát, quy hoạch lại các khu, cụm công nghiệp theo hướng phát triển các khu, cụm công nghiệp mới ở khu vực ven biển, hình thành trục kinh tế ven biển, tiến tới xây dựng khu kinh tế ven biển Thái Bình. Tiếp tục mời gọi, thu hút các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để đẩy mạnh thu hút đầu tư, tăng giá trị công nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp tập trung, bảo đảm vệ sinh môi trường. Tập trung phát triển mạnh sản xuất công nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm và doanh nghiệp. Khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường; chú trọng phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, chế biến nông sản thực phẩm, cơ khí, điện tử...; giảm dần công nghiệp sơ chế, công nghệ lạc hậu; tăng cường chế biến sâu để tạo sản phẩm hàng hóa tiêu dùng cuối cùng nhằm tăng giá trị gia tăng, nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

+ Trên địa bàn Thành phố và các vùng đô thị: Khuyến khích thu hút và phát triển các ngành công nghiệp sạch, có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, ít gây ô nhiễm môi trường nhằm xây dựng, phát triển đô thị xanh, sinh thái, văn minh hiện đại.

+ Ở khu vực nông thôn: Rà soát quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp, điểm công nghiệp làng nghề để thu hút các dự án đầu tư sử dụng nhiều lao động để chuyển đổi cơ cấu lao động nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp; khuyến khích thu hút dự án ít gây ô nhiễm môi trường (như chế biến nông sản, may mặc, sản xuất sợi, cơ khí...); kiên quyết không chấp nhận các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Hỗ trợ phát triển sản xuất nghề và làng nghề gắn với phát triển các cơ sở sản xuất công nghiệp ở nông thôn, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lao động nông thôn theo phương châm "Ly nông bất ly hương" và chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Kiên quyết loại bỏ những ngành nghề gây ô nhiễm môi trường và có lộ trình chuyển dần các cơ sở sản xuất nghề, tiểu thủ công nghiệp trong khu dân cư ra các khu sản xuất tập trung theo quy hoạch để xử lý nước thải, chất thải, đảm bảo vệ sinh môi trường.

+ Ở khu vực ven biển: Thu hút phát triển các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp sử dụng khí mỏ như: sản xuất điện, hóa chất, phân đạm, xi măng chịu nhiệt, chịu axit và vật liệu xây dựng cao cấp, thủy tinh, gốm sứ, kính công nghiệp, sắt thép, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp khai khoáng; công nghiệp khai thác, chế biến khí mỏ, than sâu... nhằm hình thành một số ngành công nghiệp mũi nhọn, tạo động lực phát triển căn bản của tỉnh.

- Đối với lĩnh vực dịch vụ: Phát triển đa dạng hóa các ngành dịch vụ theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Tập trung phát triển các ngành dịch vụ truyền thống, dịch vụ hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các dịch vụ mới, văn minh, hiện đại, nhất là những dịch vụ có hàm lượng tri thức cao, giá trị gia tăng lớn (như các dịch vụ logistics, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, thương mại điện tử, tư vấn tài chính; chuyển giao khoa học công nghệ và sở hữu trí tuệ, dịch vụ giáo dục đào tạo và y tế chất lượng cao...). Tăng cường và nâng cao chất lượng hoạt động khuyến thương, xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ ở trong và ngoài nước; tập trung hỗ trợ phát triển các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh, các sản phẩm đã có thương hiệu và thị trường (như bia, nước khoáng, lúa gạo, ngao, sứ vệ sinh cao cấp...). Đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ với chủ trương: Nhà nước chỉ làm những công việc mà khu vực kinh tế ngoài Nhà nước không làm hoặc làm không hiệu quả, nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư đặc biệt là trong các lĩnh vực mới như: Dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao ở một số bệnh viện công; thí điểm đấu thầu quyền quản lý, khai thác một số công trình văn hóa, thể thao, y tế, dạy nghề, bến bãi, khu neo đậu tàu, thuyền, công viên cây xanh, điện chiếu sáng công cộng, cấp thoát nước và quản lý, khai thác dịch vụ đô thị (nhất là các khu đô thị mới), nhà ở xã hội, nhà ở thương mại... nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư công trình và xây dựng cảnh quan đô thị văn minh, sạch đẹp.

Mùa vàng trên đồng ruộng Tân Hòa (Vũ Thư). Ảnh: Minh Đức

Hai là: Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế chính sách nhằm huy động tối đa các nguồn vốn xã hội để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Đối với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước: Tập trung cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và một số ngành, lĩnh vực, dự án trọng điểm, mũi nhọn có tác động lan tỏa, tạo động lực cho phát triển như: đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ hiện đại, hình thành trục kinh tế ven biển liên kết với vùng nội đồng bằng mạng lưới hạ tầng kỹ thuật đồng bộ cả về giao thông, điện, nước, viễn thông...; đầu tư phát triển khoa học công nghệ gắn với sản xuất; đầu tư cho giáo dục, đào tạo, y tế và phúc lợi xã hội để phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao; đầu tư nâng cao năng lực quản lý và hiện đại hóa quản lý nhà nước; đầu tư bảo đảm an sinh xã hội...

Đẩy mạnh triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về xã hội hóa các nguồn lực và đa dạng hóa các hình thức đầu tư, nhất là trong phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội và phục vụ đời sống dân sinh. Mở rộng tối đa phạm vi và cơ hội cho đầu tư tư nhân nhằm huy động các nguồn lực trong xã hội phục vụ mục tiêu đầu tư phát triển. Tiếp tục thực hiện chủ trương thoái mạnh vốn ngân sách nhà nước ở những lĩnh vực, dự án, công trình mà Nhà nước không cần thiết phải đầu tư. Chủ động xây dựng và công bố danh mục các dự án đầu tư theo các hình thức PPP (như BOT, BT...) để khuyến khích, thu hút đầu tư tư nhân vào những dự án đầu tư kết cấu hạ tầng có lợi nhuận thông qua việc khai thác quyền sử dụng các công trình đó (như đường giao thông, cầu, chợ, cảng cá...).

Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng đồng bộ cơ chế chính sách, khuyến khích, thu hút đầu tư của từng ngành, từng lĩnh vực theo hướng tháo bỏ rào cản, bãi bỏ hoặc bổ sung, sửa đổi các quy định, chính sách không phù hợp với cơ chế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế; đơn giản hóa và giảm thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (như thủ tục về đăng ký kinh doanh, chủ trương đầu tư, ưu đãi đầu tư, tiếp cận đất đai, vốn tín dụng...) nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tăng cường thu hút các nguồn lực, vốn đầu tư để phục vụ phát triển kinh tế. Tiếp tục khuyến khích, thu hút đầu tư trong lĩnh vực cung cấp nước sạch, xử lý rác thải. Rà soát danh mục các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, không khuyến khích đầu tư trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững.

Ba là: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Chú trọng đầu tư phát triển, nâng cao năng lực của các cơ sở đào tạo (về số lượng đào tạo và đa dạng cơ cấu ngành nghề); mở rộng hình thức hợp tác, liên kết giữa các trường đại học, cao đẳng với các cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ổn định cho các ngành ưu tiên phát triển. Tăng cường nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn thông qua các hình thức đào tạo nghề gắn với chuyển giao các công nghệ, kỹ thuật và quy trình sản xuất mới cho các hộ nông dân, để cho nông dân có thể làm chủ các ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, tạo cơ hội việc làm cho người lao động và góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn.

Bổ sung hoàn thiện và phát huy hiệu quả chính sách thu hút và sử dụng nhân tài, nhân lực có trình độ cao của tỉnh theo hướng thiết thực, cụ thể về nhiệm vụ và kết quả đầu ra của mỗi vị trí, công việc, chức danh công tác; ưu tiên tuyển chọn sinh viên tốt nghiệp đại học có chuyên ngành phù hợp để công tác tại xã, phường, thị trấn, tạo nguồn cho cán bộ lãnh đạo quản lý ở các đơn vị cơ sở.

Bốn là: Đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý, phát triển khoa học và công nghệ để khoa học và công nghệ thực sự là động lực thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Xây dựng cơ chế, chính sách xã hội hóa khoa học và công nghệ, đẩy mạnh thực hiện cơ chế hợp tác công - tư, đồng tài trợ thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ. Tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Mở rộng các mối liên kết, hợp tác trong nước và quốc tế về khoa học và công nghệ. Phát triển các hình thức hợp tác, liên kết hợp đồng chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực giữa các tổ chức khoa học và công nghệ, các trường đại học, cao đẳng và doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn nhằm đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Năm là: Thực hiện tái cơ cấu kinh tế, thu hút được các nguồn lực đầu tư phát triển nhanh và bền vững phải gắn với việc đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và cải cách chế độ công vụ. Nâng cao chất lượng hoạt động các Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh và cấp huyện, phấn đấu 100% thủ tục hành chính được giải quyết tại Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện vào năm 2016, tạo thuận lợi hơn trong thực hiện các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, chú trọng nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức. Tăng cường chấn chỉnh ý thức, thái độ, tác phong, lề lối làm việc và trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ. Đẩy mạnh chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, nhất là những tiêu chí bị giảm điểm, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính... Tích cực thực hiện hiệu quả công tác phòng chống, tham nhũng, lãng phí gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay"; kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Với niềm tin sâu sắc vào sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước; sự quan tâm, hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương; sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở; cùng với sự đồng lòng, hưởng ứng của các các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, tôi tin tưởng rằng trong thời gian tới việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; huy động mọi nguồn lực để phát triển nền kinh tế nhanh và bền vững của tỉnh sẽ thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

Phạm Văn Ca
(Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh)

  • Từ khóa