Thứ 2, 29/07/2024, 23:14[GMT+7]

Tiền Hải Một năm nhìn lại

Thứ 6, 31/12/2010 | 16:56:36
2,443 lượt xem
Tổng giá trị sản xuất toàn huyện đạt 2.838,5 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 15,7%; giá trị sản xuất bình quân đầu người đạt 32,5 triệu đồng, tăng 19,4%, so với năm 2009.

Năm 2010, Tiền Hải vững vàng đi lên và giành được nhiều thành tựu có ý nghĩa lớn lao. Ảnh: Ngọc Linh

Năm 2010 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm (2006- 2010), với bao công việc dồn đẩy, cộng với nhiều khó khăn thử thách về thiên tai, dịch bệnh, sản lượng điện cắt giảm, giá cả một số mặt hàng tăng cao... nhưng Tiền Hải vẫn vững vàng đi lên và giành được nhiều thành tựu có ý nghĩa lớn lao.

Trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản tăng 7,8%; giá trị sản xuất CN- XD tăng hơn 20%; giá trị sản xuất TM - DV tăng hơn 15%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch một cách tích cực: CN - TTCN - XD 48,5%; NN - LN - TS  34,3%; TM - DV 17,2%.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, mặc dù gặp nhiều thách thức: đầu năm khô hạn, cả 2 vụ sản xuất lúa đều bị sâu bệnh hại, đặc biệt là dịch rầy lưng trắng và lùn sọc đen phát triển trên diện rộng, song với sự chỉ đạo quyết liệt của huyện uỷ, UBND huyện, sự vào cuộc tích cực của các ngành và sự hỗ trợ kịp thời, có hiệu quả của tỉnh, Tiền Hải đã  đưa năng suất lúa cả năm đạt 125,5 tạ/ha.

Trong thâm canh lúa, Tiền Hải còn là huyện nổi trội về quy hoạch được nhiều vùng sản xuất lúa chất lượng cao (Bắc thơm số 7; T10; Nếp 87; Nếp 97...), đưa diện tích từ 40% các năm 2008, 2009 lên gần 47% năm 2010. Nhờ có sản lượng lúa chất lượng cao mà nông sản hàng hoá không dư thừa và không rớt giá.

Đi đôi với thâm canh lúa, Tiền Hải còn tích cực trong công tác chuyển đổi những vùng đất chua, mặn  năng suất lúa thấp sang nuôi trồng thuỷ hải sản cho hiệu quả cao. Kết thúc năm 2010, toàn huyện đã chuyển đổi 72,2ha sang nuôi cá, chăn nuôi tổng hợp.

Với 392 trang trại, 1650 gia trại, cộng với phong trào phát triển chăn nuôi tại hộ gia đình, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt mức tăng 9,8% so với năm trước và chiếm 32% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Nhiều điển hình phát triển chăn nuôi tập trung quy mô lớn và áp dụng công nghệ tiên tiến như khu chăn nuôi Vũ Lăng có 4 trang trại; Nam Cường 3 trang trại; Khu chăn nuôi tổng hợp Nam Thắng có hơn 20 hộ...

Đây không chỉ là điển hình của huyện mà còn là của tỉnh, là địa chỉ thăm quan, trao đổi kinh nghiệm của các đoàn tỉnh bạn. Năm 2010, Tiền Hải còn có tiến bộ vượt trội về sản xuất vụ đông. Mặc dù là huyện có khó khăn về quỹ đất, bằng 3 biện pháp: tích cực cải tạo đất, đổi mới cơ cấu, thời vụ cấy lúa tạo quỹ thời vụ vụ đông và đổi mới cơ cấu cây trồng vụ đông, nên vụ đông 2010, Tiền Hải lần đầu tiên đạt tổng diện tích cây vụ đông 3317ha, trong đó có 800 ha cây đậu tương đông trên đất 2 lúa.

Nhiều xã của Tiền Hải trước đó gần như "trắng cây vụ đông", nay tích cực tiếp thu trồng cây đậu tương trên đất 2 lúa, mở ra hướng đi mới cho vụ đông năm tới.

Khai thác thế mạnh hơn 23km bờ biển, vùng hải lưu rộng, Tiền Hải đã tập trung đưa vào nuôi trồng 4.077ha (trong đó  nước lợ 2050ha; nuôi ngao bãi triều 1.120ha, còn lại là nuôi nước ngọt).  Đã xuất hiện nhiều mô hình mới vận động dồn điền đổi thửa tạo vùng nuôi tập trung đưa lại hiệu quả cao như Đông Minh, Nam Cường, Nam Thắng.

Đồng thời, nhiều điển hình làm ăn khá giỏi nổi lên như ông Nguyễn Văn Hữu (Nam Cường), Nguyễn Văn Vinh (Nam Thịnh), Vũ Công Đình (Đông Minh)... được tỉnh và Trung ương khen tặng. Cùng với phát triển nuôi trồng, Tiền Hải đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực khai thác, đánh bắt với gần 1000 phương tiện (trong đó có 5 đội tầu đánh bắt xa bờ); vận động đẩy mạnh khâu chế biến làm tăng giá trị hải sản...

Năm 2010, năm đầu tiên sản lượng thuỷ sản đạt trên 40.000 tấn mang lại cho kinh tế biển Tiền Hải hàng trăm tỷ đồng, chiếm tỷ trọng đáng kể trong ngành nông nghiệp - lâm nghiệp - thuỷ sản. Kinh tế biển còn góp phần giải quyết việc làm cho hơn 6000 lao động của khu vực nông thôn. Điều quan trọng, trong phát triển kinh tế biển, Tiền Hải luôn gắn với bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn và bảo vệ môi trường. Nhiều diện tích rừng phòng hộ được trồng mới, các mô hình nuôi trồng thuỷ sản như luân canh tôm sú, ngao, cá rô phi... đã bước đầu tăng cường kỹ năng và tổ chức hoạt động thuỷ sản của cộng đồng cho người dân.

Trong  CN - TTCN, Tiền Hải chỉ đứng sau Thành phố. Cùng với các ngành chức năng  của tỉnh, năm 2010, Tiền Hải đã làm tốt công tác quy hoạch, thu hồi đất mở rộng khu CN khí đốt, đưa diện tích từ 125ha lên 250ha và đầu tư xây dựng 2 cụm CN của huyện (Trà Lý và Cửa Lân). Đến nay, nhờ đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, các cụm và khu công nghiệp đã thu hút hơn 130 dự án với tổng số vốn đưa vào sản xuất trên 1.500 tỷ đồng.

Nhiều nhà máy, xí nghiệp đã có thương hiệu mạnh trong và ngoài nước như công ty CP gạch ốp lát Thái Bình, MiKaDo, sứ Đông Lâm, Thuỷ tinh pha lê Việt - Tiệp... Năm 2010, năm có nhiều khó khăn cho khu vực làng nghề, nhưng nghề và làng nghề vẫn giữ vững, phát triển ổn định, với số lượng 27 làng, góp phần đưa giá trị sản xuất CN - TTCN cả năm đạt gần 1.400 tỷ đồng, chiếm 49,1% tổng giá trị sản xuất chung của huyện. Đối với thương mại  dịch vụ, với 77 doanh nghiệp, toàn huyện đạt giá trị sản xuất hơn 1.300 tỷ đồng, góp phần với các ngành, các thành phần kinh tế của huyện bình ổn giá cả, hạn chế tới mức thấp nhất ảnh hưởng của cơn bão giá cuối năm tới.

Nhìn lại để đi lên, năm 2011 Tiền Hải đã đặt ra những mục tiêu lớn hơn: tiếp tục đưa kinh tế của huyện tăng trưởng từ 16% trở lên so với năm 2010. Nhiệm vụ trước mắt là khắc phục hạn hán, tổ chức gieo cấy vụ xuân đúng thời vụ, đúng cơ cấu, chăm sóc bảo vệ tốt để đạt năng suất cao.

Chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để kinh tế biển bước vào vụ sản xuất xuân hè một cách chủ động. Tiếp tục phát triển CN - TTCN, tăng 21,3%, đạt cơ cấu kinh tế 48,7%...

Đảm bảo đời sống nhân dân trước và sau tết, hạn chế thấp nhất các ảnh hưởng về lạm phát tới đời sống và sản xuất.

Phan Đức Lợi

  • Từ khóa