Thứ 5, 08/08/2024, 06:19[GMT+7]

Không có sự việc mất mùa lúa tại Quỳnh Hải

Thứ 5, 01/10/2015 | 20:23:37
4,351 lượt xem
Qua các hoạt động tác nghiệp của phóng viên Báo Thái Bình tại thực địa, có thể khẳng định rằng không có sự việc mất mùa lúa tại xã Quỳnh Hải.

Phóng viên Báo Thái Bình thị sát thực địa ruộng bị bạc bông tại thôn Lê Xá, xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ).

 

Tại cánh đồng thôn Lê Xá (xã Quỳnh Hải, Quỳnh Phụ), chúng tôi gặp ông Đào Văn Huận (nhân vật đã trả lời phỏng vấn trên phương tiện thông tin đại chúng về tình trạng lúa mất mùa) khi ông đang phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho ruộng ớt. Ông Huận cho biết, gia đình ông  trồng 1 sào lúa, 5 sào rau màu. Do thu nhập từ trồng ớt gấp 3 lần trồng lúa, nên gia đình tập trung vào chăm sóc cho ớt. Nói về 1 sào ruộng lúa bị giảm năng suất, ông Huận cho rằng có thể do nhiều nguyên nhân như ông cấy sai lịch thời vụ, yếu tố thời tiết bất thuận, phun thuốc sâu không đúng chủng loại, không đúng hướng dẫn nên lúa có cấy, có chăm sóc mà gần như không cho thu hoạch. Nhóm phóng viên được ông Lâm Văn Diệu, Trưởng thôn Lê Xá đưa đi thị sát trên tất cả các cánh đồng của thôn và ước tính diện tích cho năng suất lúa mùa thấp khoảng 1ha thuộc 10 gia đình. Như vậy là quá nhỏ so với tổng diện tích canh tác và tổng số hộ trong thôn. Cùng với ông  Phạm Văn Liễn, Chủ nhiệm HTX DVNN xã Quỳnh Hải, nhóm phóng viên ghi nhận tại 2 thôn có diện tích trồng lúa lớn của xã là Đoàn Xá và Xuân Trạch trên từng khu đồng lúa đang hứa hẹn cho vụ mùa bội thu. Tuy vậy, theo ông Liễn, trên địa bàn xã Quỳnh Hải có khoảng 5/290ha lúa mùa năng suất giảm từ 10 - 50%, trong số này cũng có cả một số diện tích có cấy mà thu hoạch rất thấp, thậm chí không có thu hoạch. Diện tích lúa mùa còn lại (285ha) của Quỳnh Hải phát triển tốt, dự kiến năng suất đạt từ 60 tạ/ha trở lên. Như vậy, khẳng định rằng không có sự việc mất mùa lúa tại xã Quỳnh Hải. Ngoài ra xã còn 245,3ha rau màu các loại (chủ lực là rau thơm, gia vị) đang cho thu nhập cao, các thương lái về mua phải tự xuống ruộng để thu gom. Cùng với tích cực trồng, chăm sóc cây vụ đông ưa ấm, nông dân trong xã chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng cho việc gieo trồng 190ha cây vụ đông ưa lạnh.

 

Phần lớn diện tích lúa mùa của Quỳnh Hải hứa hẹn cho năng suất cao.

 

Để trả lời cho nghi vấn năng suất lúa mùa giảm có phải do dùng thuốc trừ sâu theo khuyến cáo của cơ quan chức năng hay không, nhóm phóng viên đã có cuộc làm việc với Đảng ủy, UBND xã và Ban quản trị HTX DVNN xã Quỳnh Hải. Theo văn bản làm việc của UBND xã Quỳnh Hải với bà Thà (người đã trả lời phỏng vấn trên phương tiện thông tin đại chúng) thì bà Thà khẳng định, thuốc bảo vệ thực vật mà bà phun 3 lần là thuốc bọ cạp kết hợp với 1 lọ thuốc gì đó có mùi khó chịu mua của đại lý anh Duẩn, không thuộc danh mục thuốc khuyến cáo của cơ quan chức năng. Còn ông Đào Văn Huận (người đã nêu ở phần trên) cho biết, ông đã mua thuốc trừ sâu của nhiều đại lý tư nhân khác nhau, còn phun thuốc gì thì ông không nhớ. Những người nông dân có ruộng bị giảm năng suất như ông Lâm Văn Dự, bà Vũ Thị Lúa... đều cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến giảm năng suất là do bị chuột cắn phá nên người nông dân bỏ phun thuốc phòng trừ. Mặt khác, toàn bộ diện tích bị giảm năng suất đều là ruộng cấy lúa “éo” (lúa chét; lúa tái sinh), khu vực đất xấu, nhiều gò đống, chuột phá hoại nên nông dân không quan tâm chăm sóc, bảo vệ, cá biệt có người bỏ hẳn. Có chuyện đó là do đặc thù đồng đất Quỳnh Hải là đất cát pha nên thu nhập chính của phần lớn nông dân tập trung vào vụ lúa xuân và sản xuất đa dạng cây vụ đông, chủ lực là su hào, thì là, rau mùi, ớt... Đây chính là yếu tố để có thể ví Quỳnh Hải như một “Đà Lạt của Thái Bình” và có hàng trăm đoàn về thăm quan, học tập, trong đó có cả các đoàn nước ngoài như Nhật Bản, Ăng-gô-la...

 

Nói về việc hướng dẫn, kiểm tra việc phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, địch hại, bà Nguyễn Thị Hân, cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật huyện Quỳnh Phụ, trực tiếp phụ trách xã Quỳnh Hải cho biết: Trong vụ mùa năm 2015, ngoài chỉ đạo, kiểm tra của huyện, xã đã có 8 lần ra thông báo đôn đốc, hướng dẫn nông dân trong phun thuốc phòng trừ. Trong hơn 40.000 loại thuốc bảo vệ thực vật được phép lưu hành, qua quá trình khảo nghiệm nhiều vụ trên đồng ruộng Quỳnh Phụ chúng tôi mới đưa ra khuyến cáo nông dân sử dụng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, một số người dân không tham dự cuộc họp thôn, không nghe thông báo trên đài truyền thanh xã nên không nắm được. Việc mua thuốc cũng do người dân quyết định, không phải ai cũng mua đúng loại thuốc đã được khuyến cáo và không phải mọi nông dân đều phun phòng trừ theo đúng kỹ thuật đã được hướng dẫn.

 

Ngay tại cánh đồng thôn Lê Xá, nhóm phóng viên đã ghi lại hình ảnh chị Vũ Thị Thoại khi chị Thoại mang túi thuốc Toplaz 700 WP mua tại đại lý tư nhân mà ngay chính bản thân chị cũng không hiểu rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, cách dùng..., trong khi trên bao bì thuốc đã ghi rất rõ các thông tin.

 

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ khẳng định, qua kiểm tra, xem xét sự việc một số diện tích lúa bị giảm năng suất tại xã Quỳnh Hải cho thấy, không có căn cứ để khẳng định nguyên nhân là do sử dụng loại thuốc bảo vệ thực vật mà các cơ quan chức năng đã khuyến cáo sử dụng. Bà Phượng cho biết thêm, toàn huyện có khoảng 310ha bị thiệt hại do bạc bông, diện tích còn lại là 11.380ha lúa mùa của huyện dự kiến vẫn cho năng suất cao. Vì vậy, không thể từ một số diện tích nhỏ bị giảm năng suất mà đánh giá Quỳnh Phụ mất mùa được.

 

Để kiểm chứng, nhóm phóng viên đã đến xã Quỳnh Hưng (giáp xã Quỳnh Hải), một xã theo báo cáo là có mật độ sâu bệnh hại lúa mùa cao của Quỳnh Phụ và ghi nhận ruộng lúa của xã Quỳnh Hưng hứa hẹn bội thu. Đại diện lãnh đạo xã và HTX DVNN Quỳnh Hưng cho biết, Hợp tác xã cung ứng thuốc bảo vệ thực vật cho xã viên được khoảng 30% diện tích canh tác, số còn lại do nhân dân tự mua. Hầu hết thuốc bảo vệ thực vật sử dụng là loại thuốc do huyện khuyến cáo. Nhờ làm tốt công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện, cùng với sự nỗ lực của bà con nông dân, dự kiến năng suất lúa của Quỳnh Hưng đạt 60 tạ/ha.

 

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ

Nông nghiệp là một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế của huyện Quỳnh Phụ, vấn đề phòng trừ sâu bệnh bảo vệ sản xuất luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền của huyện coi là nhiệm vụ chính trị và sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành góp phần vào thắng lợi trong sản xuất nông nghiệp của địa phương. Do đó, các văn bản chỉ đạo công tác phòng trừ sâu bệnh bảo vệ sản xuất của huyện đều dựa trên sự hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Bảo vệ thực vật và sự tham mưu của Trạm Bảo vệ thực vật, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với từng đối tượng sâu bệnh và cách phòng trừ để phù hợp với thực tế tại địa phương. Trong quá trình tiếp xúc cử tri, trước sự tràn lan của nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật trên thị trường, rất nhiều nhân dân tại các địa phương đề nghị các cấp lãnh đạo và cơ quan chuyên môn của huyện có sự khuyến cáo rõ về chủng loại, liều lượng thuốc bảo vệ thực vật đặc hiệu trong mỗi đợt phòng trừ sâu bệnh để nhân dân có định hướng và phòng trừ hiệu quả.

Ông Vũ Đức Hùng, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ

Tôi khẳng định, nếu để xã Quỳnh Hải xảy ra mất mùa, trách nhiệm ấy trước hết thuộc về Đảng ủy, HĐND, UBND, HTX DVNN xã. Do đó, sản xuất nông nghiệp luôn được địa phương coi là nhiệm vụ chính trị, ngay từ khâu triển khai đề án sản xuất, gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch đều có sự tham gia vào cuộc của chính quyền cùng bà con nông dân. Trên diện tích lúa vụ mùa 290ha, trong đó có gần 5ha ruộng trũng, xấu đầu bờ, gần gò đống, khó thâm canh nên một số gia đình đã chểnh mảng chăm sóc phòng trừ sâu bệnh, thậm chí có hộ còn bỏ hẳn để giành thời gian và công sức trồng rau màu. Do đó dẫn tới lúa bị sâu đục thân gây hại nặng, năng suất giảm từ 10 - 50%, có thửa không cho thu hoạch. Việc đưa thông tin về lúa mùa của địa phương bị sâu bệnh gây hại dẫn tới mất mùa là hoàn toàn không có căn cứ, vì thế đã gây hoang mang một bộ phận nhân dân, làm cho nhân dân thiếu tin tưởng vào một số cơ quan thông tin tuyên truyền.

Bà Nguyễn Thị Hân, cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật huyện Quỳnh Phụ

Chuyện mất mùa ở một số gia đình ở xã Quỳnh Hải là có thật, nhưng chỉ là số ít, thậm chí rất ít. Nếu chỉ vì một vài thửa ruộng nhỏ của một số gia đình bị sâu bệnh do không làm tốt công tác chăm sóc và bảo vệ thực vật mà có sự quy chụp mất mùa cho cả xã Quỳnh Hải là thiếu công bằng. Làm như thế sẽ mất lòng tin với nhân dân.

Ông Lâm Văn Dự, thôn Lê Xá, xã Quỳnh Hải

Trong công tác phòng trừ sâu bệnh bảo vệ lúa mùa cũng như các vụ trước từ đầu vụ đến nay, UBND xã đã tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh các biện pháp bảo vệ thực vật như phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân lúa hai chấm, bệnh bạc lá cùng các đối tượng sâu, bệnh hại khác giúp gia đình tôi và các hộ nông dân thấy rõ nguy cơ, mức độ gây hại để có biện pháp phòng, trừ đạt hiệu quả. Qua công tác chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh của chính quyền xã đã góp phần giúp năng suất lúa của gia đình tôi luôn tăng và ổn định trong nhiều vụ.

Ông Đào Văn Huận, thôn Lê Xá, xã Quỳnh Hải

Gia đình tôi có 6 sào ruộng, trong đó 5 sào trồng các loại cây rau màu, 1 sào cấy lúa, xen kẽ với những thửa ruộng lúa “chét” và vùng trồng màu. Công tác bảo vệ thực vật của gia đình vụ mùa năm nay có nhiều khó khăn, sâu bệnh phát sinh gây hại nặng. Gia đình tôi đã phun thuốc bảo vệ thực vật 6 lần phòng trừ các loại sâu, bệnh bằng các loại thuốc đã được các cơ quan chuyên môn kiểm định lưu hành trên thị trường nhưng không   hiểu vì sao lúa vấn bị bạc trắng. 1 sào lúa có cấy mà gần như không có thu hoạch.

Ông Lâm Văn Diệu, Trưởng thôn Lê Xá, xã Quỳnh Hải

Thời điểm hiện nay diện tích lúa mùa của thôn Lê Xá đã cho thu hoạch, theo ước tính đạt năng suất trung bình khoảng gần 60 tạ/ha. Tuy nhiên, một số hộ nông dân trong thôn chủ quan có diện tích xen kẽ với chân ruộng lúa “chét” và trồng màu, phát hiện sâu bệnh muộn, phòng trừ sâu bệnh bảo vệ lúa mùa không theo nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng, đúng lúc và đúng cách, dẫn đến giảm năng suất.

 

Trịnh Cường - Mạnh Thắng - Phan Lợi

  • Từ khóa