Thứ 2, 01/07/2024, 05:16[GMT+7]

Nhìn lại bức tranh kinh tế - xã hội năm 2010 Thêm niềm tin mới

Thứ 7, 01/01/2011 | 10:08:54
1,836 lượt xem
Năm Canh Dần sắp đi qua. Chia tay năm 2010, chúng ta có nhiều bài học kinh nghiệm trong “đối nhân xử thế” với áp lực của các cuộc khủng hoảng kinh tế. Có bài học thực tiễn trong chỉ đạo các tình huống gay cấn mà cuộc sống đặt ra. Năm 2010, cho ta nhiều bài học thành công, để bước vào năm 2011 với những tư duy mới, sức sáng tạo mới.

Thế là năm 2010, đã lại qua đi theo quy luật vốn có của thời gian. Một năm với bao sự kiện lớn và cũng có rất nhiều thách thức. ở tầm vĩ mô, ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế trên thế giới làm yếu đi tốc độ tăng trưởng và khó gượng dậy được trong một sớm, một chiều ở nhiều nước. Trong nước thì tình trạng thiếu điện trầm trọng đã ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất.

 

Cuối năm, miền Trung hứng chịu sự vùi dập của thiên tai, lũ lụt. Dịch bệnh trong nông nghiệp thường xuyên đe dọa đến mùa màng và an ninh lương thực. Năm, toàn tỉnh tập trung cao cho sự chỉ đạo Đại hội Đảng bộ các cấp thành công. Đánh giá thành tựu 5 năm để rút ra bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, tổ chức, điều hành là cần thiết.

 

Nhưng quan trọng hơn là có được đường lối đúng, phù hợp cho chặng đường 5 năm tới. Vì thế, toàn Đảng bộ tập trung tâm trí, sức lực để có một kỳ đại hội thành công trên nhiều phương diện. Trong bộn bề khó khăn thử thách như thế, mà tổng sản phẩm (GDP) vẫn tăng 14% so với năm 2009 và đạt kế hoạch đề ra. Nông, lâm, thủy sản tăng 5,92%; công nghiệp và XDCB tăng 25,13%;  dịch vụ tăng 12,55%. Đặc biệt, cơ cấu GDP đã có chuyển biến tích cực 33% (Nông, lâm, thủy sản), 32,98% (CN và XDCB); 34,02% (dịch vụ). Thu nhập bình quân trên đầu người đạt 16,1 triệu đồng.

 

Còn nhớ cuối năm 2009, khi bàn chỉ tiêu phát triển kinh tế năm 2010, lúc mà “cơn bão” khủng hoảng tài chính, vừa đi qua, hậu quả để lại còn khá nặng nề: có rất nhiều ý kiến đề nghị nên điều chỉnh xuống dưới 14%. Điều đó là rất có lý, ở các tỉnh quanh ta, nhìn rộng một chút là các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng, có nhiều tiềm năng, lợi thế hơn Thái Bình cũng chỉ đạt GDP dưới 2 con số; có tỉnh còn “âm”. Đặt mục tiêu GDP tăng 14% có thật mạo hiểm không?

 

Đến giờ phút này, chúng ta thở phào nhẹ nhõm, khi mà tổng sản phẩm đạt 11.419 tỷ đồng, đạt kế hoạch và tăng 14% so với năm 2009. Như thế, không phải chúng ta có phép mầu nhiệm nào. Trong tư duy của các nhà lãnh đạo luôn lấy mục tiêu phấn đấu để vươn lên. Càng khó khăn, càng đòi hỏi ý chí và lòng quyết tâm. Vấn đề còn lại là giải pháp.

 

Còn nhớ, đầu năm tình hình sản xuất công nghiệp và xây dựng gặp nhiều khó khăn do: giá cả nguyên liệu tăng cao, điện và khí mỏ thiếu… UBND tỉnh đã tổ chức đối thoại với doanh nghiệp . Vẫn là bài học kinh nghiệm của cha ông “mở hội nghị Diên Hồng”, để bàn việc nước. Các doanh nghiệp kêu khó, kêu mắc… thì tập trung tháo gỡ để một số dự án lớn đi vào sản xuất. Toàn tỉnh có 130 dự án đầu tư vào các KCN với số vốn 9.888 tỷ đồng, 211 dự án đầu tư vào các cụm công nghiệp;  có 284 dự án đi vào sản xuất với số vốn 11.736 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 86.000 lao động; 46 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn đầu tư đăng ký 274,7 triệu USD.

 

Đó là lý do vì sao, trong hoàn cảnh khó khăn cả trên “sân khách” và “sân nhà” giá trị SXCN và xây dựng đạt xấp xỉ 12 nghìn tỷ đồng, tăng 25,96% so với năm 2009. Bóc tách ra thì công nghiệp đạt 10.194 tỷ và xây dựng 1451 tỷ đồng. Nhà máy sản xuất phôi thép Shengly đóng góp 11,6% giá trị sản phẩm ngành công nghiệp.

 

Nhiều sản phẩm có sản lượng lớn, giá trị sản xuất tăng cao như: Phôi thép (262%), bia (39,7%), quần áo các loại (23,3%), gạch ốp lát (19,9%), sứ vệ sinh (18%), nước máy (18%). Năm 2010 cũng là năm có nhiều doanh nghiệp mới được thành lập (404, tăng 32); nâng số doanh nghiệp toàn tỉnh lên 2793, vốn 15.976 tỷ đồng. Nghề và làng nghề vẫn giữ được sự ổn định và nhịp điệu sản xuất, giải quyết việc làm, lúc nông nhàn, tăng thu nhập cho nông dân.

 

Có 219 làng nghề được UBND tỉnh công nhận. Giá trị sản xuất trong làng nghề chiếm 25% giá trị công nghiệp toàn tỉnh. Khó khăn và nan giải nhất là giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt.

 

Đồng chí phó chủ tịch thường trực khi thì bàn với các ngành, địa phương ở tỉnh; lúc lại xuống huyện chỉ đạo tại chỗ, giải quyết kịp thời các thủ tục để khởi công và đẩy nhanh tiến độ xây dựng một số dự án lớn như: Đường và cầu nối Thái Bình- Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ (Ninh Bình), đường 39B từ thị trấn Thanh Nê đến thị trấn Diêm Điền, đường vành đai phía nam Thành phố, đường ra Cồn Đen, nâng cấp quốc lộ 39; xây dựng hạ tầng trung tâm điện lực; nhà ở cho sinh viên; đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu Hiệp, đường bờ nam sông Kiến Giang, mở rộng quốc lộ 10 từ La Uyên đến Tân Đệ…

 

Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cho dù bệnh vàng lùn, lùn sọc đen đe dọa, thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành trong tỉnh… mà trực tiếp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát về tận cánh đồng Đông Long (Tiền Hải) để kiểm tra và mở hội nghị đầu bờ. Tỉnh chi nhiều tỷ đồng cho chiến dịch phòng trừ… với nỗ lực của nông dân, sự chỉ đạo sát sao của tỉnh, chúng ta đã giành thắng lợi toàn diện: Năng suất lúa cả hai vụ cao nhất từ trước đến nay 132,79 tạ/ha. Trong đó, vụ xuân: 70,6 tạ và vụ mùa 61,29 tạ/ha; tổng sản lượng thóc đạt 1 triệu 102 nghìn 700 tấn. Nếu cộng cả vụ đông thì tổng sản lượng lương thực là 1 triệu 159 nghìn tấn.

 

Chăn nuôi vẫn là năm phát triển ổn định, cho dù đầu năm có dịch tai xanh ở một số địa phương, nhưng đã khống chế được… nhờ vậy, tỷ trọng chăn nuôi chiếm 36,4% giá trị sản xuất nông nghiệp. Đáng mừng là sản xuất thủy sản tăng đều trên cả ba lĩnh vực: nuôi trồng, đánh bắt và dịch vụ; sản lượng đạt 114.254 tấn. Trong đó, nuôi trồng: 69.456 tấn (riêng nuôi ngao tăng mạnh, sản lượng 30.130 tấn); khai thác: 44.798 tấn; có 1.448 phương tiện khai thác thủy sản. Trong chiến lược phát triển kinh tế, tỉnh đã hết sức quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường. Đến nay 75% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh. 100% chất thải rắn y tế, 55% chất thải rắn đô thị và nông thôn được thu gom, xử lý. 33% các khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn.

 

Lĩnh vực thương mại, tài chính, ngân hàng, dịch vụ, như thế chân kiềng ba chân của nền kinh tế. “Bà đỡ” cho công nghiệp phát triển, nông nghiệp ổn định bền vững. Hệ thống siêu thị phát triển mạnh ở thành phố và các thị trấn, đáp ứng sức mua của người tiêu dùng. Là năm có thể được coi là thành công của thu ngân sách, đạt 148,5% dự toán và tăng 10,4% so với năm 2009. Tổng thu ngân sách địa phương đạt 146% và tăng 13,2% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 1746 tỷ đồng, đạt 140,9% tăng 26,2%, đây có thể được xem là tín hiệu vui cho một tỉnh nông nghiệp. Hoạt động ngân hàng, vận tải, sử dụng điện thoại…ổn định và có tăng trưởng.

 

Trên lĩnh vực văn hóa- xã hội, là năm có rất nhiều dấu ấn: Tổ chức lễ hội đền Trần, tuần VHTT và du lịch; đại hội TDTT lần thứ VI và tổng kết 10 năm phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo vẫn được cả nước tôn vinh và nằm ở tốp dẫn đầu trên nhiều lĩnh vực: thi tốt nghiệp THPT, thi đỗ vào các trường ĐH - CĐ và thi học sinh giỏi dành thắng lợi toàn diện: Số lượng giải, cơ cấu giải và giải cao…

 

Cùng với giáo dục là y tế; mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được củng cố và hoàn thiện: 73% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Công tác DS- KHHGĐ có nhiều cố gắng. Công tác quốc phòng, an ninh và xây dựng củng cố chính quyền được giữ vững. Mặc dù, ở đâu đó còn có khiếu kiện, thậm chí là căng thẳng, gay gắt khi giải phóng mặt bằng cho khu công nghiệp, giao thông… Âu cũng là quy luật của sự vận động, tính tất yếu của sinh tồn và nhận thức vẫn là quá trình. Vì thế, mảng màu của mặt trận an ninh vẫn được xem là ổn định.

 

Có ai đó từng lo lắng là năm 2010, năm Đại hội Đảng các cấp, theo tiền lệ là “án binh bất động”. Nhưng, năm 2010 đã đi tiên phong loại bỏ hoàn toàn tư duy lạc hậu ấy.  Nhân dân không tín nhiệm những cán bộ nào “tìm sự an toàn” trước bầu cử. Tổ chức Đảng, không chấp nhận đảng viên nào thiếu bản lĩnh, cơ hội và có thể những người phiếu bầu không cao, không đồng nghĩa với tín nhiệm thấp. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hôm về làm việc với Đảng bộ Thanh Tân đã thể hiện quan điểm này.

 

Năm Canh Dần sắp đi qua. Chia tay năm 2010, chúng ta có nhiều bài học kinh nghiệm trong “đối nhân xử thế” với áp lực của các cuộc khủng hoảng kinh tế. Có bài học thực tiễn trong chỉ đạo các tình huống gay cấn mà cuộc sống đặt ra. Năm 2010, cho ta nhiều bài học thành công, để bước vào năm 2011 với những tư duy mới, sức sáng tạo mới. Xin biết ơn những “họa sỹ” tài ba, đã làm nên bức tranh KT-XH năm 2010.

 

Phạm Viết Thanh

  • Từ khóa