Thứ 2, 29/07/2024, 23:14[GMT+7]

Sản xuất nông nghiệp Cơ sở vững chắc cho tăng trưởng kinh tế

Thứ 3, 04/01/2011 | 14:36:20
1,857 lượt xem
Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp luôn giành thắng lợi toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trở thành trụ đỡ cho nền kinh tế của Thái Bình bảo đảm tốc độ tăng trưởng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu và suy giảm kinh tế trong nước.

Mùa gặt. Ảnh: Phi Thành

Để đạt được kết quả trên, không phải tất cả đều diễn ra thuận buồm xuôi gió. Ngay khi bước vào triển khai sản xuất vụ đầu tiên trong năm, tỉnh nhà đã phải ứng phó với một vụ xuân ấm điển hình: nhiệt độ cuối tháng 1, đầu tháng 2 trên 250c, cao hơn trung bình nhiều năm trên 4oc, làm cho cây mạ phát triển mạnh dẫn đến già và rút ngắn thời gian sinh trưởng của tất cả các giống lúa.

Ngoài ra, còn có các yếu tố chủ quan tác động không nhỏ đến sản xuất, như cơ cấu giống, thời vụ gieo cấy ở một số địa phương thực hiện chưa nghiêm túc, cấy sớm so với quy định từ 10 - 15 ngày. Nhiều hộ nông dân còn sử dụng phân bón đơn, các loại phân hàm lượng NPK không cân đối làm lúa phát triển không đều tạo điều kiện cho sâu bệnh phát sinh gây hại.

Đặc biệt, bệnh lùn sọc đen đã xuất hiện trên lúa ở các huyện, thành phố, với diện tích trên 17.000 ha bị nhiễm... Với những bất lợi trên, song tỉnh nhà vẫn có một vụ xuân thắng lợi khá toàn diện: lúa ngắn ngày chiếm 89,07%, trong đó lúa chất lượng chiếm 28,7%. Năng suất bình quân đạt 70,6 tạ/ha, tăng 0,25 tạ/ha so với vụ xuân năm 2009. Có 5/8 huyện thành phố đạt trên 71 tạ/ ha gồm Hưng Hà, Kiến Xương, Đông Hưng, Vũ Thư, Quỳnh Phụ. Đây là kết quả tất yếu của công tác lãnh đạo, chỉ đạo, của việc triển khải thực hiện đồng bộ, sát sao, quyết liệt trong suốt vụ sản xuất.

UBND tỉnh đã giao cho ngành nông nghiệp phối hợp với các sở, ngành, huyện, thành phố sớm tham mưu đưa ra những chính sách hỗ trợ và các giải pháp về kỹ thuật. Cán bộ ngành nông nghiệp được trưng dụng và phân công cụ thể về các địa phương để hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật cho nông dân, đồng thời kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chủ trương sản xuất của tỉnh. Công tác thủy lợi điều hành khá tốt đã bảo đảm tưới tiêu hợp lý, đáp ứng được yêu cầu đổ ải, thau chua rửa mặn và nhu cầu nước cho lúa phát triển suốt cả vụ. Yếu tố quan trọng hơn cả để vụ xuân đạt năng suất cao đó là chủ trương gieo cấy giống lúa ngắn ngày năng suất cao, chất lượng tốt được thực hiện khá nghiêm túc, chiếm gần 90% tổng diện tích.

Bên cạnh đó, công tác dự tính, dự báo chính xác, kịp thời các loại sâu bệnh, nhất là bệnh lùn sọc đen và sự chỉ đạo phòng trừ có hiệu quả đã hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu, bệnh gây ra. Đối với vụ mùa, khi bước vào sản xuất cũng phải đối phó với đợt nắng nóng kéo dài, cùng với tình trạng  thiếu điện thường xuyên đã gây trở ngại cho việc bơm tưới và giữ nước trên ruộng.

Do đó, đã ảnh hưởng nhiều đến  tiến độ làm đất, gieo mạ trà sớm và khi cấy chất lượng đất không bảo đảm ảnh hưởng lớn tới sinh trưởng phát triển của lúa đầu vụ. Cùng đó là bệnh lùn sọc đen tái xuất hiện ở 82 xã trong tỉnh, với diện tích gần 4.000 ha, trong đó Tiền Hải 100% xã có lúa bị bệnh. Ngoài ra, các đối tượng sâu bệnh khác bùng phát với mật độ rất cao, nhất là sâu cuốn lá có mật độ gấp 20 - 30 lần so với cùng kỳ nhiều năm...

Tuy nhiên, do sớm chủ động khắc phục nên lúa mùa vẫn sinh trưởng, phát triển khá tốt và đồng đều ở các địa phương; năng suất trung bình đạt 62,19 tạ/ ha, tăng 0,19 tạ/ ha so với vụ mùa 2009. Cùng với thắng lợi ở hai vụ lúa, vụ đông 2010 toàn tỉnh đã gieo trồng được 40.703 ha, tăng gần 500 ha so với vụ đông 2009. Đây là vụ có diện tích gieo trồng lớn nhất từ trước tới nay.

Hiện một số loại cây trồng đã cho thu hoạch đạt giá trị tương đối cao; những diện tích còn lại phát triển tốt và khá đồng đều ở tất cả các loại cây. Thắng lợi của vụ đông là, do các địa phương đã chủ động bố trí cơ cấu lúa mùa trà sớm đạt trên 50 nghìn ha, tạo quỹ đất dồi dào cho gieo trồng cây vụ đông ưa ấm. Bên cạnh đó, tỉnh có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất, cùng nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nông dân về tầm quan trọng của vụ đông ngày càng được nâng lên rõ rệt.

Năm 2010, các cấp, các ngành, đoàn thể và bà con nông dân trong tỉnh lại vượt qua nhiều khó khăn về thiên tai, dịch bệnh... đưa tổng giá trị sản xuất nông, lâm và thủy sản đạt 6.189,0 tỷ đồng, tăng 6,27% so với năm 2009; góp phần quan trọng bảo đảm mức tăng trưởng đạt 2 con số cho nền kinh tế tỉnh nhà.

Năm 2010, ngành chăn nuôi cũng phát triển khá ổn định, tỷ trọng chiếm 36,4% giá trị sản xuất nông nghiệp. Mặc dù đầu năm dịch bệnh tai xanh xảy ra trên đàn lợn ở một số địa phương trong tỉnh, song do chủ động trong phương án xử lý nên dịch bệnh đã được khống chế. Tính đến ngày 1/10/2010, tổng đàn lợn có 1,13 triệu con, tăng 1,8%; đàn trâu bò 69.900 con; đàn gia cầm 9,06 triệu con, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2009.

Theo đó, số trang trại chăn nuôi cũng được tăng thêm 24 trang trại, nâng tổng số trang trại trong tỉnh lên 1.025 trang trại, trong đó có 25 trang trại chăn nuôi gia công với quy mô lớn. Đặc biệt là sản xuất thủy sản đã tăng cả 3 lĩnh vực: nuôi trồng, đánh bắt và dịch vụ. Tổng diện tích nuôi trồng đạt 13.378 ha, tăng 234 ha; sản lượng thủy sản đạt 114.254 tấn, tăng 12.549 tấn so với năm 2009.

Năm 2011, tiếp tục phát huy lợi thế là tỉnh có nhiều tiềm năng về phát triển kinh tế nông, lâm và thủy sản, Thái Bình phấn đấu tổng giá trị sản xuất đạt 6.461 tỷ đồng. Đây là năm đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế  xã hội 5 năm, giai đoạn 2011  2015, do đó việc hoàn thành mục tiêu này có ý nghĩa hết sức quan trọng, đòi hỏi các cấp, các ngành, đoàn thể và nhân dân nỗ lực hết mình. Giải pháp đặt ra là giữ vững diện tích lúa ổn định trên 165 nghìn ha, trong đó lúa chất lượng cao chiếm 35% diện tích gieo cấy; duy trì các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; tăng diện tích giống lúa ngắn ngày, năng suất và chất lượng cao. Phấn đấu vụ đông gieo trồng đạt 42 nghìn ha, tập trung vào tăng diện tích cây đậu tương, ngô, khoai tây và các loại rau, quả có giá trị kinh tế cao.

Ngành chăn nuôi phấn đấu đạt 2.075 tỷ đồng, tăng 9,5% và chiếm 40% tỷ trọng trong cơ cấu nông nghiệp. Phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại, gia công quy mô lớn với công nghệ hiện đại, gắn với chế biến tập trung, tiêu thụ sản phẩm và xử lý chất thải. Ngành thủy sản, phấn đấu giá trị sản xuất đạt 860,5 tỷ đồng, tăng 10,8%. Tập trung hoàn thành quy hoạch nuôi ngao ven biển ở hai huyện Thái Thụy, Tiền Hải; khuyến khích sản xuất giống thủy sản, đưa những con nuôi mới có năng suất, chất lượng, giá trị cao vào sản xuất.

Nguyên Bình

  • Từ khóa