Chủ nhật, 12/01/2025, 05:11[GMT+7]

Không cho đất nghỉ, không ngừng tay ta

Chủ nhật, 11/10/2015 | 20:36:50
1,429 lượt xem
Mặc dù điều kiện thời tiết không thuận, mưa kéo dài nhưng nông dân các địa phương trong tỉnh vẫn tranh thủ ra đồng chăm sóc và tiêu úng cho cây vụ đông ưa ấm, đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa mùa, giải phóng quỹ đất phục vụ gieo trồng cây vụ đông.

Nông dân xã Quỳnh Thọ (Quỳnh Phụ) đưa ngô ra ruộng.

* Theo kế hoạch, vụ đông năm nay, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 36.000ha trở lên, trong đó có trên 20.000ha cây vụ đông ưa ấm. Thời điểm này, nông dân các địa phương trong tỉnh đang tập trung nhân lực và phương tiện thu hoạch nhanh gọn lúa mùa, tạo quỹ đất sản xuất cây vụ đông.

Nhằm nâng cao giá trị sản xuất, vụ đông này, toàn tỉnh phấn đấu tăng diện tích các cây trồng có hợp đồng tiêu thụ, có thể bảo quản sản phẩm được lâu dài, không bị tác động của thời tiết bất thuận lúc thu hoạch. Đến nay, toàn tỉnh đã gieo trồng được 14.720ha cây vụ đông ưa ấm, bằng 40,9% kế hoạch. Các huyện có diện tích trồng nhiều là: Quỳnh Phụ (4.000ha), Hưng Hà (2.920ha), Vũ Thư (2.200ha), Đông Hưng (2.100ha), Thái Thụy (1.300ha). Các địa phương còn lại đang tiếp tục mở rộng diện tích vụ đông. Đến thời điểm này, một số cây vụ đông sớm đang ra hoa đậu quả, chuẩn bị cho thu hoạch (dưa chuột, ớt). Để tiếp sức cho nông dân duy trì và mở rộng diện tích trồng cây vụ đông, năm nay, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch hỗ trợ 1 triệu đồng/ha với các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô từ 3ha trở lên; hỗ trợ sản xuất vụ đông 300.000 đồng/ha với huyện, thành phố có diện tích cây vụ đông bằng diện tích cây vụ đông năm 2014, phần diện tích tăng thêm so với năm 2014 được hỗ trợ 600.000 đồng/ha.

Để bảo đảm mục tiêu gieo trồng trên 5.100ha cây vụ đông, huyện Vũ Thư đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất ngay từ sớm để các địa phương có phương án sản xuất cụ thể, bố trí cơ cấu giống phù hợp, chủ động quỹ đất trồng cây vụ đông. Đến ngày 8/10, toàn huyện đã gieo trồng được 2.200ha, trong đó 1.200ha ngô, 150ha dưa bí các loại, 850ha cây màu khác, đạt 43% kế hoạch. Là một trong những địa phương hoàn thành thu hoạch lúa mùa sớm nhất của huyện Vũ Thư, đến nay, xã Vũ Đoài đang tích cực vận động nhân dân gieo trồng cây vụ đông, bảo đảm kế hoạch đề ra. Ông Nguyễn Quang Khải, Chủ tịch UBND xã cho biết: Để duy trì diện tích cây vụ đông, Vũ Đoài đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, đồng thời xây dựng các cơ chế hỗ trợ ngoài phần hỗ trợ của tỉnh, huyện để khuyến khích người dân phát triển sản xuất. Phấn đấu gieo trồng 140ha cây vụ đông, đến nay, xã đã trồng được 37ha ngô, 5ha bí đỏ, 3ha ớt, diện tích gieo trồng đậu tương đang được người dân tiếp tục mở rộng. Vụ đông này, ngoài duy trì các cây trồng truyền thống (ngô, đậu tương), Vũ Đoài còn phát triển các cây trồng hàng hóa có giá trị kinh tế cao gắn với bao tiêu sản phẩm (ớt, bí đỏ). UBND xã đã đầu tư 37 triệu đồng quy vùng, nạo vét mương máng cho vùng trồng ớt có bao tiêu sản phẩm. Với diện tích trồng bí, ngoài 50.000 đồng/sào huyện hỗ trợ, HTX DVNN xã hỗ trợ 90.000 đồng/sào. Ngoài ra, với cây đậu tương truyền thống, UBND xã, HTX hỗ trợ toàn bộ chi phí làm đất để khuyến khích người dân mở rộng diện tích.

Nông dân xã Tây Đô (Hưng Hà) tích cực làm đất gieo trồng cây vụ đông.

Vụ đông năm nay, Quỳnh Phụ phấn đấu gieo trồng trên 6.500ha, trong đó tập trung vào các cây trồng có giá trị kinh tế cao như ớt, ngô, dưa, bí… Đến thời điểm này, huyện đã gieo trồng được 4.000ha, chủ yếu là ngô (1.800ha), ớt (1.000ha). Xác định vụ đông là vụ sản xuất chính trong năm nhằm tăng thu nhập cho nông dân nên quan điểm chỉ đạo của huyện là duy trì các cây truyền thống, tích cực chuyển đổi, đưa các cây trồng có năng suất, chất lượng cao, có đầu ra cho sản phẩm ổn định vào sản xuất trên đất chuyên màu và đẩy mạnh thâm canh trên đất hai vụ lúa. Xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích.

Được trồng sớm từ đầu tháng 8, đến nay, trên 30ha ớt của xã An Ấp đã ra quả, báo chín, dự kiến 20 ngày nữa sẽ cho thu hoạch lứa đầu. Ông Nguyễn Văn Sĩu, Chủ nhiệm HTX DVNN xã cho biết: Do gặp mưa liên tiếp khi mới trồng, một số diện tích ớt bị vàng lá, rụng lá. Tuy nhiên, HTX DVNN xã đã kịp thời hướng dẫn bà con khơi thông dòng chảy, phun các loại thuốc, bảo toàn diện tích vụ đông sớm. Đến nay, An Ấp đã gieo trồng được 135ha cây vụ đông, trong đó có 120ha ớt, còn lại là rau màu. Phấn đấu gieo trồng 187ha cây vụ đông, nông dân trong xã đang tích cực thu hoạch lúa mùa theo phương châm "sáng lúa, chiều màu", đẩy nhanh tiến độ gieo trồng cây vụ đông trong khung thời vụ tốt nhất.

Nông dân xã Chương Dương (Đông Hưng) thu hoạch lúa mùa.

Hiện nay, nông dân xã Lô Giang (Đông Hưng) cũng đang tập trung nhân lực, máy móc thu hoạch lúa mùa, gieo trồng cây vụ đông. Nhiều năm trở lại đây, lợi nhuận vụ đông đưa lại đã khiến cho người nông dân thay đổi cách nhìn về vụ sản xuất thứ ba này, không còn coi là vụ sản xuất tranh thủ thời vụ. Duy trì trồng khoảng 1 mẫu cây vụ đông từ nhiều năm nay, bà Trần Thị Hoa ở thôn An Bình cho biết: Hiệu quả, giá trị kinh tế từ cây vụ đông cao hơn nhiều lần cấy lúa. Từ nhiều năm nay, gia đình tôi duy trì trồng 1 mẫu cây màu các loại, gồm: bí, ớt, ngô, su hào, bắp cải… Đến nay, 4 sào bí đưa ra ruộng của gia đình phát triển tốt. Ngay sau khi thu hoạch 3 sào lúa Nếp 97, gia đình tôi tiến hành trồng ngô và các cây màu khác.

Thời điểm gieo trồng cây màu vụ đông ưa ấm sắp kết thúc, từ nay đến cuối vụ, các huyện, thành phố cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, đôn đốc nông dân mở rộng diện tích sản xuất vụ đông. Nếu không hoàn thành kế hoạch trồng cây ưa ấm, các địa phương cần có phương án điều chỉnh kế hoạch sản xuất sang trồng cây ưa lạnh, tránh tình trạng để đất trống, gây lãng phí.

* Những ngày này, trên các cánh đồng của huyện Đông Hưng, nơi đâu cũng thấy không khí lao động khẩn trương của bà con nông dân thu hoạch lúa mùa và trồng cây vụ đông.

Nông dân xã Vũ Đoài (Vũ Thư) lên luống gieo trồng cây vụ đông ưa ấm.

Cũng như nhiều hộ dân khác, thời gian này, gia đình chị Nhâm Thị Thắm (thôn Đông Bình Cách, xã Nguyên Xá) ra đồng thu hoạch nhanh gọn 1 mẫu lúa mùa. Chị Thắm chia sẻ: Vụ mùa năm nay, gia đình tôi cấy toàn bộ diện tích bằng giống lúa Q5, BC15. Do gieo cấy đúng khung thời vụ, chủ động nước tưới và thường xuyên bám sát ruộng đồng để phát hiện kịp thời và phun thuốc phòng trừ sâu bệnh nên lúa phát triển khá tốt, năng suất ước đạt trên 2 tạ/sào. Thu hoạch đến đâu, tôi làm đất trồng cây vụ đông ngay đến đó cho kịp thời vụ.

Trên cánh đồng xã Chương Dương, đâu đâu cũng nghe thấy tiếng máy gặt, tiếng cười nói rôm rả của bà con nông dân. Chuyển những bao tải lúa từ máy gặt lên bờ, ông Trần Văn Thương (thôn Cao Mỗ Đông) phấn khởi cho biết: Gia đình tôi cấy 1,2 mẫu lúa BC15, đến nay đã thu hoạch được 3 sào, dự kiến năng suất đạt 2,2 tạ/sào. Lúa chín đến đâu tôi thuê máy gặt nhanh đến đó, tiết kiệm chi phí, thời gian so với thuê người gặt tay. Ông Phạm Quốc Minh, Chủ nhiệm HTX DVNN xã cho biết: Vụ mùa năm nay, Chương Dương gieo cấy 224ha, gồm các giống DT68, Bắc thơm, Nếp 87, BC15... Mặc dù thời tiết bất thuận, sâu bệnh diễn biến phức tạp song nhờ làm tốt công tác điều hành, chỉ đạo nông dân thực hiện đúng lịch gieo cấy, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh đúng quy trình nên toàn bộ diện tích lúa mùa của địa phương sinh trưởng, phát triển tốt. Hiện toàn xã đã thu hoạch được 130ha, năng suất ước đạt 61 tạ/ha. Nhờ khẩn trương thu hoạch lúa mùa với phương châm "xanh nhà hơn già đồng", quỹ đất được giải phóng nên đến nay toàn xã đã trồng được hơn 50ha cây vụ đông như ngô, bí xanh, khoai lang, rau màu...

Nông dân xã Đông Xá (Đông Hưng) chăm sóc cây vụ đông.

Vụ mùa năm 2015, huyện Đông Hưng gieo cấy 11.807ha lúa, trong đó lúa chất lượng cao chiếm 30% diện tích. Nông dân toàn huyện đều phấn khởi vì lúa được mùa, năng suất dự kiến đạt trên 60 tạ/ha. Đến ngày 8/10, toàn huyện thu hoạch được 2.000ha. Với diện tích còn lại, UBND huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đôn đốc các HTX DVNN vận động nông dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch, bảo đảm xong trước ngày 20/10 để tập trung gieo trồng và chăm sóc cây vụ đông. Hiện nhiều xã trong huyện đã thu hoạch được trên 60% diện tích như An Châu, Mê Linh, Lô Giang, Thăng Long, Hoa Lư… Đồng chí Hoàng Đức Kiếm, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để có được kết quả trên, ngay từ đầu vụ, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật chủ động hướng dẫn các địa phương chỉ đạo bà con chuyển đổi cơ cấu giống lúa, trà lúa, tích cực áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong canh tác; chủ động nguồn giống, phân bón phục vụ sản xuất. Đồng thời, chủ động bám sát các xứ đồng theo dõi diễn biến tình hình sâu bệnh, tiến hành phun trừ kịp thời, do đó đã hạn chế đến mức thấp nhất sâu hại lúa, bảo đảm được năng suất.

Cùng với khẩn trương thu hoạch lúa mùa, nông dân Đông Hưng còn đẩy nhanh tiến độ làm đất trồng và chăm sóc cây vụ đông. Vụ đông năm nay, toàn huyện phấn đấu gieo trồng trên 4.600ha. Đến thời điểm này, cây vụ đông đã trồng được 1.900ha gồm ngô, đậu tương, bí xanh, rau màu các loại... Thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân nhanh chóng thu hoạch lúa mùa với phương châm gặt đến đâu phải làm đất ngay đến đó, mở rộng tối đa diện tích cây vụ đông. Chỉ đạo các trạm bơm chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất, đồng thời tổ chức nạo vét mương máng, khơi thông dòng chảy, sẵn sàng tiêu úng khi có mưa lớn xảy ra.

Nhóm phóng viên

  • Từ khóa