Thứ 4, 24/07/2024, 12:21[GMT+7]

13/14 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch

Thứ 4, 21/10/2015 | 10:17:07
955 lượt xem
Sáng 20/10, Quốc hội đã nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016.

Ảnh minh họa.

 

Báo cáo của Chính phủ nhận định, tình hình kinh tế - xã hội trong 9 tháng đầu năm 2015 tiếp tục đà phục hồi, có nhiều chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực, nhưng cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế vĩ mô cơ bản được ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp.

 

Trên cơ sở đạt được 9 tháng đầu năm và phấn đấu đạt kết quả cao nhất trong những tháng cuối năm, trong 14 chỉ tiêu kế hoạch của năm 2015, ước tính có 13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch (có 8 chỉ tiêu vượt), chỉ tiêu tỉ lệ che phủ rừng không đạt kế hoạch (42%). Trong số 26 chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, có 17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 9 chỉ tiêu không đạt, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP nhưng chỉ tiêu này năm 2014 và 2015 đã có chuyển biến tích cực, vượt kế hoạch đề ra.

 

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,4% so với tháng 12/2014, bình quân 9 tháng đầu năm tăng 0,74% so với cùng kỳ năm trước. Đây là năm có mức tăng giá thấp nhất so với cùng kỳ 15 năm qua. Tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm ước đạt 120,7 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2014 (cùng kỳ tăng 14,1%).

 

Chính phủ cũng thẳng thắn báo cáo về những tồn tại, khó khăn của kinh tế - xã hội đất nước. Năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp. Cân đối ngân sách khó khăn, bội chi còn cao; nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, nợ xấu còn lớn và xử lý nợ xấu còn nhiều vướng mắc; doanh nghiệp trong nước và khu vực nông nghiệp, xuất khẩu nông sản đang rất khó khăn; nhập siêu tăng trở lại. Thể chế kinh tế thị trường chậm được hoàn thiện, còn nhiều hạn chế, các loại thị trường vận hành chưa thông suốt. Một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều mặt hạn chế, yếu kém về văn hóa, xã hội khắc phục còn chậm; đạo đức xã hội ở một bộ phận không nhỏ xuống cấp; tình trạng tham nhũng chưa được đẩy lùi….

 

Trên cơ sở đánh giá tình hình trong thời gian qua và triển vọng phát triển, căn cứ mục tiêu phát triển trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 trong dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XII, mục tiêu tổng quát Chính phủ đề ra cho năm 2016, với tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7% so với năm 2015. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng dưới 5%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,3-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%. Số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 24,5 giường. Tỷ lệ dân số tham gia Bảo hiểm y tế đạt 76%...

 

Cũng trong sáng nay, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và khái quát kết quả 5 năm 2011 - 2015; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016.

 

Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội nước ta trong năm qua, Báo cáo thẩm tra cho rằng: Trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm, giá dầu tiếp tục giảm và ở mức thấp, một số nước phá giá mạnh đồng tiền, diễn biến chính trị, xã hội, xung đột vũ trang diễn ra nhiều nơi, tranh chấp chủ quyền biển đảo trong khu vực Biển Đông ngày càng gay gắt. Tình hình trên đã tác động nhiều hơn đến nền kinh tế nước ta so với dự báo đầu năm, nhưng với chủ trương kịp thời của Đảng và nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực cao của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã có chuyển biến tích cực và đạt những kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực, cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát năm 2015.

 

Bên cạnh kết quả tích cực, một số ý kiến cho rằng chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế còn thấp, lo ngại việc khai thác dầu vượt kế hoạch đề ra mặc dù góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp và tăng nguồn thu ngân sách nhà nước nhưng trong điều kiện giá dầu ở mức quá thấp sẽ ảnh hưởng hiệu quả sử dụng tài nguyên; khu vực nông nghiệp 9 tháng đầu năm chỉ tăng trưởng ở mức 2,08% so với mức tăng 2,94% của cùng kỳ năm 2014, nông nghiệp là ngành đóng góp xuất khẩu lớn và xuất siêu khoảng 10 tỷ USD/năm nhưng giảm cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu, chưa có giải pháp xử lý hữu hiệu tình trạng được mùa mất giá, khó khăn tiêu thụ sản phẩm ảnh hưởng quá lớn đến thu nhập của người sản xuất nhất là nông dân.

 

Năm 2015 nhập siêu trở lại sau 3 năm 2012 - 2014 xuất siêu, mặc dù nằm trong chỉ tiêu Quốc hội nhưng nhiều ý kiến cho rằng khu vực kinh tế trong nước luôn ở tình trạng nhập siêu, giai đoạn 2011-2014 nhập siêu 56,3 tỷ USD, 9 tháng đầu năm 2015 nhập siêu 15,8 tỷ USD, trong khi đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu ngày càng tăng; xuất siêu doanh nghiệp FDI đóng góp, tạo nguồn ngoại tệ dồi dào tăng dự trữ ngoại hối và góp phần tích cực ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài trong việc nâng cao trình độ công nghệ cho nền kinh tế Việt Nam chưa rõ nét, chưa có sức lan tỏa thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ và phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Có ý kiến lo ngại nếu thiếu chính sách đủ mạnh thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nước thì cơ cấu sản xuất doanh nghiệp trong nước sẽ ngày càng thu hẹp, khó khắc phục tình trạng nhập siêu hiện nay.

 

Về dự báo tình hình, mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu, Báo cáo thẩm tra đồng tình dự báo tình hình trong báo cáo của Chính phủ và cho rằng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 phải bám sát Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011 - 2020) và dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng. Đồng thời, cần đánh giá thêm các mặt thuận lợi, thời cơ, thách thức mới, nhất là sau các chuyến thăm và làm việc rất thành công của các đồng chí lãnh đạo cao nhất nước ta tại một số nước có nền kinh tế lớn gần đây và sự kiện kết thúc đàm phán TPP.

 

Báo cáo thẩm tra cũng cho rằng, phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 dự kiến khó khăn hơn năm 2015 với tình hình kinh tế thế giới tiếp tục suy giảm nhất là các nước đối tác kinh tế lớn với nước ta. Với thực trạng bội chi ngân sách nhà nước cao, nợ công gần sát trần giới hạn, chu kỳ trả nợ ngày càng lớn, nợ xấu không thể xử lý nhanh, lãi suất cho vay ở mức cao khó giảm theo diễn biến tăng chỉ số giá tiêu dùng trong khi thị trường vốn phát triển chậm thì dư địa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ không còn nhiều, mức độ điều hành linh hoạt sẽ khó khăn.

 

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị, Chính phủ điều hành các chính sách kinh tế linh hoạt hơn đối với chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ thị trường; có giải pháp cải thiện mạnh mẽ sự mất cân đối trong quan hệ thương mại với Trung Quốc; xử lý hiệu quả nợ xấu; kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ ứng trước vốn đầu tư xây dựng cơ bản; tiếp tục rà soát các nhiệm vụ chi, triệt để thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên; tập trung thu hút các dự án đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ cao, tăng giá trị gia tăng đối với sản xuất hàng hóa xuất khẩu; đẩy mạnh triển khai gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội 30 nghìn tỷ đồng vừa đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân vừa hỗ trợ phục hồi thị trường bất động sản.

 

Theo dangcongsan.vn

  • Từ khóa