Thứ 4, 31/07/2024, 09:14[GMT+7]

Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ

Thứ 3, 10/11/2015 | 08:32:27
1,496 lượt xem
Hiện nay, ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh tập trung chủ yếu vào công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, cơ khí, sản xuất thiết bị điện, điện tử và sản xuất gốm sứ, sứ vệ sinh. Đến nay, tỷ trọng giá trị sản xuất của 4 ngành trên chiếm khoảng 23,2% giá trị sản xuất toàn ngành Công nghiệp, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 8%/năm. Mục tiêu đến năm 2025, công nghiệp hỗ trợ của tỉnh sẽ trở thành ngành công nghiệp phát triển quan trọng, có thể tham gia sản xuất

Sản xuất sợi ở Công ty Cổ phần Dệt sợi Damsan - một trong những sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may.

Ông Đặng Đình Chương, Trưởng phòng Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (Sở Công Thương) cho biết: Lĩnh vực nổi bật và hình thành khá rõ nét trong phát triển công nghiệp hỗ trợ của tỉnh là công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành dệt may, da giày. Tính đến năm 2015, công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, da giày có 44 doanh nghiệp, chiếm 19% tổng số doanh nghiệp ngành dệt may, da giày toàn tỉnh, trong đó có 5 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, còn lại là các cơ sở sản xuất trong nước. Giá trị sản xuất công nghiệp phụ trợ ngành dệt may, da giày năm 2015 ước đạt 5.385 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 55,3% giá trị sản xuất toàn ngành dệt may và chiếm tỷ trọng 15,9% giá trị sản xuất toàn ngành Công nghiệp. Một số doanh nghiệp sản xuất có quy mô tương đối lớn, dây chuyền sản xuất tương đối hiện đại như Công ty TNHH Hợp Thành, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Cường, Công ty Cổ phần Bitexco Nam Long, Công ty Cổ phần Dệt sợi Damsan, Công ty Cổ phần Sợi Trà Lý... Tiếp theo là đến công nghiệp phụ trợ ngành cơ khí với 74 doanh nghiệp, tăng 13 doanh nghiệp so với năm 2010, chiếm 77% tổng số doanh nghiệp ngành cơ khí, trong đó có 11 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Số cơ sở sản xuất công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực này tập trung ở ngành đóng tàu, cung cấp dịch vụ sửa chữa tàu thủy, ngành cơ khí tiêu dùng, cơ khí chế tạo và cơ khí xây dựng. Giá trị sản xuất công nghiệp phụ trợ ngành cơ khí không ngừng tăng trưởng: năm 2010 đạt 1.371 tỷ đồng, năm 2012 đạt 1.960 tỷ đồng, năm 2014 đạt 1.964 tỷ đồng và năm 2015 dự kiến đạt 2.207 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10,35%/năm.

Công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất thiết bị điện, điện tử tới nay có 12 doanh nghiệp, tăng 5 doanh nghiệp so với năm 2010. Các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư có quy mô vừa, tập trung trong Khu công nghiệp Phúc Khánh với dây chuyền sản xuất hiện đại, thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc. Các doanh nghiệp trong nước chủ yếu tiêu thụ nội địa với các sản phẩm công nghiệp phụ trợ, chủ yếu là các chi tiết nhỏ cho máy nông nghiệp, phụ kiện xe đạp, xe máy, các sản phẩm phục vụ cơ khí xây dựng. Sự phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất thiết bị điện, điện tử kéo theo số lao động tăng nhanh, trong 3 năm gần đây thu hút gần 6.000 lao động.

Thời gian tới, tỉnh ta tiếp tục tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ cho ngành điện tử, cơ khí chế tạo và dệt may, coi đây như một khâu đột phá để thúc đẩy phát triển ngành Công nghiệp của tỉnh trong giai đoạn tới và góp phần nâng cao giá trị tăng thêm của ngành cũng như đáp ứng nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất trong nước và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí đạt khoảng 4.750 tỷ đồng, tăng 1,9 lần; công nghiệp hỗ trợ ngành thiết bị điện, điện tử đạt khoảng 1.890 tỷ đồng, tăng gấp 5,08 lần; công nghiệp hỗ trợ ngành dệt, may đạt khoảng 7.220 tỷ đồng, tăng gấp 1,32 lần; công nghiệp hỗ trợ ngành sứ vệ sinh đạt khoảng 435 tỷ đồng, tăng gấp 1,93 lần so với năm 2015.

Thu Thủy

  • Từ khóa