Thứ 2, 29/07/2024, 23:22[GMT+7]

"Sẽ có ít nhất 12 điểm bán hàng bình ổn giá trong dịp tết"

Thứ 4, 19/01/2011 | 08:23:58
1,686 lượt xem
Thông thường hàng năm vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm của người dân tăng đột biến, nhất là nhóm các mặt hàng lương thực- thực phẩm (LT- TP), bánh kẹo, đồ uống... Cũng vì vậy giá cả một số mặt hàng có chiều hướng tăng và dễ xuất hiện hàng kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả.

Trung tâm Thương mại Victory một trong 12 điểm bán hàng bình ổn giá trong dịp tết. Ảnh: Thành Tâm

Để có thêm thông tin về công tác chuẩn bị cung ứng hàng hoá và kiểm soát thị trường dịp Tết Tân Mão 2011, phóng viên Báo Thái Bình đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thế Định- Phó Giám đốc Sở Công Thương.

   

( Phóng Viên): Ông nhận định thế nào về thị trường hàng hoá dịp Tết, theo ông liệu có xảy ra đột biến về giá không?

  

(Phó Gíam Đốc): Năm nay dự báo nhu cầu hàng hoá dịp Tết sẽ cao hơn năm trước, một phần nguyên nhân do cán bộ, công chức, viên chức được nghỉ Tết tới 8 ngày nên nhu cầu tiêu dùng chắc chắn sẽ gia tăng theo. Ước tính tổng lượng hàng tiêu dùng trong dịp Tết sẽ vào khoảng 120- 170 tỷ đồng.

 

Do tập trung vào một thời điểm ngắn, số lượng lại lớn nên việc tăng giá là khó tránh khỏi, nhất là với một số nhóm mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng rất cao như LT- TP, đồ uống, bánh kẹo... Điều quan trọng là các ngành chức năng phải tăng cường kiểm soát khâu lưu thông để không xảy ra tăng giá đột biến, tư thương găm hàng làm giá và trà trộn đưa các mặt hàng kém chất lượng ra thị trường.

 

P.V: Để làm được việc đó, ngành Công Thương đã có các giải pháp gì thưa ông ?

 

PGĐ: Trước hết, tăng cường công tác dự tính, dự báo nhu cầu tiêu dùng và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chuẩn bị hàng hoá của các doanh nghiệp xem từng đơn vị đã chuẩn bị được số lượng hàng là bao nhiêu, cơ cấu ngành hàng thế nào để có biện pháp chỉ đạo kịp thời, sát hợp.

 

Cung cấp các thông tin thị trường để doanh nghiệp chủ động trong khâu sản xuất và lên kế hoạch dự trữ hàng. Tham mưu cho UBND tỉnh có cơ chế hỗ trợ một số doanh nghiệp được vay vốn tín dụng với lãi suất O% để họ có vốn mua hàng tích trữ trong dịp Tết. Các doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi phải cam kết bán đúng giá niêm yết, không tự động tăng giá theo thị trường để góp phần bình ổn mặt bằng giá chung.

 

Mỗi huyện có ít nhất 1 doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi với mức vay từ 500 triệu- 1 tỷ đồng trong thời gian 2 tháng để dự trữ nguồn hàng. Riêng địa bàn thành phố có từ 4- 5 doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi với mức vốn từ 1- 2 tỷ đồng/ 1 doanh nghiệp. Như vậy trên địa bàn toàn tỉnh sẽ có 12- 13 doanh nghiệp được hỗ trợ về vốn với tổng mức hỗ trợ khoảng 30- 35 tỷ đồng giúp hình thành khoảng từ 12- 15 điểm bán hàng bình ổn giá.

 

Với số tiền hỗ trợ nói trên kết hợp với vốn tự có của doanh nghiệp sẽ giúp dự trữ lượng hàng có giá trị khoảng từ 100- 150 tỷ đồng, bảo đảm hoàn toàn đủ cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Đến thời điểm này, các doanh nghiệp đã dự trữ tại kho được khoảng 80- 85% lượng hàng theo kế hoạch. Bên cạnh đó, hiện ngành Công Thương đang tích cực phối hợp với các ngành chức năng có liên quan và các doanh nghiệp để tổ chức Hội chợ xuân thường niên dự kiến khai mạc trước Tết Tân Mão khoảng 10 ngày.

 

Tham gia hội chợ sẽ có hàng chục doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với quy mô khoảng từ 100- 115 gian hàng đáp ứng kịp thời nhu cầu mua sắm số lượng lớn và đa dạng của người dân. Trong khuân viên hội chợ sẽ dành ra một khu vực với quy mô 20 gian hàng của 10- 12 doanh nghiệp để bán hàng bình ổn giá, chủ yếu là các mặt hàng thiết yếu có nguy cơ tăng giá cao.

 

Tại đây khách hàng sẽ mua được hàng hoá đảm bảo chất lượng và giá bán theo đúng niêm yết của hãng sản xuất. Để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia bán hàng bình ổn, ban tổ chức hội chợ quyết định miễn phí hoàn toàn tiền thuê mặt bằng và cho phép các doanh nghiệp bán hàng đến hết chiều 30 Tết- tức là sau thời điểm hội chợ đã kết thúc.

 

Ngoài ra, Chi cục quản lý thị trường cũng đã xây dựng kế hoạch cụ thể tổ chức các đợt ra quân cao điểm nhằm tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hoá trong dịp Tết bảo đảm không để xảy ra hiện tượng găm hàng, làm giá và hạn chế đến mức thấp nhất việc lưu thông hàng hoá kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả...

 

P.V: Xin ông cho biết cụ thể về các điểm bán hàng bình ổn giá trong dịp Tết Tân Mão và làm cách nào để người dân nhận biết được đó là điểm bán hàng bình ổn giá ?

 

PGĐ: Tại thành phố Thái Bình dự kiến có 4 điểm gồm: Trung tâm mua sắm Happro; Trung tâm thương mại Victory; điểm bán hàng của Công ty cổ phần lương thực Sông Hồng tại phố Lê Lợi và Nguyễn Thị Minh Khai. Tại trung tâm các huyện dự kiến có cửa hàng kinh doanh của doanh nghiệp Minh Đức (Tiền Hải); cửa hàng kinh doanh của doanh nghiệp Khoa Huệ (Thái Thụy); cửa hàng kinh doanh của doanh nghiệp Liên Thắng (Kiến Xương) tại xã Vũ Quý và khu vực chợ Đông Minh; cửa hàng kinh doanh bánh kẹo của doanh nghiệp Bảo Hưng (Vũ Thư); cửa hàng kinh doanh của doanh nghiệp Vân Đăng (Quỳnh Phụ); cửa hàng kinh doanh của Công ty TNHH Quang Đức (Đông Hưng) và cửa hàng kinh doanh của gia đình ông Nguyễn Văn Toàn (Hưng Hà).

 

Ngoài ra chúng tôi đang phối hợp với Phòng công thương các huyện vận động thêm mỗi huyện 1 điểm bán hàng bình ổn giá nữa bên cạnh các điểm nêu trên. Người dân có thể dễ dàng nhận ra đâu là điểm bán hàng bình ổn giá vì những doanh nghiệp và cửa hàng tham gia đều phải treo lôgô ngay phía trước cửa hàng.

 

P.V: Xin chân thành cảm ơn ông!

Vũ Mạnh

                         (Thực hiện)

  • Từ khóa