Thứ 4, 24/07/2024, 00:32[GMT+7]

Xây dựng thương hiệu không chỉ là việc của doanh nghiệp

Thứ 2, 04/01/2016 | 15:41:09
1,439 lượt xem
  Xây dựng và phát triển thương hiệu là vấn đề sống còn của tất cả các doanh nghiệp. Đối với Thái Bình, các doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên việc xây dựng thương hiệu càng khó khăn nhưng lại giữ vai trò rất quan trọng đối với sự tồn tại, phát triển của doanh nghiệp. Đặc biệt, trong thời kỳ hội nhập quốc tế thì các doanh nghiệp buộc phải xây dựng thương hiệu cho riêng mình để đứng vững trên thị trường. Tuy nhiên, việc này không phải doanh nghiệp nào cũng làm được, do

Sản phẩm sợi của Công ty Cổ phần Dệt sợi Damsan.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Thái Bình có thuận lợi rất lớn trong việc phát triển những lĩnh vực có lợi thế như nông nghiệp, kinh tế biển, các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, sản xuất giày dép. Đến nay, tỉnh đã bước đầu xây dựng được một số thương hiệu khá tốt như lĩnh vực giống cây trồng đứng đầu cả nước, hay một số sản phẩm gạch men xuất khẩu, bia, rượu, nước giải khát Đại Việt... Tuy nhiên, trước những thách thức hội nhập của nền kinh tế, các doanh nghiệp trong tỉnh cần phải xây dựng được thương hiệu riêng cho mình để không chỉ tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra thị trường thế giới, đó mới là hướng đi quan trọng của các doanh nghiệp, đặc biệt đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ lại càng cần thiết hơn bao giờ hết. Chính vì thế, thời gian tới, VCCI sẽ phối hợp với tỉnh xây dựng chương trình hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp có tiềm năng để xây dựng thương hiệu. Điển hình như lĩnh vực dệt may là thế mạnh của tỉnh nhưng lại chưa tạo dựng được thương hiệu trên thị trường thế giới mà chủ yếu mới chỉ dừng ở may gia công. Do đó, vấn đề xây dựng thương hiệu không còn là công việc riêng của doanh nghiệp mà rất cần có sự vào cuộc, hỗ trợ của tỉnh. Ông Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, tỉnh nên tập trung vào một số doanh nghiệp có tiềm năng để hỗ trợ nhằm tạo thương hiệu riêng.

 

Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen là doanh nghiệp hàng đầu của tỉnh, đến nay đã đăng ký thương hiệu ở 30 quốc gia trên thế giới. Ông Trần Văn Trà, Phó Tổng giám đốc Công ty cho biết: Khi Việt Nam hội nhập toàn cầu, hòa mình với sân chơi bình đẳng quốc tế thì thách thức sẽ lớn hơn thuận lợi bởi các doanh nghiệp của Việt Nam nói chung, Thái Bình nói riêng là những doanh nghiệp “sinh sau đẻ muộn” vừa và nhỏ, trong khi đó các doanh nghiệp quốc tế đều rất mạnh và hơn doanh nghiệp Việt Nam về khoa học kỹ thuật, quy mô, kinh nghiệm quản lý, trình độ sản xuất, độ chuyên nghiệp, mạng lưới phân phối và đặc biệt hơn là về mặt thương hiệu quốc gia, thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm. Tuy nhiên, đến nay, hầu hết các doanh nghiệp của tỉnh lại chưa có thương hiệu hoặc thương hiệu chưa mạnh. Đây là một điều bất lợi. Theo ông Trà, ngoài những yếu tố nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động, mở rộng quy mô sản xuất thì các doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng thương hiệu và hệ thống phân phối, có như vậy mới thoát khỏi cảnh “làm thuê”. Do đó, để có được thương hiệu thì tỉnh cần vào cuộc tích cực hơn nữa để cùng với doanh nghiệp quảng bá, nâng cấp hình ảnh các doanh nghiệp cả trên thị trường trong nước và thế giới.

 

Một trong những doanh nghiệp có thương hiệu từ nhiều năm nay là Công ty Cổ phần Hoàng Hà. Theo ông Lưu Huy Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty, thương hiệu chính là uy tín của doanh nghiệp, do vậy, Hoàng Hà đã tập trung xây dựng thương hiệu từ nhiều năm nay, đặc biệt năm 2015 đã ghi dấu mốc quan trọng trên con đường xây dựng và phát triển thương hiệu bởi Công ty nằm trong tốp 100 giải thưởng Sao Vàng đất Việt. Để có được thương hiệu, trong suốt những năm qua, Hoàng Hà đã tạo dựng bằng hệ thống xe buýt. Thông thường, hoạt động trong lĩnh vực này phải do doanh nghiệp công ích chứ không phải là một doanh nghiệp kinh doanh thương mại vì bản chất kinh doanh xe buýt lãi rất ít nhưng Hoàng Hà lại làm điều đó vì có ý nghĩa rất lớn về mặt xã hội. Đơn cử, tính bình quân một tuyến Hoàng Hà chở khoảng 2.000 người/ngày, tương đương với việc giảm khoảng 1.500 phương tiện lưu thông trên đường. Như vậy, Hoàng Hà vừa giải được bài toán về giảm chi phí cho người dân, giảm ô nhiễm môi trường, giảm tai nạn giao thông... Hơn nữa, khi thời kỳ giá xăng dầu lên xuống thất thường, Hoàng Hà còn là doanh nghiệp tiên phong quan tâm tới quyền lợi của khách hàng bằng việc giảm giá cước vận chuyển. Trong dịp diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX vừa qua, Hoàng Hà đã vinh dự được tỉnh chọn làm đơn vị phục vụ việc đưa đón các đại biểu dự Đại hội. Điều này không phải đơn vị kinh doanh vận tải nào cũng làm được và chỉ đơn vị có thương hiệu mới có cơ hội và được đảm nhận nhiệm vụ vinh quang đó.

 

Đến nay, thương hiệu của một số doanh nghiệp trong tỉnh đã đứng vững trên thị trường, được người tiêu dùng trong và ngoài nước chấp nhận như lúa giống của Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình, sợi của Công ty Cổ phần Bitexco Nam Long, Công ty Cổ phần Dệt sợi Damsan, Công ty Sợi Trà Lý, hàng thủ công mỹ nghệ của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Tiến Thành... Theo ý kiến của đa số các doanh nghiệp, trong thời gian tới, nếu các doanh nghiệp không tạo được một hình ảnh rõ ràng và khác biệt cho riêng mình, không xây dựng và phát huy được thương hiệu của mình thì sẽ thua ngay trên “sân nhà” chứ chưa cần tới sự cạnh tranh của các doanh nghiệp ngoại.

 

Thu Thủy

 

  • Từ khóa