Thứ 2, 29/07/2024, 23:25[GMT+7]

CN-TTCN Thái Thụy Vượt khó đi lên

Thứ 4, 09/02/2011 | 08:31:23
2,095 lượt xem
Là huyện xa trung tâm, giao thông rất khó khăn nhưng những năm qua Thái Thụy đã nỗ lực huy động các nguồn vốn, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tạo cơ chế chính sách thông thoáng thu hút đầu tư và ưu đãi sau đầu tư tạo nguồn lực đẩy mạnh phát triển CN-TTCN.

 

Năm 2010, giá trị sản xuất CN-TTCN toàn huyện đạt 754 tỷ đồng, tăng 26,04% so với năm 2009. Nhiều khu, cụm công nghiệp được quy hoạch, nhiều dự án mới đăng ký đầu tư vào địa bàn góp cho bức tranh kinh tế Thái Thụy thêm nhiều gam màu sáng, tạo tiền đề để huyện biển bứt phá đi lên trong những năm tới.

Ngày cuối năm, chúng tôi có mặt tại Công ty Công nghiệp tàu thủy Diêm Điền (Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Vinashin) chứng kiến cảnh hàng trăm công nhân vẫn lao động mải miết trên công trường để hoàn thiện những công đoạn lắp ghép cuối cùng của một con tàu, kịp bàn giao cho khách hàng đúng thời hạn.

Giám đốc Đoàn Minh Thái chia sẻ: năm 2010 vừa qua với Công ty Công nghiệp tàu thuỷ Diêm Điền là cả một sự cố gắng nỗ lực lớn để ổn định và phát triển sản xuất. Khó khăn về tài chính, cộng thêm tình trạng mất điện luân phiên kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất.

Trước tình hình trên, ban lãnh đạo công ty đã chủ động bố trí thời gian, tổ chức sản xuất hợp lý, quyết tâm hoàn thành đúng kế hoạch bàn giao tàu cho khách hàng. Từ đầu năm đến nay, công ty đã hạ thuỷ được 5 con tàu, trọng tải từ 2.300 đến 4.050 tấn, tạo việc làm cho 200 lao động với mức lương 2,5 triệu đồng/người/tháng. Rời Công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Diêm Điền, chúng tôi đến Nhà máy chế biến bột cá Thụy Hải, đơn vị sản xuất bột cá nhạt duy nhất ở tỉnh ta hiện nay.

Giám đốc Nguyễn Bắc Hà cho biết: năm 2002 sau nhiều lần tìm địa điểm đầu tư cuối cùng công ty Thiên Lý ( Hà Nội) quyết định chọn Thái Thụy làm nơi xây dựng nhà máy chế biến bột cá- nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc bởi nơi đây có cảng cá, nguồn nguyên liệu dồi dào, các thủ tục đầu tư thuận lợi. Nếu như trước đây, cá tạp  ngư dân đánh bắt được chủ yếu phơi khô hoặc bán tươi làm thức ăn cho gia súc nhưng giá rất thấp.

Từ khi có nhà máy, cá đánh bắt về đến đâu chúng tôi thu mua hết đến đó, hiện nay không đủ nguyên liệu để sản xuất. Mỗi năm, nhà máy cung ứng cho thị trường từ 5.000 đến 7.000 tấn bột cá, tạo việc làm cho 40 lao động với mức lương 3 triệu đồng/người/tháng, chưa kể hàng trăm lao động mùa vụ đi thu mua nguyên liệu. Năm 2010, doanh thu của đơn vị đạt 90 tỷ đồng, nộp ngân sách cho Nhà nước 5 tỷ đồng.

Cùng với Công ty Công nghiệp tàu thủy Diêm Điền, Bột cá Thụy Hải, ở Thái Thụy còn nhiều doanh nghiệp năm qua sản xuất ổn định, đạt doanh thu cao, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động như: Công ty CP Đại Dương chuyên đóng mới các loại tàu biển doanh thu đạt 400 tỷ đồng, tạo việc làm cho 500 lao động với mức lương 3,5 triệu đồng/người/tháng; Doanh nghiệp cơ khí Thiên Văn chuyên sản xuất giỏ xe máy, xe đạp, mặt boong và các thiết bị tàu biển đạt doanh thu 6 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 50 lao động với thu nhập từ 2,5 đến 3 triệu đồng/người/tháng;

Doanh nghiệp Thanh Bình đạt 26 tỷ đồng; Công ty TNHH thực phẩm Richbeauty Việt Nam đạt trên 7 triệu USD; Công ty TNHH Biển Đông đạt 18 tỷ đồng; 6 doanh nghiệp sản xuất vật  liệu xây dựng đều đạt doanh thu trên 10 tỷ đồng; Công ty chế biến xuất khẩu nông sản Thái Dương đạt doanh thu 5,2 tỷ đồng; Công ty may Trường An Phát đạt 4,1 tỷ đồng ... Tính chung, Thái Thụy hiện có 40 doanh nghiệp sản xuất CN, hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực cơ khí-đóng tàu, may mặc, TTCN-mỹ nghệ, chế biến nông hải sản, sản xuất vật liệu xây dựng. Tổng giá trị sản xuất  từ các doanh nghiệp chiếm 55,7% giá trị sản xuất CN-TTCN toàn huyện, thu hút khoảng 16.000 lao động tham gia.

Cùng với hoạt động các doanh nghiệp, tại các địa phương 5.830 cơ sở, hộ sản xuất không ngừng mở rộng quy mô, tăng năng lực sản xuất, thu hút hơn 22.000 ngàn lao động tham gia. Năm 2010, công tác phát triển nghề và làng nghề cũng  được Thái Thụy đặc biệt quan tâm chỉ đạo. Ngày từ đầu năm, huyện thành lập các đoàn đi kiểm tra, rà soát đánh giá lại thực trạng hoạt động của các làng nghề, đồng thời phát triển thêm một số làng nghề mới.

 Phối hợp với Trung tâm khuyến công ( Sở Công thương) tổ chức 10 lớp dạy nghề cho gần 700 lao động, đồng thời hỗ trợ mục tiêu đào tạo nghề cho 7 đơn vị giúp các cơ sở tháo gỡ phần nào khó khăn về vốn, nguồn lao động. Ngoài ra, 16 cơ sở đã chủ động tổ chức đào tạo nghề  cho trên 1.600 lao động nông thôn, cơ bản đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu sản xuất.

Thời điểm này, nghề và làng nghề ở Thái Thụy phát triển khá sôi động, phân bố đều ở hầu hết các thôn, làng của 48 xã, thị trấn. Ngoài những nghề truyền thống, sẵn có như: chế biến nông hải sản-thực phẩm, mây tre đan, móc sợi, thêu may mặc, cơ khí, mộc, xây dựng... nhiều nghề mới được du nhập vào như: đan hàng nhựa, giá báo, may túi xuất khẩu, đan lọ hoa, túi sách....

Đặc biệt, nghề may công nghiệp có bước phát triển đột phá. Toàn huyện có 45 cơ sở quy mô 10 máy trở lên, thu hút khoảng 2 ngàn lao động tham gia với mức lương ổn định từ 1,5 đến 2 triệu đồng/người/tháng. Toàn huyện hiện có 26 làng nghề được UBND tỉnh cấp bằng công nhận, tổng giá trị sản xuất từ các làng nghề năm qua đạt 180 tỷ đồng, thu hút khoảng 16.000 lao động tham gia.

Năm 2011, Thái Thụy phấn đấu  giá trị sản xuất CN-TTCN đạt 945 tỷ đồng, tăng 25,3% so với năm 2010, thu hút từ 3 đến 5 dự án đầu tư mới, tạo thêm việc làm cho 2 đến 3 ngàn lao động địa phương.

Để đạt được mục tiêu này, hiện tại địa phương đang khẩn trương hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Thụy Hà, chuẩn bị giải phóng mặt bằng đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp Mỹ Xuyên, triển khai quy hoạch cụm công nghiệp Thụy Phong. Tập trung rà soát, phân loại, sắp xếp lại các cơ sở sản xuất, giải quyết những khó khăn về vốn, nguồn nhân lực, mặt bằng... đồng thời quy hoạch lại cơ sở hạ tầng cho phù hợp tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất.

Khai thác thêm các nguồn lực nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông, hoàn thiện các thủ tục pháp lý thu hút thêm nhiều dự án đầu tư mới vào địa bàn. Huyện cũng có những chính sách cụ thể như hỗ trợ các cơ sở thực hiện những dự án khả thi, tìm hiểu thị trường, đào tạo nghề, phát triển ngành nghề mới.... từ đó tạo điều kiện cho lao động nông thôn có thêm cơ hội việc làm, tăng thu nhập để ổn định cuộc sống.

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

 

  • Từ khóa