Thứ 5, 25/07/2024, 04:24[GMT+7]

Tích cực chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân

Thứ 5, 28/01/2016 | 10:28:49
2,298 lượt xem
Trong cái rét dưới 10oC, mưa giá buốt như cắt da, cắt thịt kéo dài mấy ngày nay song nhiều nông dân vẫn “đội rét” xuống đồng để chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân.

Toàn tỉnh đã làm đất được trên 70% diện tích gieo cấy.

 

8 giờ sáng ngày 24/1, nhiệt độ ngoài trời dưới 10oC cùng với mưa nặng hạt khiến cái lạnh tê tái như cắt da, cắt thịt. Trong điều kiện thời tiết như vậy, hầu hết mọi người đều hạn chế ra đường nhưng với những người nông dân, đây là thời điểm chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân, bất chấp giá rét, nhiều nông dân vẫn ra đồng làm đất, vệ sinh đồng ruộng. Trên mảnh ruộng ngập trắng băng nước, bà Vũ Thị Dinh, thôn Vinh Tiến, xã Trọng Quan (Đông Hưng) khoác trên người bộ áo mưa dày, người vẫn còn run rẩy nói: Năm nay, dù thời tiết nắng, mưa không thuận lợi cho trồng cây vụ đông, nhất là đầu vụ, nhiều diện tích phải trồng lại nhưng khoai tây năm nay được giá, đến nay, gia đình tôi đã thu hoạch xong 3 sào khoai tây. Vụ xuân này, gia đình tôi cấy 1,3 mẫu ruộng với các giống lúa T10, Thiên ưu 8, TBR225. Để kịp cho thời vụ gieo cấy lúa xuân, những ngày qua dù trời mưa rét song tôi vẫn ra đồng làm đất, vệ sinh đồng ruộng để chuẩn bị cho vụ xuân sắp tới.

 

Bộ quần áo mưa, đôi ủng và chiếc mũ len là những vật dụng được ông Nguyễn Văn Trịnh, chủ máy làm đất xã Đông Hợp (Đông Hưng) trang bị thêm để chống rét. Nghỉ tay sau những đường bừa, ông Trịnh cho biết: Để bảo đảm thời vụ gieo cấy của bà con theo chỉ đạo chung của hợp tác xã, đội làm đất chúng tôi không quản mưa rét vẫn xuống đồng làm đất. Hai ngày qua, nhiệt độ xuống dưới 10oC nên chúng tôi đi muộn, về sớm hơn mọi ngày để tránh rét. Theo tổng hợp của ngành Nông nghiệp, đến nay, toàn tỉnh đã làm đất được trên 55.000ha, bằng trên 70% kế hoạch diện tích gieo cấy. Tranh thủ các hồ thủy điện đầu nguồn xả nước từ ngày 21/1 đến nay kết hợp với thủy triều, các địa phương đã lấy nước để thau rửa đồng ruộng, làm đất, đồng thời trữ nước trong ruộng. Đến ngày 26/1, toàn tỉnh đã có trên 59.600ha, bằng 74,9% diện tích có nước. Vụ đông xuân năm nay được dự báo là ấm, vì vậy nếu không làm đất tốt, diệt cỏ dại thì dịch bệnh rất dễ bùng phát, nhất là bệnh đạo ôn hại lúa. Thời vụ gieo cấy từ tiết Lập xuân (4/2) đến trước ngày 25/2 vì vậy tranh thủ nước phủ kín mặt ruộng, các địa phương tiến hành làm đất kỹ để cấy lúa trong những ngày tới.

 

 

Không tuân thủ đề án sản xuất, bất chấp rét đậm, rét hại, nhiều địa phương nông dân đã làm đất gieo mạ.

 

Còn khoảng 10 ngày nữa mới đến lịch xuống giống, tuy nhiên theo quan sát của chúng tôi, những ngày qua, nông dân một số địa phương trong tỉnh đã tiến hành ngâm ủ mộng mạ, gieo mạ dược non, mạ nền đất cứng. Bất chấp thời tiết dưới 10oC, bà Dương Thị Thu, xã Đông Hòa (thành phố Thái Bình) vẫn tiến hành làm luống, gieo mạ dược non. Bà Thu cho biết: Vụ xuân này gia đình tôi cấy 6 sào, chủ yếu là các giống T10, Thiên ưu. Trời rét đậm, rét hại, gieo mạ cũng chỉ "5 ăn, 5 thua” nhưng vì thóc giống đã ngâm ủ nảy mầm nên vẫn phải gieo. Đắp bờ cao chống nước tràn từ ngoài vào gây ngập úng, giữ nước trong ruộng cho ấm chân mạ rồi che phủ nilon xung quanh, hy vọng thời tiết không ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cây mạ.

 

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công tác làm đất, vệ sinh đồng ruộng tại các địa phương thực hiện chậm, không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, nguồn sâu bệnh hại qua đông trên đồng ruộng và cỏ dại cao hơn cùng kỳ nhiều năm. Vì vậy các địa phương cần huy động tối đa phương tiện máy móc, khẩn trương làm đất và vệ sinh đồng ruộng nhằm hạn chế mức thấp nhất sâu bệnh hại lúa.  Triển khai kế hoạch diệt chuột tập trung, hiệu quả, khuyến cáo nông dân áp dụng biện pháp thủ công để tổ chức  diệt chuột khi đổ ải.

 

HƯỚNG DẪN

MỘT SỐ BIỆN PHÁP CHỐNG RÉT CHO CÂY TRỒNG

 

Trong những ngày vừa qua do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh với cường độ mạnh nhất trong năm làm cho nhiệt độ xuống rất thấp, trời rét đậm rét hại ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Qua kiểm tra thực tế sản xuất nông nghiệp trong tỉnh, thời điểm này có một số địa phương đã ngâm ủ mộng mạ hoặc đã gieo mạ dược non, mạ nền cứng cấy trên chân đất cây màu hè. Dự báo rét đậm rét hại tiếp tục kéo dài trong vài ngày tới. Vì vậy bà con cần lưu ý một số biện pháp chống rét cho cây trồng như sau:        

 

1. Đối với cây mạ:    

- Đối với thóc giống đã ngâm ủ nảy mầm bà con cần hãm mộng bằng cách: để trong phòng kín, tưới nước đủ ẩm và phủ bao tải tránh để mầm quá khô; hoặc túm chặt ngâm sâu dưới ao (cứ 5 - 6 tiếng, vớt lên 30 phút). Tuyệt đối không gieo mạ những ngày nhiệt độ dưới 15oC. 

- Đối với những ruộng mạ mới gieo bà con cần:

+ Nhất thiết phải làm khum vòm phủ kín bằng nilon trắng cho mạ;

+ Luôn giữ ẩm đủ ẩm cho mạ bằng cách giữ nước ở rãnh (đối với mạ dược non), tuyệt đối không để mạ bị khô hạn;   

+ Rắc tro bếp mục lên trên mặt luống để giữ ấm cho mạ.

- Đối với mạ đã lên xanh tốt bà con cần đưa nước vào ngập 1/3 - 1/2 cây mạ đối với mạ dược và tưới ẩm đối với mạ sân, đồng thời cũng cần phải che phủ kín bằng nilon trắng.     

- Khi nhiệt độ tăng trên 15oC bà con cần:

+ Tiến hành gieo đối với thóc giống đã ngâm ủ nảy mầm. Sau gieo cần che kín nilon trắng để giữ ấm và ẩm tạo điều kiện cho mạ nhanh mọc;

+ Khi mạ được 1 lá thật, thường xuyên giữ đủ ẩm; tiến hành mở dần nilon 2 đầu luống mạ;

+ Phun hoặc tưới một số chế phẩm sinh học như KH, PenacP… để tăng khả năng chống chịu cho mạ;   

+ Tuyệt đối không bón đạm, NPK cho mạ 

+ Trước cấy 2 - 3 ngày phải mở hết nilon để mạ được tôi luyện với môi trường tự nhiên.

+ Cấy khi mạ đã hồi phục ra rễ trắng và đủ tuổi.

  2. Đối với cây màu:

- Đối với diện tích rau màu đã đến kỳ thu hoạch cần khẩn trương thu hoạch ngay.

- Đối với nhóm rau ăn lá cần che bằng nilon trắng để tránh mưa rét

- Khi nhiệt độ tăng bà con cần:

+ Tưới nước đủ ẩm  

+ Phun hoặc tưới bằng các chế phẩm sinh học hoặc phân bón qua lá như KH, PenacP, Siêu lân…

+ Đối với khoai tây xuân cần phun phòng bệnh mốc sương bằng các loại thuốc Zinep, Rhidomin, Daconil…  kết hợp chế phẩm KH để tăng khả năng chống chịu cho cây.

 

TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG TỈNH

Lưu Ngần

  • Từ khóa