Thứ 5, 08/08/2024, 12:13[GMT+7]

Tiếp tục bứt phá để về đích

Thứ 5, 04/02/2016 | 14:51:08
1,567 lượt xem
Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức nhưng hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì và tiếp tục phát triển ổn định. Phóng viên Báo Thái Bình đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Ngọc Khiếu, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương về những thành tựu nổi bật cũng như định hướng và giải pháp trong hoạt động công nghiệp, thương mại, dịch vụ trong năm 2016 để ngành tiếp tục bứt phá.

Dự án Hệ thống thu gom và phân phối khí mỏ Hàm Rồng và mỏ Thái Bình hoàn thành với số vốn đầu tư 3.236 tỷ đồng.

 

Phóng viên: Thưa ông, ông có thể cho biết nét nổi bật nhất trong hoạt động sản xuất công nghiệp năm 2015?

 

Ông Vũ Ngọc Khiếu: Năm 2015 có vai trò quyết định tới việc thực hiện thành công các chỉ tiêu, nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, do đó, cán bộ, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đã ra sức thi đua sản xuất, kinh doanh và đã đạt được kết quả khá toàn diện. Công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng khá, cao hơn mức bình quân cả nước. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 ước đạt 39.004 tỷ đồng, tăng 14,92% so với năm 2014, cao hơn mức tăng trưởng của 4 năm trước. Nổi bật nhất là kim ngạch xuất khẩu đã tiến sát đến ngưỡng 1,3 tỷ USD, vượt xa chỉ tiêu Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra, tăng 9,24% so với năm 2014, đạt 100,4% kế hoạch, gấp 1,7 lần năm 2010. Lĩnh vực thu hút đầu tư cũng có chuyển biến tích cực về số lượng, quy mô, chất lượng dự án; đã thu hút được một số nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp, đây là lĩnh vực trước rất ít và chưa có nhà đầu tư.

 

 

Năm 2015, sản lượng khăn xuất khẩu tăng trưởng khoảng 20% so với năm 2014.

 

Phóng viên: Lĩnh vực thương mại, dịch vụ có gì đột phá, thưa ông?

 

Ông Vũ Ngọc Khiếu: Cùng với sự phát triển của thương mại cả nước, thương mại Thái Bình đã có những đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh. Hoạt động thương mại, dịch vụ cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân. Công tác xúc tiến thương mại, liên kết tiêu thụ nông sản thực phẩm được tăng cường. Ðã triển khai thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, góp phần tích cực phát triển thị trường trong và ngoài nước. Kết cấu hạ tầng thương mại được quan tâm đầu tư xây dựng và nâng cấp. Một số trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, kho xăng dầu, cửa hàng bán lẻ xăng dầu được đầu tư xây dựng mới, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ năm 2015 ước đạt 28.961 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2014.

 

Phóng viên: Bên cạnh kết quả đạt được, theo ông, sản xuất công nghiệp và thương mại, dịch vụ của tỉnh còn có những hạn chế gì?

 

Ông Vũ Ngọc Khiếu: Hạn chế lớn nhất là một số chỉ tiêu vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra, phát triển công nghiệp, thương mại vẫn chủ yếu theo chiều rộng, hiệu quả chưa cao, thiếu bền vững. Mặt khác, thu hút dự án đầu tư số lượng còn hạn chế, chủ yếu quy mô nhỏ, sử dụng nhiều lao động, nộp ngân sách ít, giá trị gia tăng không cao; trình độ, thiết bị, công nghệ nhìn chung chưa tiên tiến, chưa tạo được nhiều sản phẩm mũi nhọn, chủ lực, sức cạnh tranh của sản phẩm thấp. Tình trạng ô nhiễm môi trường còn diễn ra ở nhiều nơi, một số khu, cụm công nghiệp chưa có khu xử lý nước thải, chất thải rắn; một số làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa có giải pháp xử lý...

 

Dây chuyền sản xuất sợi của Công ty Cổ phần Dệt sợi Damsan.

 

Phóng viên: Vậy đâu là nguyên nhân của những hạn chế trên, thưa ông?

 

Ông Vũ Ngọc Khiếu: Nguyên nhân cơ bản là việc nền kinh tế của tỉnh xuất phát điểm thấp, chịu tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới. Ngân sách hạn hẹp, thiếu vốn cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng công nghiệp, thương mại. Xúc tiến đầu tư vẫn còn nhiều hạn chế, cải cách thủ tục hành chính còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, thiếu quỹ đất sạch để kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư, nhất là dự án có quy mô lớn. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch còn nhiều hạn chế. Ðịnh hướng phát triển công nghiệp, thương mại chưa có chiến lược rõ ràng, nhất là những ngành, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm.

 

Phóng viên: Quan điểm và định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh trong chặng đường tiếp theo là gì, thưa ông?

 

Ông Vũ Ngọc Khiếu: Về quan điểm phát triển công nghiệp phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam theo vùng, lãnh thổ, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phát triển công nghiệp gắn với quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm vững mạnh trong các giai đoạn phát triển, nhất là tuyến hành lang ven biển. Phát triển theo hướng có lựa chọn, ưu tiên đầu tư dự án thuộc ngành nghề khuyến khích đầu tư, lĩnh vực tỉnh có thế mạnh, dự án có quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, nộp nhiều ngân sách và thân thiện với môi trường. Về định hướng, đối với công nghiệp nặng sẽ tập trung vào công nghiệp khai thác khí thiên nhiên tại vùng biển Thái Bình và xây dựng đường ống dẫn khí vào Thái Bình; khoan thăm dò khảo sát tiến tới khai thác than nâu... Ðối với công nghiệp nhẹ sẽ tập trung vào công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, sản xuất gạch không nung, gạch ceramic, granite, sứ vệ sinh, sản xuất vải cao cấp, phụ liệu ngành may.

 

Phóng viên: Theo ông, để thực hiện được định hướng trên, trước mắt trong năm 2016, ngành cần thực hiện các giải pháp gì?

 

Ông Vũ Ngọc Khiếu: Năm 2016 là năm đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, có vai trò rất quan trọng, tạo điều kiện thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020, do đó, các chỉ tiêu kế hoạch phát triển công thương năm 2016 khá cao. Nhưng với tinh thần vượt khó, ngành Công Thương quyết tâm phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu được giao. Cụ thể, sẽ phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14,8%, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 13%, kim ngạch xuất khẩu tăng 9,7%, kim ngạch nhập khẩu tăng 10,1% so với năm 2015. Theo đó, sẽ tổ chức thực hiện hiệu quả nghị quyết của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và của tỉnh ban hành. Tập trung thực hiện có hiệu quả Ðề án tái cơ cấu ngành Công Thương, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường; tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

 

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

Thu Thủy (thực hiện)

 

  • Từ khóa