Thứ 2, 29/07/2024, 23:23[GMT+7]

Sản xuất vụ xuân 2011 ở Vũ Thư Chuyển mạnh sang gieo sạ

Thứ 6, 11/02/2011 | 08:00:09
3,075 lượt xem
Liên tiếp 5 vụ xuân gần đây, Vũ Thư liên tục được mùa, giữ vững đỉnh cao năng suất lúa xuân đạt 71,5 tạ/ha trở lên. Đó là hiệu quả của việc đổi mới trong sản xuất vụ xuân với xu hướng gieo sạ thay thế dần việc gieo mạ, cấy lúa.

Đề án sản xuất được Huyện ủy, UBND huyện triển khai sớm đến các xã, thị trấn ngay trong tháng 11 hàng năm. Biện pháp chỉ đạo, điều hành có nhiều chuyển biến, tiến bộ- đây chính là nhân tố quyết định kết quả thực hiện đề án. Các xã, thị trấn làm tốt từ khâu xây dựng kế hoạch sản xuất, quy vùng, thực hiện nghiêm kỷ cương mùa vụ, cơ cấu cây trồng.

Đặc biệt, những đổi mới trong sản xuất vụ xuân đã đem lại hiệu quả thiết thực: chuyển đổi triệt để các giống lúa dài ngày sang ngắn ngày, bỏ hẳn tập quán gieo mạ dược, thay bằng gieo mạ non trên nền đất cứng. Vụ xuân 2009, 2010, xu hướng gieo sạ thay thế dần việc gieo mạ, cấy lúa. Nhân dân Vũ Thư nhanh nhạy tiếp thu phương pháp này, diện tích dẫn đầu toàn tỉnh: 717 ha (vụ xuân 2009), 3.037 ha (vụ xuân 2010) chiếm 34% tổng diện tích.

Vụ xuân 2011, huyện phấn đấu thực hiện kế hoạch gieo sạ chiếm 50% tổng diện tích. Có 14/30 xã phấn đấu gieo 50-92% diện tích, tiêu biểu là: Hồng Lý 68,22 ha/74,5 ha, (toàn xã chỉ còn cấy 6,3 ha trà 2). Vũ Tiến gieo 250/300 ha, Vũ Đoài gieo 190/315,7 ha, Hiệp Hòa 219/365 ha, Đồng Thanh 102,3 ha/164,8 ha, Vũ Vinh gieo 153/219,2 ha.

Phương pháp gieo sạ là tập quán của các tỉnh phía nam nhưng để đưa công nghệ này vào đồng đất địa hình cao trũng xen kẽ, hệ thống thủy lợi chưa thực sự đáp ứng yêu cầu sản xuất với nhiều xã  ở Vũ Thư là điều không đơn giản. Vụ xuân 2009, huyện tổ chức hội nghị thăm quan rút kinh nghiệm tại Vũ Tiến, là xã tiên phong 40% đất lúa được áp dụng phương pháp gieo sạ.

Vũ Tiến đã tổ chức hàng chục cuộc họp đến từng thôn thống nhất cao chủ trương quy hoạch 11 vùng gieo sạ. Xã trích kinh phí mua 29 máy gieo sạ 32 triệu đồng giao cho các thôn cuối năm mới thanh toán. HTX DVNN mời kỹ sư về chuyển giao kỹ thuật đồng thời in băng hình hướng dẫn quy trình tặng cho các thôn.

Ngoài ra, HTX hỗ trợ thuốc trừ cỏ trị giá 30 triệu đồng. Đội ngũ cán bộ thôn và HTX không quản thời gian bám đồng ruộng hướng dẫn dân bừa đất kỹ, trang mặt ruộng phẳng, không để vũng nước đọng vì khi phun thuốc trừ cỏ (sau ngày thứ 2 gieo sạ), thuốc nổi trên vũng nước làm cho mộng mạ phía dưới dễ bị chết.

Kinh nghiệm của xã Duy Nhất - xã có diện tích gieo sạ 273 ha vụ xuân 2010, được phổ biến rộng đó là sử dụng phân NPK bón lót. Lúa lên 3,5 - 4 lá bón thúc dứt điểm, lượng phân bón tăng 1,2 lần so với lúa cấy. HTX và xã viên cùng đầu tư mua 146 công cụ gieo sạ nên cơ bản khắc phục tình trạng gieo quá thưa hoặc quá dày, tốn công dặm, tỉa.

Với HTX Nguyên Xá, nơi diện tích gieo sạ đạt 153 ha, bà con thực hiện khuyến cáo của HTX sạ hàng thưa theo hiệu ứng hàng bia, thuận cho chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Do đó năng suất lúa gieo sạ cao hơn cấy, cá biệt có hộ đạt 2 tạ, trên 2 tạ/sào.

Trong quá trình chỉ đạo sản xuất, huyện lưu ý các xã nhất thiết phải quy vùng gieo sạ tập trung để ưu tiên cứng hóa kênh mương, tưới tiêu thuận lợi, khuyến cáo sử dụng cùng một giống lúa, từng nhóm hộ tiến hành ngâm ủ làm đất tập trung. Các HTX tăng cường tập huấn kỹ thuật, tổ chức hội nghị thăm quan đầu bờ.

Cùng với khâu làm đất, các hộ phải đặc biệt chú ý vệ sinh đồng ruộng, bắt ốc bươu vàng và diệt chuột trước khi sạ từ 5-7 ngày. Một số giống lúa rất phàm ăn như Bắc Thơm, T10, cần tăng lượng phân bón 15- 20% so với cấy. Lúa vào giai đoạn cuối đẻ nhánh cần tháo cạn nước mặt ruộng chỉ để đủ độ ẩm cho rễ ăn sâu xuống đất. Khi lúa bước sang phân hóa đòng mới cho nước vào để cây làm đòng, trổ bông...

Cùng với cơ chế của tỉnh hỗ trợ 50% giá mua công cụ sạ hàng, hỗ trợ 100% thuốc sinh học diệt chuột; huyện có cơ chế hỗ trợ 80 ngàn đồng/ha kinh phí mua thuốc trừ cỏ. Nhiều xã. HTX DVNN hỗ trợ thêm kinh phí mua thuốc trừ cỏ, làm tốt việc cung ứng thóc giống, vật tư nông nghiệp phục vụ xã viên.

Qua thực tế 2 vụ xuân ở Vũ Thư khẳng định ưu điểm lớn của gieo sạ so với phương pháp cấy truyền thống là giảm chi phí sản xuất do giảm lượng giống gieo, không mất công làm mạ, cấy, rút ngắn thời gian sinh trưởng, năng suất tăng 7 - 10% so với lúa cấy. Gieo sạ giải quyết được việc thiếu hụt lao động thời vụ, tạo sự liên kết giữa các hộ để đưa máy gặt đập liên hợp vào sản xuất thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp. 

Tuy nhiên, một số khó khăn bất cập bộc lộ đó là: sau khi gieo có thể gặp rét ảnh hưởng tỷ lệ mọc mầm, sự phát triển của cỏ dại, nạn ốc bươu vàng, việc điều tiết nước phải sâu sát để phù hợp sinh trưởng cây lúa ở các giai đoạn. Mật độ gieo chưa phù hợp, nông dân phải tốn công tỉa dặm. Hai năm gần đây, toàn huyện mua sắm gần 1000 công cụ sạ hàng, trong đó hơn 600 chiếc mua vụ xuân 2010. Gieo thẳng bằng công cụ sạ hàng có nhiều ưu điểm: Thời gian nhanh, mật độ hạt phân bố đều, giảm công tỉa dặm.

Theo chỉ đạo của huyện, từ 15-20/2/2011 trời chuyển tiết lập xuân ấm, các xã tiến hành gieo vãi, gieo sạ hàng bằng các giống lúa Syn 6, Bắc Thơm 7, Hương thơm 1, QR1, TBR1. Cùng cán bộ phòng nông nghiệp huyện về một số HTX, xe chúng tôi lướt qua những cánh đồng máy cày bừa phăm phăm rẽ đất. Các xã trong huyện, đâu đâu cũng nỗ lực chuyển đổi tập quán gieo cấy, tiếp tục hướng tới một vụ xuân bội thu.

Bài, ảnh: Thu Hương

 

 

  • Từ khóa