Thứ 3, 13/08/2024, 00:23[GMT+7]

Cơ cấu giống và lịch thời vụ gieo cấy lúa xuân bảo đảm theo kế hoạch

Thứ 2, 22/02/2016 | 09:58:31
2,747 lượt xem
Vụ xuân năm nay, thời tiết được nhận định tiếp tục diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho công tác chỉ đạo, điều hành và thực hiện sản xuất. Thực tế đã xảy ra, thời tiết cuối năm 2015, đầu năm 2016 diễn biến khá phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất vụ xuân. Từ kinh nghiệm chỉ đạo sản xuất thắng lợi của ngành Nông nghiệp ở các vụ xuân có điều kiện thời tiết bất thuận, phóng viên Báo Thái Bình có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Dụng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Nông dân xã Độc Lập (Hưng Hà) gieo mạ khay, cấy bằng máy.

 

Phóng viên: Để chủ động ứng phó với điều kiện thời tiết bất thuận trong sản xuất vụ xuân năm 2016, ngành Nông nghiệp đã có các giải pháp gì để tham mưu cho tỉnh trong công tác chỉ đạo, điều hành, thưa ông?

 

Ông Phạm Văn Dụng: Trước cảnh báo của các cơ quan khí tượng thủy văn trung ương về tình hình thời tiết vụ đông xuân năm 2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu trình UBND tỉnh sớm ban hành Đề án sản xuất vụ xuân, vụ hè năm 2016 trong điều kiện ấm và hạn. Việc tổ chức triển khai, thực hiện Đề án đến các địa phương rất sớm và cụ thể; rà soát, chấn chỉnh việc thực hiện Đề án sản xuất vụ xuân, hè năm 2016 của các huyện, thành phố; phối hợp với các cơ quan truyền thông tổ chức tốt buổi tọa đàm trên sóng phát thanh và truyền hình cảnh báo về khó khăn, bất lợi sản xuất vụ xuân, vụ hè năm 2016, đồng thời đưa ra giải pháp mở rộng tối đa diện tích lúa gieo thẳng để tổ chức sản xuất vụ xuân bảo đảm thắng lợi trong mọi điều kiện thời tiết. Trước tình hình một số nơi nông dân chưa nghiêm túc chấp hành lịch thời vụ và cơ cấu giống, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 02/CT-TU ngày 16/12/2016, UBND tỉnh ban hành Công điện số 04/CĐ-UBND ngày 15/12/2015 về tăng cường chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Đề án sản xuất vụ xuân, vụ hè năm 2016; thành lập đoàn công tác, phân công cán bộ kỹ thuật và lãnh đạo Sở về các địa phương tham gia chỉ đạo sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật được tăng cường vào các địa phương có vi phạm về việc thực hiện Đề án; công tác tuyên truyền, vận động nông dân được triển khai bằng rất nhiều hình thức, trong đó qua hệ thống phát thanh, truyền hình tỉnh, huyện và Báo Thái Bình được chú trọng với tần suất cao.

 

 

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân xã Tân Hòa (Vũ Thư) tập trung gieo cấy lúa xuân trong khung thời vụ tốt nhất. Ảnh: Ngọc Linh.

 

Phóng viên: Thực tế thời tiết khá phức tạp đã xảy ra rét đậm, rét hại kéo dài cuối tháng 1, đầu tháng 2/2016 có ảnh hưởng đến cơ cấu giống, lịch thời vụ gieo cấy lúa xuân không, thưa ông?

 

Ông Phạm Văn Dụng: Đợt rét đậm, rét hại từ ngày 23 - 28/1/2016 có ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nhưng việc ảnh hưởng chỉ tập trung ở trà mạ nông dân đã gieo không đúng lịch chỉ đạo của tỉnh và huyện. Cơ bản trong toàn tỉnh, các địa phương chấp hành lịch thời vụ gieo cấy theo Đề án tỉnh đã ban hành nên không ảnh hưởng đến cơ cấu giống cũng như lịch thời vụ gieo cấy lúa xuân. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hướng dẫn, đôn đốc các địa phương chấp hành đúng cơ cấu giống và lịch thời vụ gieo cấy (gieo cấy 100% diện tích bằng giống ngắn ngày, gieo mạ xung quanh tiết Lập xuân, gieo thẳng từ 15 - 20/2, kết thúc gieo cấy trước 25/2/2016). Sau tết Nguyên đán thời tiết khá thuận lợi để các địa phương đẩy nhanh tiến độ làm đất, vệ sinh đồng ruộng và gieo cấy lúa xuân nên cơ cấu giống và lịch thời vụ cơ bản đáp ứng được kế hoạch đã đề ra.

 

 

Nông dân xã Vũ An (Kiến Xương) tạo mặt bằng để gieo cấy lúa xuân.

 

Phóng viên: Xin ông cho biết, hiện nay tiến độ gieo cấy lúa xuân ở các địa phương như thế nào và ngành Nông nghiệp có khuyến cáo gì về các biện pháp chăm sóc, bảo vệ lúa xuân sau gieo cấy?

 

Ông Phạm Văn Dụng: Ngành Nông nghiệp đã tập trung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và hướng dẫn các địa phương tận dụng tối đa các đợt xả nước để lấy nước làm đất và gieo cấy lúa xuân. Việc tiến hành đổ nước thau chua, rửa mặn năm nay rất thuận lợi, là một vụ xuân có chất lượng nước  tốt nhất và dồi dào; duy trì mực nước nông thường xuyên để lúa sinh trưởng phát triển với quan điểm nông - lộ - phơi với gieo cấy lúa xuân. Các địa phương đồng loạt thực hiện tốt chiến dịch diệt chuột trên quy mô toàn tỉnh ở đầu tháng 2, tranh thủ thời gian đổ ải, nước lớn việc áp dụng biện pháp hóa học diệt chuột có hiệu quả cao được nông dân tin tưởng, việc diệt chuột phải thường xuyên liên tục và lấy biện pháp thủ công là nòng cốt. Huy động tối đa nhân lực, máy móc tranh thủ thời tiết thuận lợi sau tết Nguyên đán gieo cấy lúa xuân, việc gieo thẳng tập trung từ ngày 10 - 20/2/2016, việc cấy kết thúc trước ngày 25/2/2016. Đến ngày 17/2/2016, toàn tỉnh đã gieo cấy được 20.500ha trong đó diện tích gieo thẳng đạt 16.000ha.

 

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

Nguyên Bình

(thực hiện)

 

Ngành Nông nghiệp khuyến cáo bà con sau gieo cấy chuyển trọng tâm sang chăm sóc lúa xuân và chú ý các biện pháp kỹ thuật sau:

 

  • Điều tiết nước hợp lý đối với từng giai đoạn sinh trưởng của lúa, đặc biệt đối với lúa gieo thẳng.
  • Bón phân tổng hợp NPK chuyên lót, tuyệt đối không bón đạm đơn, bón lót sâu và thúc sớm; bón bổ sung kali vào giai đoạn lúa phân hóa đòng (đối với giống lúa lai và BC15 bón từ 3 - 5kg, giống lúa khác bón từ 2 - 3kg).
  • Chủ động theo dõi diễn biến sâu bệnh hại nếu phát hiện báo ngay cho cơ quan chuyên môn để có biện pháp xử lý kịp thời; đồng thời chủ động phun phòng trừ sâu bệnh hại theo khuyến cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật. Tăng cường đánh bắt chuột bằng biện pháp thủ công kết hợp với các loại thuốc hóa sinh học để đạt hiệu quả cao.

  • Từ khóa