Thứ 2, 05/08/2024, 19:28[GMT+7]

Ngân hàng đồng hành cùng ngư dân vươn khơi bám biển

Thứ 2, 18/04/2016 | 15:14:44
1,761 lượt xem
Kinh tế biển là một trong những thế mạnh của Thái Bình nên ngay sau khi Nghị định số 67 của Chính phủ có hiệu lực, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp phối hợp với ngành Ngân hàng triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm chung sức giúp ngư dân Thái Bình tìm ngư trường xa và bám biển dài lâu, vừa phát triển kinh tế gia đình, địa phương vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Tàu vỏ thép của ngư dân Nguyễn Văn Cường (thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy) đang được Công ty Cổ phần Đóng tàu Đại Dương đóng mới.

Sau hơn một năm triển khai, toàn tỉnh có 7 chủ tàu được các ngân hàng ký hợp đồng tín dụng với tổng số tiền cam kết cho vay 97,3 tỷ đồng, đã giải ngân 31,7 tỷ đồng. Ông Đinh Ngọc Thạch, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh cho biết: Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 67, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh thường xuyên tổ chức các hội nghị, đối thoại với chủ tàu để nắm bắt thông tin; trực tiếp đi cơ sở, tiếp xúc với ngư dân, nhận diện vướng mắc, khó khăn phát sinh, tìm biện pháp tháo gỡ kịp thời nên đến nay các vướng mắc, khó khăn về phía ngân hàng cơ bản đã được tháo gỡ.

Là đơn vị tiên phong cho vay theo Nghị định số 67, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Thái Bình đã tích cực phối hợp giúp ngư dân tiếp cận nguồn vốn để đóng mới tàu cá. Tổ công tác của BIDV Chi nhánh Thái Bình chủ động đến với doanh nghiệp, người dân giới thiệu, hướng dẫn khách hàng có nhu cầu vay vốn theo chương trình được tiếp cận vốn vay. Phó Giám đốc BIDV Chi nhánh Thái Bình Nguyễn Đức Mỹ cho biết: BIDV là ngân hàng đi đầu trong quá trình xây dựng cơ chế, chính sách và cũng là ngân hàng tiên phong thực hiện Nghị định số 67 tại Thái Bình bằng việc ký kết hợp đồng tín dụng giữa BIDV Chi nhánh Thái Bình với ngư dân hai huyện Thái Thụy, Tiền Hải. Hiện, Ngân hàng đã thẩm định, ký kết hợp đồng tín dụng cho vay đóng mới 3 tàu vỏ thép, tổng số tiền ký kết cho vay 48,58 tỷ đồng, đã giải ngân 14,5 tỷ đồng; đã thẩm định và đang thương thảo ký hợp đồng tín dụng với 1 khách hàng, số tiền 15,5 tỷ đồng.

Mặc dù ngân hàng đã tích cực vào cuộc, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân vay vốn đóng tàu công suất lớn nhưng số lượng ngư dân được tiếp cận nguồn vốn vay vẫn còn ít. Nguyên nhân chủ yếu do một số chủ tàu đang hoạt động nghề cá với quy mô nhỏ, chưa có kinh nghiệm quản lý tàu khai thác xa bờ, không có đủ khả năng tài chính để tham gia đóng mới, nâng cấp tàu. Một số trường hợp có khả năng tài chính nhưng không hoạt động nghề cá, không đúng đối tượng theo quy định tại Nghị định số 67.

Giữ vai trò chủ lực về đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, vì vậy, ngay sau khi có chỉ đạo của tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh Thái Bình đã tích cực vào cuộc, chủ động tổ chức tập huấn đến phòng giao dịch các huyện có nghề khai thác thủy sản; chủ động bám sát, nắm bắt tiến độ phê duyệt chủ tàu của UBND tỉnh, chủ động tiếp cận các chủ tàu để tìm hiểu và thẩm định. Quá trình tiếp cận nhu cầu vay vốn từ các chủ tàu, Agribank Chi nhánh Thái Bình đã kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, phối hợp với các đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ ngư dân thực hiện các thủ tục vay vốn. Đến nay, Agribank Chi nhánh Thái Bình đã ký hợp đồng với 2 chủ tàu, số tiền 29,4 tỷ đồng; đã giải ngân 4,6 tỷ đồng. Đồng thời, tiếp tục thẩm định, xét duyệt các chủ tàu cá đủ điều kiện.

Tiếp xúc với các ngư dân, chúng tôi cảm nhận được niềm vui, sự hồ hởi của bà con khi được biết thông tin về Nghị định số 89 sẽ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, kéo dài thêm thời gian trả nợ ngân hàng trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 67. Ngư dân Nguyễn Văn Cường (khu 3, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy) vừa được giải ngân hơn 6 tỷ đồng trong tổng số tiền cam kết vay 14,6 tỷ đồng từ BIDV cho biết: Chúng tôi rất vui mừng khi nguồn vốn vay sẽ được kéo dài từ 11 năm lên 16 năm đối với tàu vỏ thép, điều đó đã giúp giải tỏa áp lực trả nợ. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi và sự hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời của các ngành chức năng và ngân hàng sẽ giúp ngư dân vươn khơi bám biển, làm giàu từ biển. Chỉ gần 1 tháng nữa thôi, con tàu vỏ thép của gia đình tôi sẽ được hạ thủy. Khi đó, ước mơ vươn ra những ngư trường lớn sẽ thành hiện thực. Còn theo ngư dân Nguyễn Văn Cóong (khu 9, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy), người có hơn 30 năm đi biển, khó khăn lớn nhất với nhiều ngư dân để thực hiện dự án là vốn đối ứng đối với tàu vỏ thép khoảng 4 tỷ đồng. Ông Cóong rất mong nhà nước xem xét, tạo điều kiện cho vay thêm vốn đối ứng có tài sản bảo đảm là tàu cũ và tài sản khác.

Dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng với sự vào cuộc tích cực của UBND tỉnh và các ngành chức năng, tin rằng, không xa nữa, nhiều "con tàu 67" của tỉnh sẽ vươn ra biển lớn, thực hiện hoài bão của ngư dân làm giàu từ biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Minh Nguyệt

  • Từ khóa