Thứ 6, 10/05/2024, 14:09[GMT+7]

Một số giải pháp cấp bách góp phần kiềm chế lạm phát

Thứ 4, 09/03/2011 | 08:34:16
5,186 lượt xem
Trước bối cảnh tình hình lạm phát trong nước có xu hướng tăng cao, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11 về tập trung kiềm chế lạm phát. UBND tỉnh Thái Bình cũng đã xây dựng chương trình hành động chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp kiềm chế lạm phát trong năm 2011; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách nhằm ổn định kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

Để kiềm chế lạm phát, UBND tỉnh Thái Bình đặt lên hàng đầu giải pháp tăng cường quản lý thị trường và giá cả, đảm bảo cân đối cung cầu về hàng hoá. Chỉ đạo các ngành chức năng theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường trong và ngoài nước từ đó kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp điều tiết cung cầu.

Kiểm tra, giám sát việc thực hiện Pháp lệnh giá; kiểm soát chặt về giá cả với nhóm các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, thuốc chữa bệnh, sữa, sắt thép, phân bón... Ngăn chặn có hiệu quả các hiện tượng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về giá.

Đi liền với việc quản lý, điều tiết thị trường, tỉnh chủ trương tăng cường kỷ luật tài chính, phấn đấu thu vượt chỉ tiêu ngân sách gắn với tiết kiệm chi tiêu và cắt giảm đầu tư công. Giao Sở tài chính chủ trì phối hợp với các ngành, các cấp tiến hành rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi theo thứ tự ưu tiên để tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên trong 9 tháng còn lại của năm 2011 (phần tiết kiệm thêm này không bao gồm tiền lương, các khoản có tính chất lương, chi chế độ chính sách và tiết kiệm chi thường xuyên 10% theo kế hoạch đầu năm).

Thực hiện cắt giảm các khoản chi chưa thật cần thiết như mua sắm phương tiện, chi tiếp khách, hội họp, tạm dừng trang bị mới xe ô tô và điều hoà nhiệt độ. Hạn chế tối đa việc bổ sung ngân sách ngoài dự toán, không bổ sung dự toán hỗ trợ kinh phí cho các ngành, các cấp khi chưa xác định rõ nguồn ngân sách.

Đồng thời thực hiện quyết liệt các biện pháp chống thất thu, nợ đọng thuế, nhất là các khoản thu liên quan đến đất đai và tài nguyên, phấn đấu thu vượt dự toán ngân sách đã được HĐND tỉnh giao từ 7- 10% để có thêm nguồn chi cho phát triển KT- XH.

Tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách và trái phiếu Chính phủ đã được bố trí vốn năm 2011 trên địa bàn tỉnh, qua đó xác định cụ thể những công trình, dự án cần ngừng, đình hoãn, giãn tiến độ thực hiện trong năm 2011. Thu hồi hoặc điều chuyển các khoản vốn đã bố trí nhưng chưa cần thiết hoặc không đúng mục tiêu. Kiên quyết điều chuyển vốn đầu tư đối với các công trình, dự án chậm tiến độ để bổ sung cho những công trình có thể hoàn thành đưa vào sử dụng ngay trong năm 2011.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh giao Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước điều hành và kiểm soát hệ thống tiền tệ và tín dụng, bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011 không vượt quá 20%, tỷ lệ nợ xấu chiếm dưới 3% tổng dư nợ; khuyến khích mở rộng phương thức thanh toán qua thẻ, từng bước hạn chế dùng tiền mặt để góp phần kiềm chế lạm phát. Tăng cường quản lý ngoại hối và kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vàng; áp dụng các chế tài xử lý nghiêm khắc, kể cả việc đình chỉ, rút giấy phép kinh doanh, tịch thu tài sản với những hành vi vi phạm về thu đổi, mua bán ngoại tệ và kinh doanh vàng.

Chỉ đạo hệ thống các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh ưu tiên cho vay ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất mà trong nước còn thiếu; hạn chế cho vay ngoại tệ để nhập những mặt hàng xa xỉ như ô tô và những hàng tiêu dùng mà trong nước đã sản xuất được. Thực hiện các biện pháp hữu hiệu nhằm huy động nguồn ngoại tệ từ các doanh nghiệp và dân cư, đồng thời giám sát chặt việc sử dụng và chuyển ngoại tệ ra nước ngoài theo đúng quy định của pháp luật.

Một giải pháp quan trọng khác đó là thúc đẩy sản xuất- kinh doanh phát triển toàn diện, khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, sử dụng năng lượng tiết kiệm. Xây dựng kế hoạch điều hành xuất- nhập khẩu linh hoạt, hợp lý. Đề xuất các giải pháp phát triển, mở rộng thị trường; xác định danh mục các ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu chủ lực để có các biện pháp hỗ trợ kịp thời, phù hợp.

Tăng cường cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong hoạt động xuất- nhập khẩu. Thường xuyên cập nhập thông tin thị trường trong và ngoài nước để các doanh nghiệp chủ động sản xuất- kinh doanh. Toàn tỉnh phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu năm 2011 lên 500 triệu USD, tăng 15,4% so với năm 2010; kim ngạch nhập khẩu đạt 414 triệu USD, tăng 10,4%.

Ngoài ra, muốn kiềm chế được lạm phát cần thực thi tốt các chính sách an sinh xã hội gắn với thực hiện chương trình xoá đói, giảm nghèo bền vững. Tạo điều kiện để hộ nghèo và gia đình chính sách được tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý, nhất là ở các lĩnh vực cho vay phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, học sinh- sinh viên. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng nhà cho hộ nghèo theo chủ trương của Chính phủ. Đề xuất cơ chế, chính sách huy động vốn theo hình thức xã hội hoá để xây dựng nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp và ký túc xá sinh viên tại khu vực thành phố...

 

Bài:  Vũ Mạnh

Ảnh: Ngọc Linh

  • Từ khóa