Thứ 2, 20/05/2024, 16:32[GMT+7]

Không chỉ là đất lúa

Thứ 2, 13/06/2016 | 10:12:39
1,082 lượt xem
(Bài 1) Hiện nay, mặc dù lĩnh vực trồng trọt có giá trị gia tăng thấp nhưng vẫn chiếm trên 40%, trong khi đó chăn nuôi, thủy sản có giá trị gia tăng cao nhưng chỉ chiếm gần 60% so với tổng giá trị sản xuất của ngành Nông nghiệp. Qua đây cho thấy phát triển các tiểu ngành nông nghiệp còn mang tính tự phát, chưa bảo đảm tăng trưởng bền vững và chưa tạo ra giá trị lớn trên đơn vị diện tích sản xuất. Vì vậy, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay của tỉnh Thái Bình là sự c

Các địa phương đẩy mạnh cơ giới hóa trong các khâu sản xuất.

 

Trồng trọt vẫn là tỉnh đi đầu

 

Thái Bình không chỉ ghi mốc son trong những giai đoạn khó khăn của đất nước khi vừa chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, vừa thúc đẩy sản xuất phát triển với thành tích là tỉnh đầu tiên ở miền Bắc đạt 5 tấn thóc/ha (năm 1966). Từ đó đến nay, sản xuất trồng trọt của tỉnh luôn có những bước đột phá mới, một số loại cây trồng chủ lực có năng suất, sản lượng cao nhất cả nước hoặc cao nhất vùng đồng bằng sông Hồng. Cụ thể như năng suất lúa cao nhất vùng đồng bằng sông Hồng (bình quân trên 13 tấn/ha/năm) và đứng thứ 2 về sản lượng; sản xuất rau đứng thứ nhất đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 2 cả nước về năng suất (bình quân đạt 25,5 tấn/ha/năm). Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Năm 2015, mặc dù diện tích gieo cấy lúa giảm xuống còn khoảng trên 160.000ha, song sản lượng vẫn đạt trên 1 triệu tấn/năm. Rau là nhóm cây trồng lớn thứ 2 trong lĩnh vực trồng trọt của tỉnh với quỹ đất trên 15.000ha, trong đó diện tích chuyên canh rau chiếm 1.800ha, luân canh rau khoảng 13.200ha (vụ đông xuân và hè thu). Các loại rau của Thái Bình không chỉ phục vụ tiêu thụ trong tỉnh mà còn xuất bán đến các tỉnh, thành phố lân cận, một số sản phẩm được liên kết sản xuất phục vụ chế biến xuất khẩu. Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh đã triển khai xây dựng 177 cánh đồng mẫu, với 10.546ha; hình thành được một số vùng sản xuất hàng hóa như vùng ớt ở Quỳnh Phụ, sản xuất rau, dưa xuất khẩu ở Thái Thụy, Hưng Hà… Các cánh đồng mẫu và các vùng sản xuất này là tiền đề để phát triển thành các vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa trong thời gian tới. Ngoài ra, Thái Bình còn có trình độ thâm canh cao và đi tiên phong trên nhiều lĩnh vực, đứng đầu khu vực đồng bằng sông Hồng và ở miền Bắc về chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, chủ động về nguồn giống cây trồng…

 

Những hạn chế cần khắc phục

 

Mặc dù tỉnh ta có nhiều thế mạnh về trồng trọt, song để đáp ứng được yêu cầu sản xuất hàng hóa với quy mô lớn phục vụ cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, đồng thời tạo ra giá trị cao trên đơn vị diện tích đất canh tác một cách bền vững thì vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế. Toàn tỉnh đã cơ bản thực hiện xong dồn điền đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng theo chương trình xây dựng nông thôn mới nhưng bình quân chung chỉ có khoảng 0,2ha/hộ. Quy mô trồng trọt của các hộ dân nhỏ là trở ngại lớn cho việc tạo ra sản phẩm hàng hóa, sản xuất chuyên canh, áp dụng khoa học công nghệ, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Việc sản xuất và quản lý chất lượng nông sản chưa được quan tâm nhiều, các hộ dân còn lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhiều dẫn đến chất lượng sản phẩm thấp. Đồng thời sự liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm còn ít và không bền vững. Hiện nay, toàn tỉnh chỉ có khoảng gần 3% số hộ sản xuất lúa và 5% số hộ sản xuất rau có liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với các HTX, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc phá vỡ hợp đồng vẫn thường xuyên xảy ra, do một số hộ dân chạy theo lợi ích trước mắt, đến vụ thu hoạch người dân tự ý bán sản phẩm cho đối tác khác khi giá thành thu mua của họ cao hơn so với doanh nghiệp đã ký kết từ đầu vụ.

 

 

Nông dân Điệp Nông (Hưng Hà) chuẩn bị thu hoạch kê vụ xuân hè.

 

Ông Trần Minh Chiêu, Giám đốc HTX Sản xuất, kinh doanh DVNN xã Điệp Nông (Hưng Hà) cho biết: Những năm qua, UBND xã đã tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách mạnh mẽ, xác định nông nghiệp là hướng đi hàng đầu. Trên những vùng đất màu, người dân trong xã thực hiện canh tác từ 3 - 5 vụ/năm; trên đất hai lúa, thực hiện 3 vụ/năm; đưa hệ số quay vòng sử dụng đất của xã đạt 2,87 lần/năm. Đến nay, toàn xã đã quy hoạch được 5 vùng sản xuất, xây dựng được 12 cánh đồng mẫu. Giá trị bình quân hàng năm đạt 130 triệu đồng/ha/năm. Để người dân yên tâm sản xuất, HTX đã trực tiếp đứng ra ký kết hợp đồng liên doanh, liên kết sản xuất, bao tiêu đầu ra cho sản phẩm với 6 công ty chế biến nông sản trong và ngoài tỉnh. Trong đó có một số công ty lớn như Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình, Công ty Xuất nhập khẩu nông sản Hải Dương, Công ty Xuất nhập khẩu Thanh Phong… Trước khi tổ chức sản xuất, phía công ty sẽ ứng giống và phối hợp với HTX tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân. Trong quá trình sản xuất, người dân còn được phía công ty ứng phân bón và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Với nhiều thuận lợi như vậy, tuy nhiên trên địa bàn xã vẫn xảy ra tình trạng một số người dân phá vỡ hợp đồng bao tiêu sản phẩm với công ty, tự ý bán sản phẩm cho các thương lái khi được trả giá cao hơn so với công ty đã ký kết. Việc làm trên của người dân gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất của công ty do nguồn nguyên liệu đầu vào thiếu. Để khắc phục tình trạng trên, HTX đã tăng cường công tác tuyên truyền để người dân không tự ý bán sản phẩm cho các thương lái khi được trả giá cao hơn. Trong thời gian tới, HTX Sản xuất, kinh doanh DVNN xã Điệp Nông đề nghị các cấp, các ngành cùng vào cuộc, cần có những quy định cụ thể để quản lý sản phẩm đã được ký kết giữa người dân, HTX và công ty…

 

(Còn nữa)

Nguyên Bình - Phạm Hưng

  • Từ khóa