Thứ 2, 29/07/2024, 23:22[GMT+7]

Nuôi trồng thủy sản ở Thái Thụy Đa dạng hóa đối tượng nuôi theo hướng bền vững

Thứ 2, 14/03/2011 | 13:57:56
2,074 lượt xem
Về vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS) ven biển ở Thái Thụy những ngày này, đi đến đâu cũng thấy cảnh người nông dân đang hối hả cải tạo ao đầm để chuẩn bị cho vụ nuôi thả mới. Huyện chủ trương đa dang hoá đối tượng nuôi theo hướng ổn định, bền vững, quyết tâm năm 2011 sẽ giành thắng lợi toàn diện về diện tích, năng suất và giá trị nuôi trồng.

Một mô hình nuôi cá Vược ở Thụy Xuân - Thái Thụy.

Năm 2010, những người nông dân NTTS ở Thái Thụy đều chung một niềm vui được mùa lớn. Tổng diện tích NTTS mặn, lợ đạt 1.760 ha, sản lượng đạt 8.240 tấn, giá trị đạt 77,5 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2009. Trong đó, diện tích nuôi nước mặn (nuôi ngao) 169 ha cho hiệu quả, thu nhập cao. Sản lượng ngao đạt 4.800 tấn, cho giá trị 38,2 tỷ đồng.

 

Đối với NTTS nước lợ, nếu như trước đây hầu hết diện tích đều nuôi tôm Sú, thường xuyên phải đối mặt với rủi ro, dịch bệnh thì năm qua nông dân các xã ven biển đã đưa vào nuôi thả thêm nhiều đối tượng khác như: tôm thẻ chân trắng, cua, cá bớp, cá vược, cá song, rô phi đơn tính… góp phần tăng hiệu quả vùng nuôi.

 

Đặc biệt, tại các vùng chuyển đổi, nhiều mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo phương thức công nghiệp đã được nhân rộng góp phần đưa năng suất tôm nuôi đạt từ 8 đến 9 tấn/ha, cho giá trị thu nhập từ 120 đến 150 triệu đồng.  Huyện đã thực hiện thí điểm hai mô hình: nuôi ngao trong đầm nước lợ tại xã Thụy Xuân và nuôi kết hợp cá vược với cá rô phi và động vật hai mảnh vỏ trong đầm nước lợ tại xã Thụy Liên bước đầu tạo kết quả tốt, tạo tiền đề đa dạng hoá con  nuôi trong những năm tiếp theo.

 

Sau thắng lợi của vụ NTTS năm 2010, cộng thêm việc hạ tầng các vùng nuôi ở Thái Đô, Thụy Xuân, Thụy Trường…ngày càng được đầu tư đồng bộ đã tạo tâm lý phấn khởi, tăng thêm niềm tin cho ngư dân bước vào vụ sản xuất mới.  Năm nay, toàn huyện đưa vào nuôi thả hơn 1.500 ha diện tích NTTS nước lợ, sản lượng phấn đấu đạt khoảng 3.500 tấn tôm, cua cá, rong câu.

 

Ngay từ thời điểm giáp Tết Nguyên đán, tất cả những đầm nuôi sau khi thu hoạch xong đều được bà con tháo cạn nước, vệ sinh thu gom rác, rong rêu chuyển đi nơi khác, cày bừa phơi khô đáy, sau đó rắc vôi bột cải tạo đáy, bờ ao để diệt khuẩn, diệt tạp và ổn định độ PH. Các xã, HTX có vùng NTTS tập trung đã huy động kinh phí, nhân lực để tôn cao đê bao vùng, bờ đầm, tu sửa cống đầu mối, nạo vét kênh mương chính, các mương dẫn nước vào ao phục vụ cho NTTS. Những ao lưu giữ cá qua đông đều đã đánh bắt, thu hết sản phẩm bảo đảm thời gian cải tạo ao, đầm nuôi. Đến thời điểm này, công việc cải tạo ao đầm đạt khoảng 80% khối lượng công việc.

 

Trong tổng số 1.500 ha diện tích nuôi nước lợ năm nay, Thái Thụy vẫn chọn con tôm Sú là đối tượng nuôi chính với diện tích khoảng 1.300 ha. Thời điểm thả giống tôm sau tiết Thanh minh, tập trung từ ngày 20/4 đến 5/5.  Mật độ thả được bảo đảm phù hợp với từng phương thức nuôi tạo điều kiện để tôm sinh trưởng và phát triển tốt. Trong đó, vùng nuôi quảng canh cải tiến mật độ từ 5 đến 7 con/m2, nuôi công nghiệp mật độ từ 15 đến 20 con tôm sú/m2 và (mật độ 80 đến 100 con đói với tôm thẻ chân trắng/m2); riêng với vùng đầm ngoài đê quốc gia mật độ thả từ 2 đến 3 con/m2. Ngoài con tôm Sú, trong vùng đầm NTTS nước lợ, năm nay Thái Thụy sẽ đầu tư nuôi chuyên 200 ha cá Vược, cá Song, cá rô phi lai xa. Hiện tại, nhiều diện tích đã xuống giống.

 

Đặc biệt, với vùng nuôi ngao nước mặn, trong năm 2010, huyện đã quy hoạch mở rộng diện tích nuôi từ 169 ha lên 500 ha tại vùng bãi triều ven biển các xã Thái Đô, Thái Thượng, Thụy Trường. Thực tế việc nuôi ngao những năm qua cho hiệu quả kinh tế rất cao, mỗi ha bình quân thu lãi từ 400 đến 500 triệu đồng. Vì vậy, hướng đi này sẽ tạo bước đột phá mới cho nghề NTTS, đem lại cơ hội đổi đời cho nhiều ngư dân các xã vùng ven biển.

 

Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến thời điểm đồng loạt thả giống xuống các đầm NTTS ở Thái Thụy. Tuy nhiên, việc lựa chọn giống nuôi hiện đang được quan tâm bởi công tác quản lý con giống lâu nay còn nhiều bất cập. ước tính, nếu thả hết diện tích nuôi, toàn huyện sẽ cần khoảng 110 triệu con giống tôm, chưa kể con giống các đối tượng thủy sản khác.

 

Trong khi, trên địa bàn huyện chỉ có duy nhất cơ sở sản xuất giống thủy sản Phương Nam ( Thái Thượng) cung ứng được 20 triệu con tôm, còn lại hầu hết con giống phải nhập từ miền Nam về thuần tại các trại giống, sau đó cung ứng cho bà con nông dân. Thực tế, lượng con giống được kiểm dịch chỉ chiếm từ 30 đến 40%. Những năm trước, nhiều hộ nông dân do ham rẻ chọn con giống trôi nổi trên thị trường, chất lượng kém đến khi nuôi thả sinh trưởng và phát triển chậm, dễ phát sinh thành dịch bệnh.  Đây cũng chính là nguyên nhân khiến gần đây người nuôi tôm thường gặp rủi ro do tôm chết hàng loạt.

 

Vì vậy, Thái Thụy cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, mở các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật nuôi, kỹ thuật cải tạo ao đầm, bảo đảm thời vụ và mật độ thả, cách lựa chọn con giống chất lượng, đã qua kiểm dịch… Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tốt việc kiểm dịch, quản lý chất lượng giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Sau khi xuống giống, các xã, từng chủ ao đầm phải quản lý tốt vùng nuôi, khi xuất hiện dịch bệnh giám sát chặt chẽ, chủ động phòng trừ sớm, không để lây lan ra diện rộng.

 

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa