Thứ 2, 29/07/2024, 23:25[GMT+7]

Phát triển CN-TTCN Vũ Thư Thái Bình Hy vọng ở phía trước

Thứ 4, 16/03/2011 | 13:56:23
1,502 lượt xem
Ngành CN-TTCN Vũ Thư phát triển chưa tương xứng với sự thuận lợi về vị trí địa lý và giao thông, nhưng năm 2010 giá trị sản xuất toàn ngành vẫn đạt 566,6 tỷ đồng, tăng 16,5% so với năm 2009.

Cơ sở may màn nội địa tại xã Duy Nhất thu hút 30 lao động

Năm 2011, Vũ Thư phấn đấu giá trị sản xuất CN-TTCN- đạt 725 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2010. Để đạt mục tiêu này, huyện chủ trương tập trung, chỉ đạo các cấp, các ngành tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho một số địa phương quy họach điểm dân cư gắn với cụm công nghiệp nhằm tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; đẩy nhanh tiến độ thẩm định dự án đầu tư vào các cụm CN làng nghề; đôn đốc và hỗ trợ các xã có đủ điều kiện đề nghị công nhận làng nghề, xây dụng quy hoạch cụm thị tứ, khu trung tâm thương mại của xã phù hợp quy họach nông thôn mới

Các nhóm nghề có tốc độ tăng trưởng khá là chế biến lâm sản (tăng 20%), dệt may (tăng 8%), vật liệu xây dựng (tăng 25%), chế biến lương thực, thực phẩm (tăng 25%). Sản phẩm trên tăng chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng; một số doanh nghiệp, sản phẩm được người tiêu dùng tín nhiệm, như Công ty cổ phần gốm Đại Thắng, Nhà máy sản xuất mỳ ăn liền Đức Nam, Công ty sản xuất gạch bê tông đúc sẵn Trường Phát... Tính đến thời điểm 31/12/2010, trên địa bàn huyện đã quy hoạch 7 cụm công nghiệp, thị trấn, Tam Quang; Minh Lãng, Vũ Hội, Phúc Thành, Nguyên Xá, Việt Thuận và một khu công nghiệp đang lập quy hoạch chi tiết.

Tại cụm CN Thị trấn, huyện đang triển khai tiếp công tác giải phóng mặt bằng phục vụ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Đến nay, ngoài dự án của công ty may IVORY đi vào hoạt động, doanh thu 60-80 tỷ đồng/năm,  đã có 4 dự án được tỉnh chấp thuận, 4 dự án được huyện chấp thuận. Tổng số dự án đã và sẽ đầu tư chiếm 70% diện tích, chỉ còn lại 5 ha  chưa có dự án đầu tư. Cụm CN Tam Quang đáng chú ý có dự án sản xuất rượu cao cấp của Công ty Hương Sen, vốn đầu tư 50 tỷ đồng hiện đang xây dựng nhà xưởng, dự kiến cuối năm 2011 đi vào sản xuất. Tại cụm công nghiệp làng nghề Nguyên Xá đã hoàn chỉnh gần 1 km đường nội bộ, lắp 1 trạm biến áp tổng vốn 1,3 tỷ đồng. Có 7 dự án đầu tư, hầu hết đã làm xong nhà xưởng. Trong đó cơ sở sản xuất đồ gỗ của ông Vũ Văn Kiệm đã đi vào hoạt động.

Các cụm công nghiệp khác chưa tiến hành xây dựng kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên đều đã có các dự án triển khai đầu tư như cụm CN Vũ Hội có Công ty Xuân Trường Phát sản xuất gạch bê tông, doanh thu năm 2010 đạt 8 tỷ đồng; cụm CN Phúc Thành có 2 cơ sở đang sản xuất kinh doanh là thêu ren Nghĩa Phượng và cơ sở may Nguyễn Văn Cao; cụm CN Việt Thuận có cơ sở sản xuất da của ông Nguyễn Văn Toàn, doanh thu 700 triệu - 1 tỷ đồng/năm.

Cùng với phát triển công nghiệp tập trung, Vũ Thư có 24 làng nghề được UBND tỉnh công nhận, tạo việc làm cho 26.459 lao động. Đầu mối tiêu thụ sản phẩm của làng nghề có 29 doanh nghiệp. Mạnh nhất là nghề thêu có 19 doanh nghiệp (toàn tỉnh có 26 doanh nghiệp nghề thêu). Các doanh nghiệp thêu Vũ Thư không chỉ tạo việc làm cho lao động địa phương mà còn vươn ra toàn tỉnh và một số cơ sở tỉnh bạn, thu hút gần 20 ngàn lao động.

Bên cạnh nghề thêu, các làng nghề khác cũng duy trì phát triển tốt như chế biến gỗ, lâm sản, chế biến lương thực, thực phẩm và một số nghề mới du nhập vào huyện như làm đồ chơi cho vật nuôi, may túi siêu thị. Tuy nhiên, từ khi UBND tỉnh ban hành Quyết định 03/2008 quy định về tiêu chuẩn công nhận làng nghề, trong đó hai tiêu chí cơ bản nhất là lao động từ nghề và giá trị sản xuất từ nghề thay đổi.

 Do vậy các làng nghề đã được tỉnh công nhận, nay theo tiêu chí mới đủ tiêu chuẩn chỉ còn 12 làng (quy mô xã 2, quy mô thôn 10);  không đủ tiêu chuẩn theo quy định mới 12 (quy mô xã 7, quy mô thôn 5). Điều đó cho thấy các làng nghề phát triển chưa vững chắc, thiếu bền vững, khi không được tính lao động và giá trị sản xuất từ thương mại, dịch vụ thì không đạt tiêu chuẩn làng nghề.

Trong khi đó, nghề mới du nhập vào huyện rất khó vì công lao động thấp, lao động nông nhàn chủ yếu ở tuổi trung niên và người già, khả năng tiếp thu học nghề hạn chế... Kinh phí hỗ trợ mở mang du nhập, dạy nghề từ vốn khuyến công của tỉnh đầu tư cho huyện 4 năm qua, đạt 675 triệu đồng, chưa đủ để thúc đẩy nghề, làng nghề tăng tốc. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền một số xã chưa quan tâm đến việc phát triển ngành nghề địa phương do nguồn ngân sách xã hạn chế, nhỏ hẹp.

Thu Hương

  • Từ khóa