Thứ 2, 29/07/2024, 21:22[GMT+7]

Thực trạng và giải pháp phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm

Thứ 2, 21/03/2011 | 10:49:30
13,277 lượt xem
Mấy năm trở lại đây, ngành công nghiệp chế biến nông sản- thực phẩm (NSTP) trên địa bàn tỉnh ta có bước phát triển khá sôi động cả về quy mô và cơ cấu ngành hàng. Qua đó góp phần đáng kể vào việc gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.

Nghề chế biến bánh đa truyền thống làng Me-Xã Tân Hòa- Hưng Hà. Ảnh Thành Tâm

Nếu so với các tỉnh khác ở khu vực phía Bắc thì Thái Bình có khá nhiều tiềm năng, thế mạnh cho việc phát triển ngành công nghiệp chế biến NSTP như: Đất đai màu mỡ; lực lượng lao động dồi dào, có kinh nghiệm thâm canh giỏi; sản phẩm nông nghiệp đa dạng gồm cả trồng trọt và chăn nuôi, cả nuôi trồng và đánh bắt; nằm tiếp giáp với một số thị trường tiêu thụ nông sản lớn như Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Nội...

Bên cạnh đó, thời gian qua các ngành chức năng đã tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng nhiều đề án sản xuất và ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp và ngành công nghiệp chế biến NSTP. Điển hình như chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; mở rộng diện tích cây vụ đông; đề án phát triển gia trại, trang trại; tạo điều kiện về mặt bằng để mở rộng sản xuất. Ngoài ra còn có cơ chế hỗ trợ vay vốn tín dụng, đào tạo lao động, miễn giảm thuế, xúc tiến thương mại...

Nhờ sự kết hợp giữa tiềm năng sẵn có với các chính sách hỗ trợ kịp thời đã tạo cho ngành chế biến NSTP một sức sống mới, diện mạo mới. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có khoảng hơn 11.000 cơ sở chế biến NSTP, trong đó phần lớn là các hộ sản xuất cá thể. Tốc độ tăng trưởng chung toàn ngành đạt khoảng 14,13%/ năm.

Các cơ sở và doanh nghiệp chế biến NSTP đang tạo việc làm cho khoảng 23.000 lao động. Cơ cấu ngành hàng chế biến ngày càng phong phú, đa dạng nhưng tập trung chủ yếu vào 10 chủng loại sản phẩm có quy mô tương đối lớn, điển hình như: Chế biến gạo, ngô; thịt đông lạnh; thuỷ sản đông lạnh; nước mắm; rau- củ- quả; bia- nước giải khát... Trong đó, một số nhóm ngành có bước phát triển khá sôi động, bước đầu tạo được thương hiệu và cạnh tranh hiệu quả trên thị trường.

 Đáng chú ý là nhóm ngành chế biến cây lương thực, chủ yếu là lúa gạo. Sản lượng xay xát toàn tỉnh hàng năm đạt khoảng 900.000 tấn, xuất khẩu đạt khoảng 6.000 tấn. Hiện tại đã hình thành được một số cơ sở xay xát quy mô khá như: Công ty cổ phần lương thực Thái Đan; Công ty cổ phần giống cây trồng Thái Bình, Công ty cổ phần SX- KD XNK Lam Sơn, Công ty Hưng Cúc; Công ty Thuận Khang... Cùng với đó là hàng chục các làng nghề, xã nghề chế biến LT- TP như: Dụ Đại (Đông Hải); Tô Hồ, Tô Đê (An Mỹ); Đồng Thanh (Vũ Thư); Nguyên Xá (Đông Hưng); An Vũ, An Lễ (Quỳnh Phụ)...

Kế đó là nhóm ngành chế biến các sản phẩm chăn nuôi, trên địa bàn tỉnh hiện có 3 cơ sở chế biến thịt đông lạnh, chủ yếu là lợn sữa xuất khẩu với công suất khoảng 10.000 tấn/ năm như: Công ty XNK thực phẩm Thái Bình công suất 5.000 tấn/ năm; Xí nghiệp chế biến thực phẩm xuất khẩu công suất 3.000 tấn/ năm; Công ty thực phẩm nông sản Thái Bình công suất 1.200 tấn/ năm. Ngoài ra còn có hàng trăm cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nằm phân bố rải rác. Giá trị xuất khẩu của nhóm ngành này đạt khoảng 5,5- 6 triệu USD/ năm...

Nhóm ngành chế biến thuỷ- hải sản có năng lực chế biến khoảng 1.200- 1.500 tấn/ năm; giá trị xuất khẩu khoảng 5,3- 5,5 triệu USD/ năm. Sản phẩm chủ yếu là nước mắm (khoảng 6 triệu lít/ năm), bột cá (7.000 tấn/ năm), tôm và cá đông lạnh (khoảng 2.000 tấn), cá khô (300- 500 tấn)... Một số danh nghiệp chế biến hải sản có quy mô khá, điển hình như Công ty TNHH Rich Beauty, Công ty cổ phần thuỷ sản Diêm Điền, Công ty CP hải sản Thái Bình, Công ty chế biến bột cá Thụy Hải... Ngoài ra còn phải kể đến một số nhóm ngành khác như chế biến rau quả, chế biến thức ăn chăn nuôi, chế biến cây công nghiệp.

Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và vị trí, vai trò của ngành chế biến NSTP trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng CNH, HĐH.

Nếu nhìn một cách tổng thể thì ngành công nghiệp chế biến NSTP tỉnh ta vẫn còn khá nhỏ bé. Số lượng các cơ sở, doanh nghiệp chế biến ít, thiếu các doanh nghiệp quy mô lớn; sản phẩm phần lớn là sơ chế, dây chuyền công nghệ lạc hậu; chưa xây dựng được một số thương hiệu sản phẩm tiêu biểu là thế mạnh của tỉnh.

Bên cạnh đó, việc quy hoạch vùng sản xuất để tạo nguồn nguyên liệu chất lượng cao, số lượng lớn chưa đáp ứng được yêu cần, còn manh mún, nhỏ lẻ; việc thu mua sản phẩm thông qua hợp đồng còn ít gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất. Hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là về điện, nước sạch, giao thông nông thôn...

Để ngành công nghiệp chế biến NSTP tiếp tục phát triển nhanh, tương xứng với tiềm năng, thời gian tới các ngành chức năng cần nghiên cứu và xác định rõ một số nhóm sản phẩm vừa là thế mạnh vừa đáp ứng nhu cầu thị trường để khuyến khích, tập trung đầu tư phát triển.

Trước mắt cần ưu tiên vào một số mặt hàng như lương thực - thực phẩm, thịt lợn sữa, thuỷ sản, đồ uống, rau quả (hoa hèo, dưa chuột bao tử, ớt, khoai tây)...Phát triển công nghiệp chế biến theo hướng đa dạng hoá các thành phần kinh tế tham gia, trong đó chú trọng thành phần kinh tế tư nhân và hợp tác đầu tư nước ngoài, ưu tiên phát triển các sản phẩm xuất khẩu.

Khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới nhằm đa dạng hoá sản phẩm và từng bước xây dựng thương hiệu một số mặt hàng nông sản tiêu biểu. Chú trọng việc quy hoạch để hình thành một số vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, quy mô lớn và mở rộng hình thức mua- bán thông qua hợp đồng nhằm tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho sản xuất.

Đi liền với đó cần tích cực đầu tư xây dựng hạ tầng cho các vùng chuyển đổi, nhất là về thuỷ lợi. Tăng cường hỗ trợ nông dân về giống, vốn, vật tư, kỹ thuật nhằm tạo sản phẩm chất lượng cao đủ tiêu chuẩn làm hàng hoá.

Ngoài ra, tỉnh tiếp tục bổ sung các cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư mới và hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng sản xuất. Đặc biệt là cơ chế hỗ trợ về vốn, mặt bằng, lao động, tìm kiếm thị trường...

Vũ Mạnh

 

  • Từ khóa