Thứ 5, 08/08/2024, 17:17[GMT+7]

Giúp doanh nghiệp ổn định sau bão

Thứ 3, 16/08/2016 | 08:16:47
757 lượt xem
Bão số 1 đã đi qua hơn 20 ngày song thiệt hại nó để lại cho các doanh nghiệp khá nặng nề. Mặc dù đều thực hiện phương châm vừa khắc phục vừa sản xuất, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước song đến nay rất nhiều doanh nghiệp còn bộn bề khó khăn và trăn trở trong việc khắc phục. Nếu không có quyết tâm của doanh nghiệp và sự vào cuộc của các cấp, các ngành chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sản lượng, doanh thu của các doanh nghiệp nói riêng, tốc độ tăng trưởng của ngà

Các doanh nghiệp khắc phục khó khăn đẩy mạnh sản xuất sau bão số 1.

Bài 2: Doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn

Bộn bề khó khăn

Tới Công ty Thương mại tổng hợp Toan Vân hơn 10 ngày sau bão, chúng tôi thấy số lượng hàng hóa bị ẩm ướt tương đối nhiều nên chỉ tính khâu vận chuyển sản phẩm ướt ra ngoài cũng là cả vấn đề, vừa mất thời gian vừa mất nhiều nhân công vận chuyển. Mặt khác, do là sản phẩm đặc thù dùng trong sản xuất nông nghiệp nên khi hàng hóa bị ướt sẽ không thể đưa ra thị trường tiêu thụ, tránh ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm và uy tín của doanh nghiệp. Hiện tại, Công ty vẫn đang cho công nhân khoanh vùng, lọc sản phẩm bị ướt để đưa vào sản xuất. Tuy nhiên, trăn trở hiện nay của Công ty là vẫn chưa biết các công ty sản xuất sẽ xử lý và có chế độ như thế nào đối với các sản phẩm bị hỏng. Trung bình mỗi năm, Công ty cung ứng gần 100.000 tấn sản phẩm cho nông dân trong và ngoài tỉnh, doanh thu đạt trên 400 tỷ đồng. Do ảnh hưởng của bão, dự tính năm 2016 doanh số của Công ty sẽ giảm, đạt dưới 400 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân đẩy mạnh sản xuất ở các nhà máy trên địa bàn thành phố Thái Bình.

Đối với Nhà máy Đức Quân 5 ở Khu công nghiệp Tiền Hải, trung bình mỗi ngày sản xuất 20 tấn sợi nhưng đến nay vẫn phải dừng sản xuất. Toàn bộ nhà xưởng, máy móc thiết bị hiện đại bị chôn vùi lẫn lộn. Ông Nguyễn Duy Chiến, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân cho biết: Phần lớn các thiết bị máy móc ở Nhà máy phải mua mới lại do bị bẹp, méo, ngấm nước mưa nên không thể khắc phục được. Hậu quả của bão chắc chắn sẽ khiến doanh nghiệp bị giảm 1/3 doanh thu cũng như công suất so với mọi năm. Không chỉ dừng sản xuất, bão còn làm ảnh hưởng trực tiếp tới số nợ ngân hàng của doanh nghiệp, số tiền chi trả cho công nhân, tiền điện và các hoạt động quản lý khác. Hiện tại, Công ty vừa khắc phục vừa phải trả lương đầy đủ cho 320 công nhân bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng để giữ chân người lao động. Cùng với đó, giá sợi trên thị trường đang gặp khó khăn dẫn tới cùng một lúc doanh nghiệp bị thiệt hại trên rất nhiều mặt. Ngoài ra, ngay từ đầu năm, doanh nghiệp đã ký hợp đồng với các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc tới hết tháng 10, nếu không bảo đảm hợp đồng sẽ ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp và đối mặt với nguy cơ mất khách hàng.

Công ty TNHH Liên Hạnh bất lực trước sự tàn phá của bão số 1.

Mong nhận được sự hỗ trợ kịp thời

Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều mong muốn tỉnh cũng như các cơ quan chức năng tiếp tục đồng hành, chia sẻ và có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cùng với đó là mong muốn các công ty bảo hiểm sớm có phương án bồi thường để các doanh nghiệp khắc phục thiệt hại do bão gây ra, sản xuất trở lại. Ông Bùi Hữu Trường, Phó Giám đốc Nhà máy Gạch Mikado cho hay: Theo đánh giá của đoàn kiểm tra tỉnh, Nhà máy bị thiệt hại trên 23 tỷ đồng. Mặc dù thời gian khắc phục sửa chữa Nhà máy phải tính mất vài tháng, tuy nhiên trước mắt doanh nghiệp đã khắc phục tạm thời, dùng bạt che để sản xuất ngay từ ngày 2/8, đồng thời huy động công nhân nhanh chóng lợp gần 11.000m2 mái tôn nhà xưởng để tránh mưa bão tiếp theo. Cũng theo ông Trường, mất mát đối với doanh nghiệp là khá lớn song thời gian để ổn định lại sản xuất cũng còn nhiều vấn đề nan giải. Dự kiến phải sau 3 tháng Nhà máy mới phục hồi sản xuất bình thường, công suất mới đạt được 100%. Trong lúc gặp khó khăn, doanh nghiệp mong nhà nước, tỉnh có chính sách hợp lý, cơ chế hỗ trợ phù hợp như giảm lãi suất, khoanh nợ, giảm thuế để các doanh nghiệp yên tâm sản xuất. Ngoài ra, nhà nước cần có chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm giá cả hàng hóa ổn định để không ảnh hưởng tới doanh nghiệp. Còn đối với Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân, ngay sau bão, Công ty đã nhanh chóng mời các cơ quan, ban ngành, bảo hiểm xác nhận hiện trường, khẩn trương dọn dẹp nhà xưởng, đồng thời mời các nhà thầu xây dựng, lắp đặt thiết bị đánh giá và lên phương án khắc phục. Đặc biệt, để giữ chân khách hàng, Công ty đã có thư gửi khách hàng và cam kết đẩy nhanh tiến độ sửa chữa nhà xưởng, tổ chức tăng ca để nâng cao năng suất lao động, đẩy mạnh 100% công suất của những nhà máy còn lại đáp ứng nhu cầu khách hàng. Cùng với nỗ lực của mình, Công ty mong muốn các cơ quan của tỉnh xem xét, đánh giá mức độ thiệt hại để có cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho Công ty sớm khắc phục thiệt hại sau bão và nhanh chóng ổn định sản xuất. Ngoài ra, Công ty cũng mong muốn tỉnh chỉ đạo ngành Thuế, ngành Ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi nhất về thuế và vốn vay để doanh nghiệp khắc phục thiệt hại sau bão.

Ông Vũ Văn Toan, Phó Trưởng phòng Công Thương huyện Tiền Hải

Những ngày sau bão, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã nhanh chóng tự sửa chữa, cải tạo, nâng cấp phục vụ cho sản xuất để đáp ứng thị trường tiêu thụ sản phẩm, khách hàng trong cả nước và xuất khẩu. Do đó, đến ngày 30/7 hầu hết các doanh nghiệp đã khôi phục sản xuất với công suất đạt từ 50 - 70%. Tuy nhiên, theo đánh giá của các doanh nghiệp, sự tàn phá của bão số 1 khá nặng nề đã khiến các doanh nghiệp trên địa bàn huyện đang có dấu hiệu giảm về giá trị sản xuất, doanh thu và lợi nhuận. Vì vậy, huyện cũng như các doanh nghiệp rất mong tỉnh có cơ chế đặc thù cho một số doanh nghiệp thiệt hại nặng để các doanh nghiệp bớt khó khăn trong việc tái đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Bà Trần Thị Thanh Huyền, Giám đốc Công ty TNHH Liên Hạnh

Như mọi lần, khi nhận được tin bão, Công ty đều chuẩn bị chằng chống nhà xưởng cẩn thận. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Công ty phải đối mặt với cơn bão có cường độ mạnh và nhanh khiến toàn bộ nhà xưởng phải dừng hoạt động 4 ngày. Bão đã làm Công ty bị ướt hàng trăm tấn thóc, cám, gạo, thiệt hại hàng tỷ đồng. Trong khi trung bình mỗi ngày Công ty xuất hàng trăm tấn hàng nên việc dừng sản xuất đã khiến Công ty bị cắt một số đơn đặt hàng. Để khắc phục hậu quả của bão nhanh chóng, Công ty không mong muốn gì hơn là các cơ quan chức năng, nhất là phía công ty bảo hiểm cần thẩm định một cách chính xác mức độ thiệt hại của Công ty để có phương án chi trả thỏa đáng.

(Còn nữa)
Thu Thủy

  • Từ khóa