Thứ 5, 01/08/2024, 13:15[GMT+7]

Giúp doanh nghiệp ổn định sau bão

Thứ 4, 17/08/2016 | 09:36:02
845 lượt xem

Cán bộ Sở Công Thương xuống nắm tình hình doanh nghiệp khắc phục hậu quả bão số 1.

 

(Tiếp theo và hết)

 

Bài 3: GỠ KHÓ CHO DOANH NGHIỆP

 

Những năm qua, tỉnh ta duy trì nhiều cuộc đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tích cực vào cuộc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của tỉnh, nhiều ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp đã được giải quyết kịp thời, tạo khởi sắc cho cộng đồng doanh nghiệp, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh.

 

Những đóng góp không nhỏ của cộng đồng doanh nghiệp

 

Mặc dù còn nhiều khó khăn song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, những năm qua, các doanh nghiệp trong tỉnh đã có nhiều khởi sắc. Bên cạnh việc duy trì ổn định hoạt động, các doanh nghiệp không ngừng mở rộng sản xuất, kinh doanh cả về bề rộng lẫn chiều sâu, đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của sản phẩm. Không chỉ đóng góp vào ngân sách nhà nước, tạo việc làm cho 157.000 lao động với thu nhập bình quân từ 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng, các doanh nghiệp còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, ủng hộ quỹ nạn nhân chất độc da cam, xây dựng nhà cho đối tượng chính sách, đóng góp tích cực vào phong trào xây dựng nông thôn mới. Năm 2015, tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh tăng 9,76%, giá trị sản xuất tăng 11,2% so với năm 2014, đạt cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Đặc biệt, sản xuất công nghiệp có sự phục hồi rõ rệt, tăng 14,68% so với năm trước, trong đó nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng trưởng mạnh, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,3 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Thu ngân sách trên địa bàn lần đầu tiên đạt gần 5.900 tỷ đồng. Những thành tích đó có đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Điển hình như Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen hàng năm đều đứng đầu tỉnh về số nộp ngân sách nhà nước (năm 2015 đã nộp gần 600 tỷ đồng). Hay Công ty Cổ phần Damsan, tuy còn gặp nhiều khó khăn song không chỉ duy trì và phát triển từ 1 nhà máy lên 3 nhà máy, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động mà còn đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh bình quân trên 60 triệu USD/năm. Ngoài ra, Công ty còn đi đầu trong lĩnh vực xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, qua đó đã giải quyết được một phần nhu cầu về nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp trên địa bàn, hướng người dân lựa chọn ở nhà chung cư, tiết kiệm đất đai đô thị, thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn tỉnh. 

 

Ðồng hành cùng doanh nghiệp

 

 

Công ty TNHH Liên Hạnh phục hồi sản xuất đáp ứng nhu cầu khách hàng.

 

Ông Phạm Ngọc Kế, Phó Giám đốc Sở Công Thương khẳng định: Đóng góp của các doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là rất lớn song để giúp các doanh nghiệp giải quyết khó khăn, nhất là việc sớm ổn định sản xuất ngay sau bão số 1 xảy ra từ đêm ngày 27/7, toàn bộ cán bộ Sở Công Thương đã xuống các doanh nghiệp để nắm bắt tình hình thiệt hại, đồng thời động viên các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất, giảm thiểu tối đa thiệt hại do bão gây ra. Ngành cũng đã tham mưu với UBND tỉnh thành lập hai đoàn công tác để xác định thiệt hại của các doanh nghiệp. Chỉ trong vòng một tuần, từ ngày 1 - 8/8, hai đoàn công tác gồm cán bộ của 7 sở, ban, ngành đã đánh giá được mức độ thiệt hại của gần 70 doanh nghiệp ở tất cả các huyện, thành phố. Theo ông Kế, một trong những vấn đề các doanh nghiệp cần nhất sau bão đó là việc phục hồi hệ thống điện và hệ thống thông tin liên lạc cũng như các dịch vụ kèm theo trong quá trình sản xuất. Do đó, ngành Công Thương đã đề xuất với các ngành liên quan như ngành điện, ngân hàng và viễn thông nhanh chóng giúp đỡ doanh nghiệp khắc phục sự cố trong thời gian sớm nhất. Các ngành đã vào cuộc rất tích cực, huy động tổng lực quân số để  giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất trở lại. Ngoài ra, ngay sau bão, nhiều doanh nghiệp lớn đã được phía bảo hiểm thuê các công ty giám định đánh giá và tính toán mức độ thiệt hại, tuy nhiên phần lớn vẫn chưa đưa ra được kết luận và tính toán được mức độ bồi thường cho các doanh nghiệp. Vì vậy, một số doanh nghiệp vẫn phải dừng sản xuất do phải đợi đánh giá, kết luận từ phía các công ty bảo hiểm. Qua đây đề nghị cơ quan bảo hiểm nhanh chóng xác định mức độ và giá trị thiệt hại để doanh nghiệp sớm khắc phục hậu quả do bão gây ra, nhanh chóng đi vào sản xuất.

 

 

Ông Ðinh Ngọc Thạch, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh

 

 Căn cứ mức độ thiệt hại của các doanh nghiệp và các hộ sản xuất, ngành Ngân hàng sẽ thực hiện giãn nợ, hạ lãi suất, cho vay thêm vốn để tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất, khắc phục hậu quả do bão số 1 gây ra. Trường hợp thiệt hại nặng có thể được khoanh nợ. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đang tổng hợp tình hình thiệt hại của các doanh nghiệp có vay vốn ngân hàng để thực hiện theo đúng quy trình. Phối hợp với Sở Tài chính cùng cấp ủy, chính quyền địa phương xác nhận mức độ thiệt hại để lập biên bản trình tỉnh, sau đó báo cáo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Chính phủ để xử lý. Dự kiến tới cuối tháng 8 sau khi tổng hợp xong số liệu sẽ thực hiện quy trình trên.

 

Ông Trần Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Công ty Ðiện lực Thái Bình

 

Xác định là đơn vị phục vụ cho tất cả các doanh nghiệp nên trước khi bão số 1 đổ bộ, Công ty đã gửi các công điện tới điện lực các huyện, thành phố chủ động thực hiện công tác phòng, chống bão. Ngay sau bão, Công ty đã yêu cầu các đơn vị đi kiểm tra, thống kê thiệt hại để có phương án khắc phục, đồng thời tổ chức họp toàn thể lãnh đạo các đơn vị để phân công nhiệm vụ, kêu gọi 23 đơn vị thi công với khoảng 600 người tham gia khắc phục và đôn đốc các đơn vị nhanh chóng cung cấp cột, xà, sứ, đường dây bảo đảm khắc phục sự cố nhanh nhất. Với tinh thần làm việc thần tốc, nhiệt tình, trách nhiệm cộng với sự chủ động trong công tác chuẩn bị nhân lực, vật tư, tới sáng ngày 29/7, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được cấp điện ổn định trở lại, thực hiện sản xuất bình thường.   

 

Ông Ðặng Hồng Kỳ, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh

 

Nhằm động viên, chia sẻ với các doanh nghiệp trong lúc khó khăn, ngay sau khi bão tan, sáng ngày 29/7, Cục Thuế tỉnh đã có thông báo gửi các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về chính sách và thủ tục gia hạn, miễn, giảm thuế đối với các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do bão gây ra. Ngoài ra, ngành Thuế đã quan tâm, trao đổi, hỏi thăm tình hình thiệt hại của các doanh nghiệp, tham gia trực tiếp với hai đoàn công tác của tỉnh xác định mức độ thiệt hại của các doanh nghiệp để làm căn cứ xét miễn, giảm thuế cho các doanh nghiệp; phân công cụ thể các phòng của Cục và các chi cục liên hệ, hướng dẫn các doanh nghiệp làm thủ tục theo đúng cơ chế, chính sách. Bộ phận một cửa của các chi cục và Cục Thuế tỉnh sẵn sàng giải đáp những vướng mắc của các doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục, hồ sơ để được hưởng chính sách.

 

Thu Thủy

  • Từ khóa