Thứ 2, 29/07/2024, 21:21[GMT+7]

Ngành Công thương Thái Bình Dồn sức cho hai nhiệm vụ trọng tâm

Thứ 2, 28/03/2011 | 08:01:47
1,422 lượt xem
Trong bối cảnh tình hình lạm phát diễn biến phức tạp, chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng tăng cao, ngành Công thương đã đặt ra cho mình hai nhiệm vụ trọng tâm để dồn sức thực hiện.

Xưởng dệt khăn xuất khẩu tại cụm CN Phương La (Hưng Hà)

Đó là phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành góp phần kiềm chế lạm phát, bảo đảm ổn định thị trường cung- cầu hàng hoá. Đồng thời đẩy mạnh sản xuất- kinh doanh, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu về giá trị sản lượng, tốc độ tăng trưởng, kim ngạch xuất- nhập khẩu đặt ra cho năm 2011.

Để góp phần ngăn chặn lạm phát leo thang, Sở chủ trì phối hợp với Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) nắm bắt kịp thời diễn biến tình hình thị trường trong và ngoài nước, theo dõi sát sao tình hình cung- cầu, giá cả hàng hoá để tham mưu đề xuất các giải pháp điều tiết cung- cầu, bình ổn giá với những mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá. Đa dạng các kênh lưu thông và phân phối hàng hoá, chú trọng phát triển hệ thống chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, cửa hiệu và các hộ kinh doanh cá thể.

Nghiên cứu xây dựng thí điểm mô hình tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp theo hình thức: Doanh nghiệp- Liên hiệp HTX- HTX- Nông dân hoặc Doanh nghiệp- Hộ kinh doanh- Nông dân để từng bước hình thành các kênh lưu thông hàng hoá ổn định có lợi cho cả người sản xuất và doanh nghiệp.

Tổ chức thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý thị trường, tập trung kiểm tra việc chấp hành pháp lệnh giá, niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết. Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường các hoạt động chuyên môn nhằm kiểm soát giá cả, thị trường, ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật về thương mại và thị trường.

Phối hợp với ngành y tế và các huyện, thành phố có biện pháp kiểm soát giá thuốc chữa bệnh và giá sữa. Phối hợp với Sở Tài chính tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp lệnh giá với nhóm mặt hàng thiết yếu thuộc diện bình ổn như sắt, thép, phân bón, xăng dầu, lương thực- thực phẩm... Chỉ đạo các phòng chuyên môn và các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất- kinh doanh thực hành tiết kiệm trong sinh hoạt và sản xuất, nhất là tiết kiệm nguyên liệu đầu vào và tiết kiệm năng lượng.

Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới dây chuyền thiết bị theo hướng đồng bộ và hiện đại để tiết kiệm nguyên liệu và tiêu thụ điện năng; đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất; thay thế các thiết bị chiếu sáng tiêu tốn nhiều điện năng bằng các thiết bị tiết kiệm điện như thay thế đèn sợi đốt bằng đèn compac...

Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá, nhất là với những mặt hàng mà tỉnh ta có thế mạnh như: Nông sản, hải sản, quần áo may sẵn, xi măng trắng, gạch ốp- lát, dệt khăn... Đồng thời chỉ cho phép nhập khẩu những mặt hàng mà trong nước chưa sản xuất được, chủ yếu là máy móc thiết bị và nguyên liệu phục vụ sản xuất; hạn chế nhập khẩu những mặt hàng tiêu dùng xa xỉ và những sản phẩm trong nước đã có hàng thay thế.

Đi liền với các giải pháp góp phần kiềm chế lạm phát, ngành chủ trương đẩy mạnh sản xuất công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh. Phấn đấu giá trị sản xuất CN- TTCN năm 2011 đạt 12.540 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2010. Muốn vậy cần chú trọng phát triển cả công nghiệp tập trung và cả khu vực nghề, làng nghề. Đi sâu, đi sát với doanh nghiệp, kịp thời đề xuất với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đưa ra các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn giúp cơ sở sản xuất- kinh doanh phát triển ổn định. Khuyến khích doanh nghiệp phát triển và mở rộng quy mô theo chiều sâu, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp như cơ khí, chế biến NS- TP, phân bón, thuốc BVTV...

Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư vào các khu- cụm công nghiệp, ưu tiên thu hút những dự án có vốn đầu tư lớn, giá trị sản xuất cao, ít ô nhiễm môi trường như điện, điện tử, công nghiệp phụ trợ, những dự án sử dụng công nghệ hiện đại. Hướng các dự án đầu tư chế biến NS-TP, các doanh nghiệp làng nghề, các dự án sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giầy vào mạng lưới các cụm công nghiệp. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án có quy mô lớn, điển hình như dự án Trung tâm điện lực Thái Bình tại xã Mỹ Lộc (Thái Thụy)...

Tiếp tục hỗ trợ đào tạo, phát triển nghề mới, có biện pháp tháo gỡ giúp các làng nghề hoạt động kém sớm khôi phục và phát triển sản xuất. Đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án năng lượng nông thôn (RE II) mở rộng cho 34 xã, đồng thời đầu tư nâng cấp, cải tạo một số hệ thống lưới điện trung- cao áp nhằm cung cấp điện ổn định phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Chỉ đạo xây dựng kế hoạch cung ứng điện bảo đảm công bằng, hợp lý vừa đáp ứng tối đa nhu cầu điện sản xuất, vừa phục vụ nhu cầu dân sinh.

Ngoài ra, ngành chủ trương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trên tất cả các mặt. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho các phòng ban và đơn vị trực thuộc. Xây dựng và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, giảm thiểu những văn bản không cần thiết, đơn giản hoá thủ tục hành chính trong việc cấp giấy phép, giấy chứng nhận... theo Đề án 30 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Tăng cường đầu tư hạ tầng CNTT; xây dựng đề tài áp dụng quản lý theo tiêu chuẩn ISO tại cơ quan Sở và tích cực tham gia vào dự án cổng thông tin điện tử của tỉnh...

Bài, ảnh: Vũ Mạnh

  • Từ khóa