Thứ 4, 09/10/2024, 15:14[GMT+7]

Ủy ban nhân dân tỉnh nghe và cho ý kiến về một số nội dung quan trọng

Thứ 6, 23/09/2016 | 16:47:52
1,505 lượt xem
 Chiều ngày 23/9, UBND tỉnh họp nghe và cho ý kiến về Đề án sản xuất vụ xuân, vụ hè năm 2017; Kế hoạch quai đê lấn biển, phát triển quỹ đất giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch phát triển vận tải biển trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo.

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Phạm Hưng

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị, địa phương dự họp.

Theo Đề án, vụ lúa xuân năm 2017, toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy trên 79.500ha, năng suất đạt 71 tạ/ha trở lên; cây màu xuân gieo trồng 14.080ha trở lên; cây màu hè 9.000ha. Cơ cấu vụ lúa xuân gieo cấy bằng 100% giống ngắn ngày, trong đó 35% lúa thuần chất lượng cao, 40% trở lên lúa thuần năng suất cao, 25% lúa lai. Về Kế hoạch quai đê lấn biển, ngoài dự án nắn tuyến đê biển số 8 từ K26+700 đến K31+700 kết hợp giao thông huyện Thái Thụy đã được UBND tỉnh phê duyệt, kế hoạch xây dựng thêm 4 vùng quai đê lấn biển phát triển quỹ đất tại hai huyện Tiền Hải và Thái Thụy sẽ mở rộng được từ 2.678ha đến 3.683ha với tổng chiều dài các tuyến dự kiến từ 29,29km đến 33,08km tùy theo phương án nắn tuyến.

Mục tiêu của Kế hoạch phát triển vận tải biển trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải biển, đáp ứng nhu cầu vận tải biển nội địa, nâng cao thị phần vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu kết hợp chở thuê hàng hóa nước ngoài trên các tuyến vận tải biển. Phấn đấu khối lượng hàng hóa do đội tàu Thái Bình đảm nhận vào năm 2020 khoảng 10,5 triệu tấn, năm 2025 khoảng 13 triệu tấn và đến năm 2030 tăng từ 1,5 - 2 lần so với năm 2025. Phát triển đội tàu biển theo hướng hiện đại, chú trọng phát triển các loại tàu chuyên dùng (tàu container, hàng rời, hàng khô, dầu…) và tàu trọng tải lớn. Giai đoạn 2020, định hướng đến năm 2030 tập trung phát triển đồng bộ bến và luồng vào cảng biển Diêm Điền nhằm khai thác ưu thế tự nhiên, tận dụng khả năng vận tải biển đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của tỉnh. Đến năm 2020 và những năm tiếp theo, Thái Bình có ngành công nghiệp tàu thủy phát triển, có thể đóng mới được tàu hàng tải trọng đến 15.000 DTW, tàu dịch vụ dầu khí, tàu cứu hộ cứu nạn, bảo đảm hàng hải, công trình…

Kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu dự họp để sớm hoàn thành các dự thảo đề án, kế hoạch. Đối với Đề án sản xuất vụ xuân, vụ hè năm 2017, đồng chí yêu cầu các huyện, thành phố căn cứ vào Đề án của tỉnh cần khẩn trương xây dựng đề án của mỗi địa phương bảo đảm phù hợp, sát thực tế, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt thực hiện nghiêm kỷ cương mùa vụ. Ngành Nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong triển khai Đề án, phân công cán bộ sát sao cơ sở, hướng dẫn nông dân sử dụng giống, vật tư, phân bón phù hợp với tập quán canh tác. Các ngành khác căn cứ chức năng, nhiệm vụ tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp để thực hiện Đề án bảo đảm hiệu quả cao nhất. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình căn cứ nội dung Đề án cung ứng giống chất lượng, chủ động nguồn giống dự phòng trong tình huống bất trắc. Hai công ty khai thác công trình thủy lợi Bắc, Nam Thái Bình cần nâng cao năng lực, thường xuyên kiểm tra hệ thống, làm tốt công tác khơi thông dòng chảy. Cơ chế hỗ trợ sản xuất vụ xuân sẽ tập trung hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng và mở rộng vùng sản xuất an toàn theo chuỗi, khuyến khích các địa phương tích tụ đất đai, hỗ trợ thuốc diệt chuột sinh học.

Đối với Kế hoạch quai đê lấn biển, phát triển quỹ đất giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Bên cạnh nhiệm vụ đưa vùng ven biển thành vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, quai đê lấn biển phải bảo đảm tăng cường an ninh chính trị khu vực phòng thủ ven biển; bảo vệ, giữ vững ổn định khu đất bồi phục vụ phát triển dân sinh, kinh tế, ổn định xã hội; quai đê phải gắn với trồng rừng. Ngành Nông nghiệp phối hợp với các ngành nghiên cứu, lập kế hoạch, chỉ rõ phương án quai đê và giải pháp thực hiện. Về nguồn lực thực hiện, ưu tiên đẩy mạnh xã hội hóa.

Đối với Kế hoạch phát triển vận tải biển trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu, đề xuất, xây dựng và hoàn thiện hạ tầng giao thông theo Đề án hiện đại hóa hệ thống giao thông tỉnh Thái Bình đến năm 2020 và những năm tiếp theo đã được UBND tỉnh phê duyệt; Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, các ngành liên quan và UBND các huyện đề xuất chính sách thu hút đầu tư, xây dựng bến cảng, kho bãi; Sở Tài chính phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối, tham mưu UBND tỉnh tìm kiếm nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ vận tải biển; UBND hai huyện Tiền Hải, Thái Thụy tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đồng thời phối hợp với các sở, ngành liên quan thông qua công tác kiểm tra, thống kê sự phát triển và hoạt động của vận tải biển trên địa bàn để giám sát, đánh giá tình hình, đề xuất các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển vận tải biển có hiệu quả bền vững… Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, khó khăn, các sở, ngành, địa phương báo cáo kịp thời về UBND tỉnh để xem xét, tiếp tục chỉ đạo thực hiện.

Lưu Ngần

  • Từ khóa