Thứ 2, 29/07/2024, 21:27[GMT+7]

Tây Ninh Nhiều giải pháp thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế

Thứ 2, 04/04/2011 | 10:31:17
2,041 lượt xem
Nhiều năm chính quyền đạt vững mạnh, vậy kinh tế Tây Ninh chậm phát triển là do đâu? Đó cũng là điều mà Đảng bộ, chính quyền xã trăn trở, quyết tâm khắc phục trong những năm tới.

Góc phố Tây Ninh.

Theo báo cáo của Đại hội đảng bộ xã, nhiệm kỳ 2005- 2010, Đảng bộ Tây Ninh có 4 năm liền liên tục được công nhận là tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh. Thế nhưng, tổng kết 5 năm (2005- 2010), về kinh tế, Tây Ninh lại xếp hạng yếu kém của huyện.

 

Tổng  giá trị sản xuất (theo giá cố định 1994) đạt 27, 34 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân chỉ đạt 13,18%/năm, dưới trung bình về tốc độ tăng trưởng bình quân của huyện (15,7%/năm). Đặc biệt là cơ cấu kinh tế chậm chuyển dịch theo hướng tích cực. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp còn cao (53%); công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chỉ chiếm 30%; thương mại - dịch vụ chiếm 17%. Nhiều năm chính quyền đạt vững mạnh, vậy kinh tế Tây Ninh chậm phát triển là do đâu? Đó cũng là điều mà Đảng bộ, chính quyền xã trăn trở, quyết tâm khắc phục trong những năm tới.

 

Về khách quan, tuy cách thị trấn Tiền Hải không xa, nhưng Tây Ninh không có các đường trục giao thông chính nên không khác các xã nội đồng khác. Mặt bằng ruộng đồng chỗ cao, chỗ trũng khó khăn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

 

Về chủ quan, cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa có sự năng động, sáng tạo. Nhiều người bằng lòng với kết quả của địa phương, của hộ gia đình, thiếu sự tiến thủ trong hội nhập với huyện. Rõ nét nhất là kinh tế nông nghiệp, chỉ so với các xã liền kề như Tây Lương, Tây Sơn... thuận lợi về địa lý không hơn nhưng  năng suất lúa luôn vượt trên Tây Ninh (năm 2010, mới vượt qua “cửa ải” 101tạ/ha).

 

Về sản xuất vụ đông, trong khi phong trào sản xuất vụ đông của huyện đang khởi sắc với cây đậu tương trên đất 2 lúa thì ở Tây Ninh diện tích gieo trồng không đáng kể. Phong trào chăn nuôi của Tây Ninh có chuyển động song còn chậm, toàn xã chỉ có 12 gia trại, quy mô nhỏ lẻ nên tổng đàn lợn bình quân đạt 2.349 con.

 

Do vậy, giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi mới chiếm 30% trong giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, trong khi nhiều xã đã đạt mục tiêu từ 40% trở lên (Nghị quyết 12 của Tỉnh uỷ đưa chăn nuôi chiếm 40% trong giá trị sản xuất nông nghiệp). Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của Tây Ninh những năm gần đây đã có cố gắng.

 

Toàn xã có 300 hộ, 600 lao động làm một số nhóm nghề như mộc, xây dựng, cơ khí, sửa chữa... nhưng quy mô sản xuất nhỏ, tư duy còn khép kín nên chưa thu hút được doanh nghiệp vào đầu tư. Người dân chỉ cần cù với đồng ruộng, chưa tích cực tìm nghề cho gia đình, nên giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của Tây Ninh mới đạt hơn 7, 3 tỷ đồng/năm, chiếm 30% trong cơ cấu kinh tế (bằng với mục tiêu phấn đấu 5- 3- 2 do Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh khoá 15 nhiệm kỳ 1995 - 2000 đề ra). Tây Ninh mới trong diện xoá xã trắng nghề, chứ chưa hình  thành làng nghề. Do điều kiện địa lý nêu trên, cộng với sự năng động chưa cao  nên giá trị sản xuất bình quân thương mại - dịch vụ 5 năm (2005- 2010) chỉ đạt gần 4, 9 tỷ đồng/năm, chiếm tỷ trọng 18,2%, thuộc tốp dưới trung bình của huyện.

 

Mặc dù kinh tế chậm phát triển nhưng cũng phải ghi nhận những mặt được của Tây Ninh. Sau thời kỳ mất ổn định trên diện rộng (1997- 2000), Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo để ổn định xã hội trở lại một cách vững chắc. Qua các đợt học tập Nghị quyết của Đảng về “xây dựng, chỉnh đốn Đảng”, Đảng bộ Tây Ninh càng ngày càng đoàn kết, thống nhất lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội và có những tiến bộ rõ nét.

 

Trong đó, đáng ghi nhận là công tác quản lý của HTX DVNN vào loại khá của huyện: bảo toàn và phát triển được vốn, là HTX đầu tiên và duy nhất của huyện thực hiện được chế độ trả lãi theo vốn góp. Đời sống nhân dân chưa cao, nhưng nhiều phong trào của xã, hoạt động của nhiều đoàn thể đạt thành tích khá, giỏi của huyện.

 

Năm 2011 và những năm tiếp theo, Tây Ninh đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng kinh tế từ 14,4% trở lên với cơ cấu. Để đạt được mục tiêu năng suất lúa 120- 125 tạ /ha và giá trị sản xuất 55- 60 triệu đồng /ha/năm, Tây Ninh tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng đồng ruộng. Đồng thời, đổi mới cơ cấu giống lúa,  đưa tỷ lệ lúa chất lượng cao chiếm 40- 50% tổng diện tích.

 

Về mục tiêu chăn nuôi, xã phấn đấu tăng tổng đàn gia súc và gia cầm bằng cách tạo điều kiện cho các gia đình có điều kiện phát triển thêm các gia trại, trang trại chăn nuôi theo hướng công nghiệp mới. Cùng với đó, tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh  đến hộ gia đình.

 

Đối với công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tiếp tục nhân rộng số hộ làm nghề, tạo điều kiện để hộ phát triển thành doanh nghiệp; tạo điều kiện cho các đoàn thể tiếp thu những nghề mới phù hợp với hội viên, đoàn viên. Xã làm tốt công tác thông tin, tư vấn và các thủ tục thuận lợi để lao động trẻ đi lao động xuất khẩu và làm việc tại các khu công nghiệp của huyện, tỉnh và trong toàn quốc.

 

Về thương mại - dịch vụ, chỉ đạo HTX DVNN, vươn lên đảm nhiệm tốt hơn dịch vụ đầu vào, đầu ra cho nhân dân (kể cả cho các xã lân cận); khuyến khích hộ dân cư tiếp tục mở rộng cơ sở kinh doanh hàng hoá, vận tải, đa dạng các loại hình dịch vụ - kéo thị trường về với nơi sản xuất. Song song với giải pháp phát triển kinh tế, Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể tiếp tục phấn đấu đạt trong sạch vững mạnh, làm điểm tựa để nhân dân trong xã vươn lên mạnh mẽ, đuổi kịp các điển hình tiên tiến của huyện, xứng đáng với truyền thống cách mạng của quê hương “14/10”.

 

Bài, ảnh: Phan Anh

  • Từ khóa