Thứ 3, 30/07/2024, 03:25[GMT+7]

Thái Thụy sẵn sàng ứng phó với bão lũ

Thứ 2, 21/06/2010 | 08:26:52
26,213 lượt xem
Với đặc thù là huyện ven biển có chiều dài đê, hệ thống cống dưới đê nhiều nhất tỉnh, huyện Thái Thụy đã tích cực, chủ động chuẩn bị sớm các yếu tố, điều kiện cần thiết cho công tác phòng chống lụt bão (PCLB) theo phương châm 4 tại chỗ, chống mọi biểu hiện tư tưởng chủ quan, lơ là mất cảnh giác, nhằm đối phó với những diễn biến bất thường của thời tiết, hạn chế tới mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra.

Ảnh minh họa

Ngay trong tháng 4, huyện đã tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm công tác PCLB năm 2009 và triển khai công tác PCLB năm 2010, thành lập BCH-PCLB huyện, cụm, xã và các đơn vị, đồng thời phân công lực lượng kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hệ thống đê, kè, cống, xác định lại các điểm xung yếu, xây dựng các biện pháp phòng chống khi có bão lũ xảy ra. UBND huyện, BCH- PCLB huyện đã tập trung hoàn thành công tác tu bổ, sửa chữa các công trình PCLB như: Kiểm tra, gia cố các cống bị hư hỏng nặng đã hoành triệt, lấy đất dự trữ cho các cống xung yếu, duy tu, bảo dưỡng mặt đê, xử lý các ẩn hoạ trong thân đê. Chỉ đạo, đôn đốc các địa phương làm tốt công tác giải phóng mặt bằng tạo điều kiện cho các đơn vị thi công hoàn thành đúng tiến độ các công trình “Củng cố, bảo vệ và nâng cấp để biển”.

Đến thời điểm này, nhiều tuyến đê đã hoàn thành thi công, nhiều tuyến đê đang gấp rút triển khai thi công phấn đấu hoàn thành kịp với thời gian quy định. Thực hiện phương châm “nhân lực tại chỗ”, Thái Thụy yêu cầu mỗi xã, thị trấn thành lập đội canh coi đê từ 10 đến 30 người, đội cừ sách từ 30 đến 60 người, đội xung kích từ 100 đến 200 người, đội giao thông từ 3 đến 5 người. Các cơ quan tùy vào biên chế để thành lập các đội chống bão đồng thời phải bố trí cán bộ thường trực 24/24 giờ tại cơ quan, đơn vị khi có bão lũ. Lực lượng cán bộ kỹ thuật thuỷ lợi là lực lượng nòng cốt trong công tác PCLB có nhiệm vụ kiểm tra, theo dõi, đánh giá tình hình đê, kè, cống trước, trong và sau lũ bão, lập các phương án ứng cứu kỹ thuật giờ đầu và dự kiến xử lý khi có sự cố xảy ra. Hiện nay, các ban, ngành của huyện đang tổ chức tập huấn cho các lực lượng phục vụ công tác PCLB gồm: Các thành viên BCH-PCLB huyện, cán bộ nòng cốt các cụm xã, cán bộ kỹ thuật thủy lợi, lực lượng xung kích, canh coi đê, cừ sách, bơi lặn, an ninh, thông tin liên lạc...

 Để ứng phó với mọi tình huống xảy ra trong bão lũ, huyện chỉ đạo mỗi xã chuẩn bị từ 2.500 đến 3.000 bao các loại, 500 đến 1.500 tre cây hoặc vật liệu thay cho tre; mỗi hộ chuẩn bị 1 đèn chiếu sáng, 1 bó rào hoặc cành cây, 2 bao tải hoặc bao dứa để khi cần huy động là có ngay. Các xã có đê, kè, cống xung yếu phải lấy đủ lượng đất dự trữ theo chỉ tiêu được giao và chuẩn bị bãi đất tốt, thuận lợi để sẵn sàng lấp cống hoặc xử lý chống sạt, trượt, chống tràn khi cần. BCH-PCLB huyện đã chuẩn bị vật tư cho công tác PCLB gồm: 8.716m3 đá hộc tại các vị trí xung yếu, 2 bộ nhà bạt, 200 phao cứu sinh, 100 phao tròn, 10 áo phao, 47.700 bao các loại, 2 búa tạ, 4 thang dây.

Thái Thụy đã chia toàn bộ hệ thống đê, kè, cống ra thành 10 cụm và giao cho các xã quản lý. Căn cứ vào  thực trạng chất lượng các công trình PCLB, mức độ xung yếu của công trình đê điều huyện phân công cán bộ phục trách, chịu trách nhiệm toàn bộ phương án PCLB và xử lý ứng cứu đầu giờ đối với mọi sự cố về đê, kè, cống. Đối với các xã ven biển, vùng có nguy cơ ngập lụt, BCH – PCLB huyện phân công các đơn vị chịu trách nhiệm làm công tác di dân gồm: BCH quân sự huyện phụ trách xã Thụy Xuân, Thụy Trường, Công an huyện phụ trách xã Thụy Hải, Đồn biên phòng 64 phụ trách Thị trấn Diêm Điền, Đồn biên phòng 68 phụ trách xã Thái Đô. Tiểu ban cứu hộ, cứu nạn và di dân chuẩn bị đủ lực lượng, phương tiện, dụng cụ cần thiết để làm nhiệm vụ cứu hộ trong bão lũ. Kiểm tra, bổ sung phương án di dân ở những xã có dân ngoài đê, ngoài bãi thường bị nước dâng ngập lụt nhất là đối với ngư dân vùng nuôi trồng thuỷ sản, hải sản ngoài đê. Phối hợp với Hải đội 2 tập huấn lực lượng ứng cứu tàu thuyền và ngư dân ven biển để sẵn sàng ứng cứu khi tình huống xấu xảy ra.

Thái Thụy cũng chỉ đạo các xã ven biển, các đơn vị tổ chức tuyên truyền đến từng người làm nghề sông nước, đánh bắt thủy hải sản biết cách phòng hộ, trú ẩn khi có bão, mua sắm đủ phao cứu sinh, cứu hộ mới được ra khơi, chủ động tìm nơi trú ẩn khi gặp bão lốc, biết cách neo đậu tàu thuyền để tránh bị va đập, phát tín hiệu cấp cứu khi gặp nạn. Bắt đầu từ tháng 5, UBND huyện, BCH-PCLB huyện giao cho Đồn biên phòng 64 và 68 kiểm tra chặt chẽ các tàu thuyền ra khơi nhất thiết phải có đủ phao cứu sinh, cứu hộ, không để tàu thuyền ra khơi khi không đủ các phương tiện trên nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.

Đến thời điểm này, các phương án PCLB ở huyện biển Thái Thụy đã sẵn sàng. Tuy nhiên, thời tiết ngày càng diễn biến bất thường và tiềm ẩn những nguy cơ khó lường nên ngoài sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, mỗi người dân cũng cần phải nâng cao ý thức chấp hành nghiêm chỉ đạo của BCH-PCLB huyện, cụm, xã, chuẩn bị các vật tư, phương tiện có thể để đối phó với thiên tai. Với những ngư dân đi biển, những chủ đầm nuôi trồng thuỷ sản, hộ gia đình sinh sống ở vùng dễ ngập lụt nâng cao ý thức cảnh giác phòng ngừa, sẵn sàng dừng các chuyến ra khơi xa, hoặc di dời bất cứ lúc nào khi bão to, lũ lớn xảy ra nếu có lệnh của các cơ quan chức năng.

Vũ Mạnh

  • Từ khóa