Thứ 2, 29/07/2024, 21:19[GMT+7]

Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế

Thứ 5, 07/04/2011 | 07:44:15
1,902 lượt xem
Trước xu thế hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng và toàn diện, thời gian qua UBND tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo các ngành chức năng thực thi đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giúp kinh tế tỉnh ta thích ứng được với xu hướng toàn cầu hoá. Trọng tâm là việc cải cách thủ tục hành chính, mở rộng quan hệ hợp tác đầu tư và tăng cường hoạt động xuất- nhập khẩu.

Sản phẩm thức ăn chăn nuôi do Công ty TNHH Quang Minh (KCN Phúc Khánh) sản xuất đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới. Ảnh: Mạnh Cường.

Trong một sân chơi mà ta không thể tự đặt ra luật lệ riêng thì việc cải cách thủ tục hành chính là tất yếu. Nhận thức rõ điều này, UBND tỉnh đã giao ngành Tư pháp giúp tham mưu rà soát hệ thống các văn bản do HĐND và UBND các cấp ban hành.

 

Năm 2010, chỉ riêng Sở Tư pháp đã giúp Văn phòng UBND tỉnh Thái Bình kiểm tra hơn 32.000 văn bản hành chính cấp huyện; rà soát 154 văn bản do HĐND, UBND tỉnh đã ban hành từ năm 2006 đến nay. Qua kiểm tra, rà soát không phát hiện văn bản nào trái thẩm quyền, không phù hợp với văn bản cấp trên và những cam kết của Việt Namon> khi gia nhập WTO.

 

Bên cạnh đó, các ngành chức năng đã thực hiện rà soát 1.427 thủ tục hành chính, trong đó kiến nghị giữ nguyên 487 thủ tục (chiếm 34,12%), kiến nghị đơn giản hoá 940 thủ tục (gồm bãi bỏ 38 thủ tục hành chính, thay thế 32 thủ tục) và kiến nghị sửa đổi, bổ sung 870 thủ tục. Đi liền với việc cải cách thủ tục hành chính, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp tiếp tục thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

 

Hiện tại, toàn tỉnh có 18/ 18 sở, ban, ngành; 8/ 8 huyện và thành phố; 286/ 286 xã, phường, thị trấn đã tổ chức giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa. Năm 2010, bộ phận một cửa đã tiếp nhận 339.174 hồ sơ, sau tiếp nhận đã xử lý và gửi trả 328.655 hồ sơ, đạt 96,9%. Trong đó, cấp tỉnh đã tiếp nhận 56.790 hồ sơ, gửi trả 55.382 hồ sơ đạt 97,52%; cấp huyện đã tiếp nhận 27.736 hồ sơ, gửi trả 26.430 hồ sơ đạt 95,29%; cấp xã tiếp nhận 254.648 hồ sơ, gửi trả 246.843 hồ sơ đạt 96,93%.

 

Cấp tỉnh đang duy trì và thực hiện tốt cơ chế một cửa liên thông trong hoạt động đầu tư. Năm 2010, bộ phận một cửa liên thông tại BQL các KCN tỉnh đã tiếp nhận 52 hồ sơ, giải quyết 50 hồ sơ; bộ phận một cửa tại Sở KH& ĐT đã tiếp nhận và cấp giấy đăng ký kinh doanh cho 470 doanh nghiệp, 42 chi nhánh và văn phòng đại diện, 2 HTX; cấp thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh cho 635 doanh nghiệp.

 

Đặc biệt tại UBND Thành phố Thái Bình đã triển khai cơ chế một cửa liên thông để giải quyết các thủ tục hành chính về quản lý đất đai, xây dựng cơ bản, chính sách thương binh- xã hội, đăng ký kinh doanh, thuế và môi trường. Năm 2010, bộ phận một cửa liên thông của Thành phố đã tiếp nhận hơn 7.000 hồ sơ, giải quyết 6.890 hồ sơ đạt 99,4%. Đây cũng chính là đơn vị được xếp thứ nhì toàn miền Bắc trong cuộc thi về quy trình tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa liên thông. Chính sự thông thoáng, gọn nhẹ về thủ tục là tiền đề quan trọng góp phần thực hiện hiệu quả hoạt động xúc tiến kêu gọi đầu tư.

 

Năm 2010, UBND tỉnh Thái Bình đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 92 dự án, trong đó 64 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, 26 dự án thuộc lĩnh vực thương mại- dịch vụ và 2 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Vốn đầu tư trung bình của mỗi dự án đạt 54 tỷ đồng; trong đó có 2 dự án quy mô khá lớn là dự án xây dựng Khách sạn 17 tầng của Tập đoàn dầu khí quốc gia với số vốn 485 tỷ đồng và dự án Nhà máy sản xuất giầy dép xuất khẩu của Công ty cổ phần TBS sông Trà với số vốn 593 tỷ đồng.

 

Ngoài ra, UBND tỉnh Thái Bình cũng đã chỉ đạo các ngành Công thương và Nông nghiệp lựa chọn các mặt hàng, sản phẩm là thế mạnh của ngành để tập trung đầu tư nhằm tạo lợi thế cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Ưu tiên phát triển các sản phẩm như rau quả, đồ uống, thuỷ sản, gạch ốp lát, sành- sứ- thuỷ tinh, dệt may, xi măng trắng, da giầy…

 

Năm 2010, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã sản xuất và cung ứng cho thị trường gần 10.000 tấn thuỷ sản, 5.000 tấn thịt gia súc gia cầm, hơn 50 triệu sản phẩm quần áo may sẵn, gần 113 triệu lít bia các loại, 11,456 triệu m2 gạch ốp lát các loại, hơn 10.000 sản phẩm sứ dân dụng…với tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 10.000 tỷ đồng.

 

Bên cạnh phục vụ tiêu dùng trong nước, nhiều sản phẩm đã có mặt trên thị trường quốc tế, điển hình như quần áo may sẵn, khăn bông, mây tre, thuỷ sản…Toàn tỉnh hiện có hơn 100 doanh nghiệp tham gia SX- KD xuất- nhập khẩu. Năm 2010, các doanh nghiệp đã xuất khẩu lượng hàng trị giá 455 triệu USD, chủ yếu là thuỷ sản (6,6 triệu USD), gạo (5,1 triệu USD), thịt lợn sữa (3,8 triệu USD), hàng thủ công mỹ nghệ (4,3 triệu USD), dệt may (346 triệu USD)…Đồng thời, các doanh nghiệp cũng nhập khẩu lượng hàng trị giá 378 triệu USD, chủ yếu là máy móc thiết bị và nguyên liệu phục vụ sản xuất.

 

Mặc dù đạt được nhiều kết quả nổi bật song việc hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh thời gian qua vẫn bộc lộ không ít hạn chế như: Một bộ phận cán bộ và nhân dân vẫn chưa có nhận thức đầy đủ về hội nhập kinh tế quốc tế; hệ thống văn bản pháp luật còn chồng chéo, một số thủ tục hành chính còn gây phiền hà cho doanh nghiệp; cơ sở hạ tầng nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là hạ tầng về giao thông, điện, công nghệ thông tin; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo chuyên môn cơ bản…

 

Vũ Mạnh

  • Từ khóa