Thứ 2, 29/07/2024, 21:26[GMT+7]

Sản xuất vụ lúa xuân 2011 Chưa phải đã hết thách thức

Thứ 5, 14/04/2011 | 15:48:54
1,807 lượt xem
Năm 2011, thời vụ trước và sau cấy lúa xuân đều gặp rét đậm kéo dài nên một số diện tích lúa kém phát triển, thậm chí có diện tích không phát triển, nên hầu hết lúa thân không chắc mập, đẻ nhánh nhỏ...Bởi vậy, đến thời điểm này, mặc dù nhiệt độ tăng cao và có nắng - điều kiện thuận lợi cho lúa đẻ nhánh rộ, phát triển lá mạnh; nhưng nếu không thực sự được chăm sóc tốt thì bài toán về đỉnh cao năng suất là một thách thức lớn.

Trong những ngày qua, nhiệt độ tăng cao và có nắng đã tạo thuận lợi cho gần 83 nghìn ha lúa xuân trong tỉnh đẻ nhánh rộ, lá mới phát triển mạnh. Theo quan sát  thực tế, hiện các cánh đồng ở Đông Hưng, Hưng Hà...lúa đã đẻ kín đất, lá phát triển cao thêm 4-6 cm so với những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4.

 

Ông Trần Xuân Định, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết, hiện toàn bộ diện tích lúa trong tỉnh đã cơ bản chăm sóc xong; hầu hết lúa cấy đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ, lúa gieo thẳng bắt đầu đẻ nhánh. Tuy nhiên, do thời tiết rét đậm kéo dài từ đầu tháng 3 đến nay nên đã làm lúa sinh trưởng chậm hơn so với vụ xuân trước; một số giống chịu rét yếu như Bắc thơm 7, T10, QR1...hồi phục và đẻ nhánh chậm. Vụ lúa xuân 2011, dự kiến sẽ kéo dài 10 – 20 ngày so với lịch thời vụ, đây là thách thức lớn cho sản xuất vụ xuân, cũng như định hướng mở rộng trà lúa mùa sớm để tạo quỹ đất trồng cây vụ đông ưa ấm. Trước thực trạng trên, ngành nông nghiệp đã chủ động chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nông dân tập trung chăm sóc lúa xuân để bảo đảm giành thắng lợi toàn diện.

 

Từ đấu vụ lúa xuân đến nay, các cấp, ngành, cùng bà con nông dân đã nhọc nhằn ứng phó với bao khó khăn của thời tiết, rét đậm, rét hại kéo dài làm nhiều diện tích mạ chết phải gieo lại, lúa cấy sinh trưởng chậm. Ông Trần Xuân Định cho biết, ngay từ đầu vụ nền nhiệt trong tháng 12/2010 và tháng 1/2011 đã làm cho gần 750 ha mạ bị ảnh hưởng nặng nề, có gần 400 ha mạ bị chết, sức sống của mạ còn lại yếu.Khi cấy, thời tiết chưa hoàn toàn thích hợp, do đó lúa sinh trưởng phát triển chậm, một số giống chịu rét yếu phục hồi sau cấy kém, có ruộng phải tỉa dặm lại nhiều.

 

Anh Phạm Văn Lâm, cán bộ kỹ thuật Phòng Nông nghiệp &PTNT huyện Đông Hưng cho hay, lúa xuân ở vụ trước thời điểm này đã đẻ nhánh xong, lúa tròn mình và trỗ vào khoảng tuần 3 tháng 5. Song, do rét đạm, rét hại kéo dài nên trong suốt tháng 3 những giống chịu rét kém  hầu như không phát triển; lúa có biểu hiện đỏ lá, rễ đen. Tuy nhiên, ngay khi có nắng ấm nông dân đã tập trung chăm sóc, bón phân thúc đợt 1 nên lúa phục hồi rất nhanh, hiện đã đẻ kín đất, lá mới ra nhiều và vươn cao.

 

Không chỉ riêng ở Đông Hưng mà tại các huyện khác, trong tháng 3 lúa cũng có biểu hiện tương tự, nhưng đến nay đã phát triển xanh tốt và đẻ kín đất. Mặc dù lúa đã sinh trưởng, phát triển bình thường, nhưng những tác động trước đó đã gây ảnh hưởng ít nhiều tới sức rướn của lúa, do đó cần có sự chăm sóc tốt mới có hi vọng vụ xuân giành thắng lợi toàn diện.

 

Ông Trần Xuân Định chia sẻ, để vụ lúa xuân giành thắng lợi, ngành nông nghiệp đã yêu cầu Phòng Nông nghiệp các huyện, thành phố hướng dẫn nông dân chăm sóc lúa xuân theo biện pháp của Sở Nông nghiệp &PTNT. Cụ thể, những diện tích lúa chưa đẻ nhánh hoặc đẻ nhánh ít, lá vàng, rễ mới ít, nhất là các diện tích gieo thẳng  bằng giống Bắc thơm 7, T10...cần phun bổ sung phân dinh dưỡng qua lá, kết hợp bón phân NPK chuyên thúc; cào sục bùn nhẹ cho đất thông thoáng, giữ nước mặt ruộng để thúc lúa đẻ nhánh nhanh, sớm.

 

Đối với những ruộng chua phèn, đất xấu thường bị nghẹt rễ hoặc vàng lá phải bón thêm phân hữu cơ hoai mục, phân Azotobacterin; ruộng chua, rong nhiều bón thêm vôi, kết hợp phun đồng sulphat. Khi lúa đẻ kín đất, bón 3 – 5 kg kali Clorua, kết thúc bón chậm nhất đến ngày 20/4 để tạo điều kiện lúa làm đòng, trỗ bông nhanh, gọn. Cùng với việc bón phân, mực nước trong ruộng phải điều chỉnh hợp lý cho từng giai đoạn sinh trưởng của lúa. Giai đoạn lúa đẻ nhánh giữ nước nông mặt ruộng từ 3 -5  cm; lúa đẻ kín đất rút nước phơi ruộng 5- 7 ngày để giúp bộ rễ ăn sâu; lúa làm đòng, trỗ đến khi chín luôn giữ nước từ 5 – 7  cm.

 

Ngoài ra các địa phương phải thường xuyên kiểm tra sinh trưởng, phát triển của lúa, sâu bệnh trên đồng ruộng để ứng phó kịp thời. Tiếp tục chiến dịch diệt chuột và ốc bươu vàng bằng các biện pháp thủ công và hoá học. Riêng ốc bươu vàng nông dân có thể sử dụng lá trầu không băm, giã rắc đều trên ruộng, nhất là những nơi có mật độ cao để diệt trừ...

 

Theo kinh nghiệm của nhiều nông dân, năm nào gieo cấy  muộn hơn so với lịch thời vụ, khi cấy lại gặp thời tiết bất thuận...thì năm đó được mùa lớn. Song, đây là những nhận định chủ quan, vì thực tế những vụ được mùa này là do sau cấy gặp thời tiết thuận lợi tạo điều kiện cho lúa hồi sinh nhanh, bén rễ khoẻ, sinh trưởng tốt...nên đạt năng suất cao.  Nhưng năm nay, thời vụ trước và sau cấy lúa đều gặp rét đậm kéo dài nên một số diện tích lúa kém phát triển, thậm chí có diện tích không phát triển, nên hầu hết lúa thân không chắc mập, đẻ nhánh nhỏ...Bởi vậy, đến thời điểm này, mặc dù nhiệt độ tăng cao và có nắng - điều kiện thuận lợi cho lúa đẻ nhánh rộ, phát triển lá mạnh; nhưng nếu không thực sự được chăm sóc tốt thì bài toán về đỉnh cao năng suất là một thách thức lớn. Do đó, để bảo đảm vụ xuân giành thắng lợi, không hơn ai hết chính là những người nông dân cần tập trung dốc sức cho việc chăm sóc, bảo vệ lúa xuân theo đúng kỹ thuật của ngành nông nghiệp đã hướng dẫn.

 

Hiện Sở Nông nghiệp &PTNT đã chỉ đạo Trung tâm khảo nghiệm khuyến nông và khuyến ngư, Chi cục bảo vệ thực vật, Phòng trồng trọt, các công ty thuỷ lợi Bắc, Nam phân công cán bộ phối hợp với các địa phương kiểm tra, hướng dẫn nông dân các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, điều tiết nước hợp lý cho từng giai đoạn sinh trưởng của lúa.

 

Bài: Nguyên Bình

Ảnh: Thành Tâm

 

  • Từ khóa