Thứ 2, 29/07/2024, 21:27[GMT+7]

Các doanh nghiệp sản xuất VLXD: Phát triển hướng nào để thực sự là ngành công nghiệp mũi nhọn

Thứ 6, 15/04/2011 | 15:39:42
2,073 lượt xem
Mặc dù là ngành giữ vị trí, vai trò quan trọng, đóng góp giá trị sản lượng lớn cho toàn ngành công nghiệp; song các doanh nghiệp sản xuất VLXD vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế và đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.

Dây chuyền sản xuất ở nhà máy Viglacera Thái Bình. Ảnh: Thành Tâm

Thời gian qua, ngành sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng, sành sứ, thủy tinh trên địa bàn tỉnh ta có bước phát triển khá toàn diện cả về quy mô và số lượng. Sự ra đời của các doanh nghiệp sản xuất VLXD không chỉ đóng góp giá trị sản lượng lớn cho ngành công nghiệp nói chung mà còn tạo việc làm ổn định cho hàng chục ngàn lao động. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp tham gia sản xuất VLXD đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là những khó khăn do lạm phát leo thang, lãi suất tín dụng quá cao, thiếu điện và nguồn khí mỏ phục vụ sản xuất…

  

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh ta đang có 66 doanh nghiệp tham gia sản xuất VLXD, sành sứ và thuỷ tinh. Trong đó có 39 doanh nghiệp sản xuất mặt hàng VLXD, 19 doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng sành sứ và 8 doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng thuỷ tinh. Hầu hết các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này đều tập trung tại KCN Tiền Hải do có lợi thế về nguồn khí mỏ tự nhiên. Đây cũng là một trong những KCN có diện tích lớn nhất và ra đời thuộc loại sớm nhất tỉnh.

 

 

Năm 2010 vừa qua, các doanh nghiệp này đã tạo ra giá trị sản lượng lên tới 1.680 tỷ đồng, tăng 15,8% so với năm 2009 và đóng góp 16,48% cho tổng giá trị sản xuất chung của toàn ngành công nghiệp. Nhiều mặt hàng VLXD, sành sứ, thuỷ tỉnh do các doanh nghiệp đứng chân trên mảnh đất Thái Bình sản xuất ra với số lượng khá lớn nhưng vẫn tiêu thụ hết và được thị trường đánh giá cao. Điển hình như Gạch ốp lát các loại đạt sản lượng 11,5 triệu m2, sứ vệ sinh 656.000 sản phẩm, gạch bloc  3,8 triệu viên, gạch xây tuy- nel 611 triệu viên, xi măng hơn 40.000 tấn, sứ dân dụng khoảng 10,4 triệu sản phẩm, thuỷ tinh các loại đạt gần 9.400 tấn…

 

Một số doanh nghiệp đã xây dựng được thương hiệu của mình trên thị trường trong và ngoài nước như sản phẩm sứ vệ sinh của Công ty sứ Đông Lâm, Công ty sứ Hảo Cảnh; sản phẩm thuỷ tinh của Công ty thuỷ tinh- pha lê Việt- Tiệp; sản phẩm gạch ốp lát của Công ty Vilacera, Công ty cổ phần gạch ốp lát Thái Bình, Nhà máy gạch ốp lát Mikado…Không chỉ tạo ra giá trị sản lượng tương đối lớn cho ngành công nghiệp, hàng năm các doanh nghiệp sản xuất VLXD còn đóng góp cho ngân sách Nhà nước gần 50 tỷ đồng và tạo việc làm cho khoảng 22.000 người, đồng thời là ngành có mức lương tương đối ổn định so với các ngành khác. Thu nhập trung bình của công nhân ngành VLXD đạt từ 1,7- 2,3 triệu đồng/ người/ tháng; một số doanh nghiệp còn đạt mức thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng/ người/ tháng như Nhà máy gạch Mikado, Công ty cổ phần gạch ốp lát Thái Bình, Công ty cổ phần VLXD Thái Bình, Công ty cổ phần xi măng…

  

 

 Mặc dù là ngành giữ vị trí, vai trò quan trọng, đóng góp giá trị sản lượng lớn cho toàn ngành công nghiệp song các doanh nghiệp sản xuất VLXD vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế và đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Nổi lên là hệ thống máy móc, thiết bị, công nghệ của nhiều đơn vị còn lạc hậu, chưa đồng bộ, chủ yếu là dây chuyền máy móc mua về từ Trung Quốc dẫn tới năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao, mẫu mã không đa dạng. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là trong nước, sản phẩm xuất khẩu còn quá ít, đa số xuất qua đường tiểu ngạch sang các nước Lào, Campuchia…Một số doanh nghiệp sản xuất VLXD, nhất là các nhà máy gạch tuy-nel đang thiếu nghiêm trọng nguồn nguyên liệu tại chỗ do chưa có quy hoạch vùng nguyên liệu rõ ràng.

 

Phần lớn các doanh nghiệp đều thiếu vốn để mở rộng sản xuất, trong khí giá nguyên liệu đầu vào tăng liên tục và đứng ở mức cao làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất- kinh doanh. Riêng những doanh nghiệp tại KCN Tiền Hải còn gặp phải nhiều khó khăn khác do hệ thống hạ tầng KCN về giao thông, điện, cấp thoát nước chưa hoàn thiện; xuất hiện tình trạng cạnh tranh thu hút lao động không lành mạnh giữa các doanh nghiệp gây xáo trộn sản xuất của một số đơn vị. Đặc biệt nguồn khí mỏ vốn được coi là thế mạnh của KCN Tiền Hải đang cạn kiệt, không đáp ứng được nhu cầu sản xuất, nhiều doanh nghiệp phải sử dụng các nguyên liệu khác như gas, dầu FO, dầu DO, than hoá khí để thay thế dẫn tới chí phí sản xuất tăng cao, chất lượng sản phẩm kém, giảm năng lực cạnh tranh trên thị trường…

  

Trong chiến lược phát triển chung ngành công nghiệp, tỉnh ta luôn xác định ngành sản xuất VLXD, sành sứ, thuỷ tinh là lĩnh vực mũi nhọn. Chủ trương của tỉnh là khuyến khích các doanh nghiệp phát triển theo chiều sâu, tăng cường đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, giảm giá thành, đa dạng hoá mẫu mã, tăng năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Ưu tiên phát triển các sản phẩm là lợi thế của tỉnh như sứ vệ sinh, gạch ốp lát, xi măng trắng, thuỷ tinh cao cấp, pha lê, gạch tuy-nel, ngói bản mỏng. Hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu sản xuất vật liệu mới, sản phẩm gạch không nung và các sản phẩm trang trí, hoàn thiện công trình. Giữ vững thị trường nội địa, đồng thời từng bước mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước trên thế giới…Muốn vậy, bản thân các doanh nghiệp cần tập trung nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, thực hiện cơ chế linh hoạt trong SX- KD nhằm thích nghi với biến động của thị trường như thường xuyên thay đổi kiển dáng, mẫu mã, kích thước sản phẩm…Đổi mới dây chuyền máy móc, thiết bị, công nghệ theo hướng đồng bộ và hiện đại, nhất là ở những khâu, những công đoạn quyết định đến chất lượng sản phẩm. Sớm thành lập Hiệp hội VLXD, sành sứ, thuỷ tinh để liên kết hội viên cùng nhau phát triển, chống sự cạnh tranh không lành mạnh. Thực hiện triệt để các giải pháp tiết kiệm năng lượng và nguyên liệu đầu vào để hạ giá thành sản phẩm, đồng thời phối hợp chia sẻ chi phí về tiếp thị, thông tin thị trường…

 

Về phía UBND tỉnh và các ngành chức năng sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính nhằm giảm bớt tối đa phiền hà cho doanh nghiệp. Ưu tiên nguồn điện phục vụ sản xuất, nhất là với những doanh nghiệp sử dụng lò nhiệt luyện chu kỳ dài. Phối hợp với Tập đoàn điện lực Việt Nam đẩy nhanh tiến độ cải tạo, nâng cấp, xây dựng một số hệ thống điện trung- cao áp để bảo đảm nguồn điện ổn định cho các khu- cụm công nghiệp. Phối hợp với Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Namon> triển khai việc dẫn khí ngoài khơi vào bờ tạo điều kiện để các doanh nghiệp tại KCN Tiền Hải có bước phát triển đột phá trong thời gian tới. Sớm bố trí vốn để đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống hạ tầng KCN Tiền Hải về giao thông, điện, cấp thoát nước. Xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu cho các doanh nghiệp sản xuất gạch tuy-nel…

  

Với các giải pháp nói trên, ngay trong năm 2011 này các doanh nghiệp sản xuất VLXD, sành sứ, thuỷ tinh phấn đấu đạt giá trị sản xuất 2.033 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2010 và chiếm tỷ trọng 16,2% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp.

 

Bài: Vũ Mạnh

Ảnh: Thành Tâm

 

 

  • Từ khóa