Thứ 7, 11/05/2024, 17:37[GMT+7]

Triển khai một số nhiệm vụ cấp bách chỉ đạo sản xuất vụ đông xuân 2011

Thứ 4, 20/04/2011 | 08:17:47
1,587 lượt xem
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích lúa xuân toàn tỉnh gieo cấy 82.739ha, tăng 7,4% so với vụ xuân năm 2010. Hiện nay, diện tích lúa xuân cấy đại trà đang ở giai đoạn đẻ nhánh và đẻ nhánh rộ. Về cây màu xuân: toàn tỉnh gieo trồng 11.218ha, tăng 7,92% so với cùng kỳ năm trước.

Nông dân xã Phú Xuân - Thành phố chăm sóc lúa xuân. Ảnh: Thành Tâm

Trong thời gian vừa qua, do có nhiều đợt rét, độ ẩm không khí lớn, số giờ nắng trong ngày thấp đã hạn chế quá trình hấp thu dinh dưỡng, quang hợp và đẻ nhánh của cây lúa, dẫn tới lúa sinh trưởng, phát triển chậm và đẻ nhánh muộn. Nhiều diện tích lúa cấy cuối tháng 2, đầu tháng 3 chưa đẻ nhánh, một số diện tích lúa bị nghẹt rễ, vàng lá.

 

Để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của thời tiết, bảo đảm sản xuất vụ đông xuân năm 2011 giành thắng lợi, góp phần vào kế hoạch tăng trưởng kinh tế chung của toàn tỉnh, UBND tỉnh đã yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan chỉ đạo thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc lúa kịp thời.

 

Với lúa gieo cấy sớm đã bón thúc đợt 2, đang chuẩn bị phân hóa đòng, cần tăng cường chăm sóc, không bón thêm đạm để hạn chế lúa đẻ lai rai, tập trung bón nuôi đòng, đặc biệt tăng cường bón kali để tăng số hạt chắc trên bông. Với lúa gieo cấy mới bón thúc đợt 1, đã đến kỳ bón thúc đợt 2, cần phải bón thúc ngay; bón đủ lượng, bón cân đối N:P:K. Nếu lúa có biểu hiện  vàng lá, nghẹt rễ, khi bón thúc nên kết hợp làm cỏ, sục bùn, bón thêm vôi bột, tăng cường sử dụng phân chuồng hoai mục, phân hữu cơ vi sinh kết hợp với phân bón lá.

 

Với lúa gieo cấy muộn chưa bón thúc phải khẩn trương bón thúc ngay, bón cân đối N:P:K, tăng cường sử dụng phân NPK tổng hợp. Trên các chân ruộng nghèo dinh dưỡng, khả năng giữ nước kém có thể kết hợp phun bổ sung dinh dưỡng bằng các loại phân bón lá, duy trì mực nước trên ruộng từ 2- 3cm, để lúa đẻ nhánh, sinh trưởng, phát triển nhanh.

 

Với diện tích lúa vùng chua trũng có biểu hiện bị nghẹt rễ, vàng lá cần làm cỏ, sục bùn, thay nước, đồng thời bón bổ sung vôi bột, phân lân super hoặc phân vi sinh tổng hợp kết hợp phun phân bón qua lá. Chỉ bón thêm đạm cho lúa bị nghẹt rễ sau khi đã làm cỏ, sục bùn, bón thêm vôi bột, phân lân super hoặc phân vi sinh... và khi cây lúa có biểu hiện phục hồi ra rễ, lá mới. Đối với lúa gieo thẳng, khẩn trương kết thúc tỉa, dặm, bón thúc tập trung, cân đối N:P:K, giữ mực nước 2 -3 cm để thúc đẩy lúa đẻ nhánh , sinh trưởng, phát triển tốt.

 

Bên cạnh đó, hướng dẫn nông dân thường xuyên thăm đồng, phát hiện và phòng trừ kịp thời sâu bệnh hại lúa, đặc biệt với các đối tượng như rầy, bệnh lùn sọc đen, bệnh đạo ôn. Chủ động phát hiện kịp thời những diện tích lúa bị nhiễm bệnh lùn sọc đen, nhổ, vùi ngay khóm lúa bị bệnh; phân loại mức độ nhiễm bệnh và tuân thủ triệt để hướng dẫn về phương pháp phòng trừ bệnh lùn sọc đen hại lúa của ngành Bảo vệ thực vật.

 

Khả năng lúa đông xuân 2010 – 2011 sẽ trỗ muộn hơn so với mọi năm, một số diện tích sản xuất giống không kịp thu hoạch để chuyển vụ, vì vậy cần chủ động bố trí lịch gieo cấy, cơ cấu giống và các giải pháp kỹ thuật phù hợp, chuẩn bị đủ giống và vật tư cho vụ hè thu, vụ mùa năm 2011.

 

UBND tỉnh cũng đã yêu cầu các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan phân công lãnh đạo, cán bộ chuyên môn bám sát cơ sở, tăng cường công tác dự tính, dự báo, hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm khắc phục ảnh hưởng của thời tiết, sâu bệnh hại đến sinh trưởng, phát triển của lúa. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện đại chúng, thường xuyên đưa tin chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại lúa để nông dân nắm bắt và áp dụng trong sản xuất đạt hiệu quả.

 

Quang Minh

  • Từ khóa