Thứ 2, 29/07/2024, 21:26[GMT+7]

Đi chợ thời "bão giá"

Thứ 6, 29/04/2011 | 15:53:05
2,570 lượt xem
Mấy tháng nay, đề tài nóng nhất được nhắc đi nhắc lại nhiều lần của cánh chị em phụ nữ khi ngồi với nhau không còn là chuyện quần áo, giày dép, trang điểm, làm đẹp hàng ngày nữa mà là chuyện đi chợ thời “ bão giá”. Giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày cứ tăng vù vù khiến ai cũng lo lắng bởi túi tiền thì cứ vơi đi mà chất lượng bữa ăn lại giảm dần.

Trước kia, nghe đến các từ “lạm phát”, “bão giá” nhiều người thấy còn xa lạ, cho là vấn đề của nền kinh tế vĩ mô, tầm giải quyết thuộc về các nhà hoạch định chính sách. Nhưng giờ đây, “bão giá” đang ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của mỗi gia đình. Giá cả tăng hàng ngày, chứ không mang tính thời điểm nữa, mặt hàng nào tăng ít cũng từ 5 đến 10%, nhiều tới 50%, thậm chí gấp đôi.

 

Ngày trước, một bữa cơm tươm tất của gia đình 3 người chỉ mất từ 30 đến 40 ngàn đồng, nhưng giờ cầm khoản tiền ấy đi chợ chị em chỉ biết thở dài, đắn đo, chẳng biết mua thứ gì bởi mặt hàng nào cũng đắt đỏ. Trước đây, mua một 1kg thịt lợn nạc 60 ngàn đồng giờ tăng lên 100 ngàn đồng, thịt bò tăng từ 120 ngàn đồng/kg lên 150 ngàn đồng, tôm từ 120 ngàn đồng/kg lên 170 ngàn đồng, cá từ 35 ngàn đồng/kg tăng lên 55 ngàn đồng....Các mặt hàng hải sản, trứng, rau, củ quả... cũng tăng mạnh. Để nấu được một bát canh ngon, phải bỏ chi phí mất từ 20 đến 30 ngàn đồng, chưa kể các món ăn khác.

 

Không chỉ có thực phẩm, hầu hết các mặt hàng thiết yếu như: mắm muối, gạo, ga đến sữa ....đều tăng. Hôm nay đi chợ một giá, mai lại tăng thêm chút ít, người bán hàng viện cớ trời rét nên giá rau, thực phẩm tăng nhưng đến khi thời tiết ấm lên giá cũng chẳng giảm. Hỏi thêm mặt hàng khác, người ta lại nói giá xăng, giá điện, cước phí vận chuyển tăng thì “cái gì chẳng tăng”.

 

Khách hàng trước nay vẫn được tôn là thượng đế, nhưng đi chợ thời tăng giá nếu bạn có mặc cả không còn được chèo kéo nhiệt tình như xưa nữa mà chỉ được đáp lại bằng cái lắc đầu lạnh lùng. Với mức lương của cán bộ công chức từ 2 đến 3 triệu đồng/người/tháng như bây giờ, chị em phải suy tính rất nhiều vì ngoài tiền chi tiêu sinh hoạt ăn uống hàng ngày còn bao nhiêu khoản khác phải lo. Một cán bộ công chức văn phòng ở dưới huyện tâm sự: “ Lương hai vợ chồng tôi mới đi làm mấy năm tổng cộng được 3,5 triệu/tháng, phải thuê nhà, nuôi thêm 1 con nhỏ, chi tiêu không khéo là thiếu, chứ nói gì đến tiết kiệm, lúc khoẻ thì chẳng sao nhưng không may ốm thì không biết lấy tiền đâu ra “. Giá tăng, không chỉ khiến các bà nội chợ phải tính toán đau đầu mà ngay cả người bán cũng thấy chán nản bởi ai cũng thắt chặt chi tiêu, nhiều mặt hàng ngày càng ế ẩm.

 

Dạo qua một số chợ trong Thành phố lúc trời nhá nhem tối, nhưng nhiều phản thịt vẫn còn đầy, vãn cảnh người mua. Một chủ hàng chuyên bán thịt lợn ở chợ cầu Kiến Xương cho biết: “ Trước kia, khi giá thịt lợn 50-60 ngàn đồng/kg, mỗi ngày tôi mổ hai con lợn, chỉ bán trong buổi sáng là hết, giờ giá tăng gấp rưỡi, số người mua giảm đi một nửa, mổ có một con mà bán cả ngày vẫn còn”.

 

Đi chợ thời “bão giá” thật sự làm người ta chóng mặt, có khi đi mấy vòng chợ mà vẫn chưa mua được thứ gì, chỉ biết thở dài ngao ngán. Nhưng trước nhu cầu sinh hoạt hàng ngày không thể đừng, chị em vẫn phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” cứ tần ngần mỗi khi móc tiền ra trả sau đó tìm cách tiết kiệm, cắt giảm những khoản chi tiêu không hợp lý, thậm chí giảm mua cả hoa quả, quà cho con, rồi chuyển từ ăn những món thực phẩm, hải sản đắt đỏ sang mua trứng, đậu, cá...; thỉnh thoảng mới cải thiện một bữa cho tươm tất.

 

Giờ đây, ai cũng nói với nhau: cố gắng tiết kiệm chi tiêu cho qua thời điểm tăng giá, nhưng chờ  mãi mà giá vẫn chưa giảm, cứ cảnh này  không biết còn phải đợi đến bao giờ nữa?

 

Nguyễn Hình

  • Từ khóa