Thứ 6, 24/01/2025, 05:15[GMT+7]

Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch Năm cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2017

Thứ 6, 10/02/2017 | 10:51:26
509 lượt xem
Sáng ngày 10/2, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố tổng kết công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm năm 2016; triển khai kế hoạch “Năm cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp 2017”.

Đồng chí Phạm Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị ở điểm cầu Thái Bình.

Đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Thái Bình, đồng chí Phạm Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Năm 2016 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn là “Năm cao điểm hành động về vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp”, trên cơ sở đó, Bộ và các địa phương đã tập trung nguồn lực, triển khai nhiều biện pháp quyết liệt và đạt những kết quả quan trọng. Đã có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức ở các cấp, đặc biệt là các địa phương về bảo đảm an toàn thực phẩm; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn được rà soát, hoàn thiện, cơ bản đầy đủ hành lang pháp lý phục vụ công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản.

Tính đến nay, cả nước đã có 50 tỉnh xây dựng thành công 444 mô hình điểm chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn, truy xuất được nguồn gốc. Hoạt động giám sát an toàn thực phẩm tập trung vào các sản phẩm nông, thủy sản tươi sống tiêu dùng hàng ngày của người dân, các trường hợp vi phạm đã được cảnh báo, làm cơ sở cho công tác kiểm tra, thanh tra, truy xuất, xử lý nhằm ngăn chặn tái phạm. Phương thức thanh tra, kiểm tra liên ngành, đột xuất được thực hiện nghiêm túc, có trọng tâm trọng điểm; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, ngăn chăn hiệu quả lạm dụng chất cấm Salbutamol, Vàng O trong chăn nuôi.

Năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục lựa chọn là năm cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. Phấn đấu đến cuối năm 2017, tỷ lệ mẫu giám sát vi phạm quy định về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, củ, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong các sản phẩm thịt, thủy sản; ô nhiễm vi sinh trong thịt giảm 10% so với năm 2016. Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tăng 10% so với năm 2016; 100% các tỉnh, thành phố phát triển, nhân rộng chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Xác định việc xây dựng, kết nối sản phẩm và chuỗi sản phẩm với người tiêu dùng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2016 trong công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm, do vậy ngành Nông nghiệp Thái Bình đã xây dựng Đề án sản xuất cây trồng an toàn theo chuỗi giai đoạn 2016 – 2020; triển khai 04 mô hình sản xuất nông, thủy sản an toàn có bao tiêu sản phẩm; tiếp tục triển khai các mô hình sản xuất rau, chăn nuôi lợn an toàn theo hướng sinh học… để có sản phẩm được xác nhận an toàn theo chuỗi; có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện tốt việc phân cấp trong kiểm tra, kiểm soát vật tư nông nghiệp, sản phẩm đầu vào trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; cần có chế tài mạnh mẽ hơn trong xử phạt, có chính sách khuyến khích mạnh mẽ hơn trong đầu tư cơ sở giết mổ, bảo quản tập trung.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao sự cố gắng nỗ lực của các địa phương trong công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua. Bộ trưởng đề nghị các cơ quan thuộc Bộ phân công chủ trì chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch triển khai từng nhiệm vụ cụ thể bảo đảm tiến độ, hiệu quả. Tập trung thực hiện hai chương trình trọng điểm: tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới gắn với an toàn vệ sinh thực phẩm. Tiếp tục đẩy mạnh thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm; tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm; tổ chức sản xuất kết nối với tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn.

Lưu Ngần

  • Từ khóa