Thứ 2, 29/07/2024, 21:29[GMT+7]

Nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết 04 về phát triển công nghiệp tập trung

Thứ 2, 09/05/2011 | 09:47:19
2,784 lượt xem
Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 04 về phát triển công nghiệp tập trung, ngành công nghiệp tỉnh ta đã có bước tiến vượt bậc, đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển KT- XH chung của tỉnh.

Dây chuyền sản xuất hiện đại của Nhà máy Viglacera Thái Bình. Ảnh: Ngọc Trâm

Thực hiện chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng CNH, HĐH, ngày 20/ 11/ 2006 BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04 về đẩy mạnh phát triển công nghiệp giai đoạn 2006- 2010. Nhờ ý Đảng hợp lòng dân nên chủ trương nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo được sự đồng thuận cao và vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, nhất là cộng đồng doanh nghiệp. Sau 5 năm triển khai, ngành công nghiệp tỉnh ta đã có bước tiến vượt bậc, đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển KT- XH chung của tỉnh.

   

Trong quá trình triển khai Nghị quyết, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp phát triển ngành công nghiệp tập trung, các ngành chức năng đã tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Điển hình như: Chính sách khuyến khích áp dụng các thành tựu KH- CN vào sản xuất; quyết định về quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công; một số chính sách khuyến khích đầu tư tại Thái Bình; một số chính sách khuyến khích phát triển nghề và làng nghề; chính sách khuyến khích đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến NS- TP; một số chính sách khuyến khích đầu tư vào CCN Mỹ- Xuyên…

 

Cũng trong giai đoạn 2006- 2010, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản về thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đầu tư nhằm công khai, minh bạch hoạt động đầu tư, giảm bớt tối đa phiền hà cho doanh nghiệp. Điển hình như Quyết định số 68/ 2006 về thực hiện cơ chế "một cửa" trong hoạt động đầu tư; Quyết định số 19/ 2009 về thực hiện cơ chế "một cửa liên thông" trong hoạt động đầu tư; Quyết định 21/ 2009 về thực hiện cơ chế "một cửa liên thông" trong hoạt động đầu tư tại Ban quản lý(BQL) các KCN tỉnh...

 

Ngoài ra, công tác quản lý Nhà nước về công nghiệp thời kỳ này được tăng cường trên các mặt và được phân cấp quản lý rõ ràng hơn, hạn chế sự chồng chéo, chung chung; đặc biệt mối quan hệ giữa ngành chủ quản là Sở Công thương với các cấp, các ngành ngày càng chặt chẽ và nhịp nhàng. Đây chính là tiền đề, là động lực để ngành công nghiệp phát triển nhảy vọt trong giai đoạn 2006- 2010.

 

Công ty gốm xây dựng Đại Thắng - Vũ Thư. Ảnh: Hiền Trâm

 

Về công tác quy hoạch, UBND tỉnh đã chính thức phê duyệt Đề án quy hoạch phát triển các khu- cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 gồm 15 KCN và 43 CCN với tổng diện tích đất là 4.399ha, trong đó đất của 15 KCN chiếm 3.172ha. Hiện tại, tỉnh ta có 7 KCN được Chính phủ chấp thuận bổ sung vào danh mục quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến 2020 với tổng diện tích 1.213ha.

 

Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 6 KCN với tổng diện tích hơn 1.000ha và hàng chục cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.008ha. Ngay sau khi được quy hoạch chi tiết, các ngành chức năng đã đẩy nhanh tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại các khu- cụm CN.

 

Tính đến hết năm 2010, toàn tỉnh đã thu hồi 625ha đất tại các KCN và 167,7ha đất tại các CCN. Tổng kinh phí từ nguồn ngân sách đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại các KCN giai đoạn 2006- 2010 lên tới trên 280 tỷ đồng. Ngoài nguồn ngân sách, tỉnh ta còn có 3 doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN là Công ty Đài Tín (Đài Loan), Công ty giầy TBS và Tổng Công ty IDICO với tổng vốn khoảng 360 tỷ đồng.

 

Nghề móc hộp xuất khẩu xã Phú Lương - Đông Hưng. Ảnh: Minh Đức

 

Nhờ tập trung làm tốt công tác GPMB và xây dựng hạ tầng kỹ thuật nên trong giai đoạn 2006- 2010, tỉnh ta đã thu hút 205 dự án đầu tư mới vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Năm cao nhất đã thu hút được 66 dự án góp phần đưa tổng số dự án đăng ký đầu tư vào tỉnh tính đến hết năm 2010 lên 398 dự án với tổng mức vốn đăng ký là hơn 55.000 tỷ đồng, dự kiến sẽ thuê trên 1.000ha đất và tạo việc làm cho khoảng 122.500 lao động. Trong đó có 292 dự án đi vào hoạt động với số vốn đầu tư gần 12.000 tỷ đồng, xin thuê 528 ha đất và bước đầu tạo việc làm cho trên 93.000 lao động. Chính sự thành công trong việc thu hút đầu tư đã góp phần đưa tổng giá trị sản xuất công nghiệp 5 năm (2006- 2010) đạt 34.087 tỷ đồng, tốc độ tăng trung bình hàng năm là 25,24%. Riêng năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt hơn 10.000 tỷ đồng, gấp 3,08 lần so với năm 2005.

  

Mặc dù việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 04 của BCH Đảng bộ vẫn còn một số hạn chế, song 5 năm qua, các ngành, các cấp đã vào cuộc một cách tích cực và mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Chính sự vào cuộc tích cực ấy đã tạo được sự đồng thuận cao về tư tưởng, nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị. Biểu hiện cụ thể là quyết liệt trong việc đền bù GPMB, gắn việc đền bù hỗ trợ với tạo việc làm, ổn định đời sống cho những người có đất thu hồi; kịp thời phát hiện và giải quyết những vướng mắc phát sinh; quan tâm đúng mức đến việc hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng cho các khu- cụm CN; đẩy mạnh cải cách hành chính trong hoạt động đầu tư nhằm tạo sự thông thoáng tối đa cho doanh nghiệp...

 

Vũ Mạnh

 

 

  • Từ khóa