Thứ 3, 30/07/2024, 03:20[GMT+7]

Thanh Tân hướng tới nền nông nghiệp bền vững

Thứ 3, 28/03/2017 | 08:27:29
1,619 lượt xem
Phấn đấu trở thành đô thị loại V vào năm 2020, Thanh Tân (Kiến Xương) đang nỗ lực nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. Cùng với việc đẩy mạnh chuyển dịch lao động sang ngành nghề, dịch vụ, xã đã có nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững.

Nông dân Thanh Tân chăm sóc rau màu.



Ông Bùi Mạnh Hà, Chủ tịch UBND xã cho biết: Xác định mục tiêu cốt lõi của xây dựng nông thôn mới là nâng cao thu nhập cho người dân, thời gian qua, Thanh Tân đã đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ và đưa cơ giới hóa vào sản xuất, xây dựng các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn đồng thời tích cực thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. 

Mô hình trồng rau sạch hữu cơ tại thôn An Cơ Đông là một trong những điểm sáng trong tích tụ ruộng đất, phát triển sản xuất theo quy mô lớn của huyện Kiến Xương. 

Ông Trần Quang Tẫn, Trưởng thôn An Cơ Đông cho biết: Mô hình được triển khai từ tháng 10/2016, do Viện Nghiên cứu môi trường nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với HTX SXKD DVNN xã thực hiện, diện tích gần 6ha. Để thực hiện thành công mô hình này, Thanh Tân đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến từng người dân, đồng thời thực hiện dồn đổi ruộng của những hộ dân trong vùng quy hoạch còn nhu cầu cấy lúa sang vùng khác. Về phía doanh nghiệp thuê đất, Thanh Tân xây dựng cơ chế hỗ trợ công bảo vệ đồng ruộng, trích gần 300 triệu đồng cứng hóa đường giao thông trục chính dẫn ra mô hình. 

Ông Trần Đức Miên, thôn An Cơ Đông cho biết: Gia đình tôi cho doanh nghiệp thuê 6 sào trồng rau hữu cơ với giá thuê 100kg thóc/sào/năm, tương đương với lãi ròng khi cấy lúa. Bên cạnh đó, tôi có thêm việc làm vì được doanh nghiệp thuê quản lý, trông coi mô hình với lương 3 triệu đồng/tháng, không phải đi làm ăn xa mà vẫn có thu nhập ổn định. Không chỉ ông Miên, gần 30 lao động là những hộ cho thuê ruộng được doanh nghiệp ưu tiên thuê làm công nhân với thu nhập 100.000 đồng/ngày. 

Năm 2016, Thanh Tân còn quy vùng 20ha cho Công ty TNHH Hưng Cúc thuê để sản xuất lúa hàng hóa với giá thuê 80kg thóc/sào/năm. Người dân cũng có 2 khoản thu nhập, một từ tiền Công ty trả thuê ruộng, một từ việc làm thuê ngay trên chính mảnh ruộng của mình. 

Ông Bùi Mạnh Hà, Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: Thu hút doanh nghiệp đầu tư trong nông nghiệp có ý nghĩa quan trọng, tạo đà cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, bền vững. Quan trọng hơn, qua đó người dân thay đổi tư duy từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung quy mô lớn. Để thực hiện được tích tụ ruộng đất, một trong những giải pháp quan trọng chính là tạo việc làm cho nông dân khi không có “tư liệu sản xuất” trong tay. Thanh Tân dành 13ha xây dựng cụm công nghiệp, thu hút khoảng 2.000 lao động địa phương nhờ đó đã phần nào cởi trói tư tưởng cố hữu giữ ruộng của người dân.


100% gia trại chăn nuôi ở Thanh Tân áp dụng quy trình chăn nuôi VietGAP.

Trong chăn nuôi, nhiều năm qua, 58/58 gia trại chăn nuôi tổng hợp của Thanh Tân đã áp dụng quy trình VietGAP. 

Ông Nguyễn Văn Đán, cán bộ chăn nuôi và thú y xã cho biết: Chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP là giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững. Để tạo điều kiện cho người dân phát triển chăn nuôi theo VietGAP, xã hỗ trợ kinh phí xây dựng vỏ hầm biogas, thành lập các câu lạc bộ chăn nuôi để người dân tham gia học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm. Thời gian đầu triển khai dự án, các hộ tham gia được tập huấn, trang bị quần áo, khẩu trang, ủng, thuốc sát trùng. Chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP yêu cầu khắt khe hơn phương pháp chăn nuôi truyền thống như tiêm phòng vắc-xin đầy đủ, phun hóa chất tiêu độc, khử trùng, thực hiện ghi nhật ký chăn nuôi… nhờ đó vật nuôi phá triển tốt, dịch bệnh ít, tạo sản phẩm sạch, an toàn đến người tiêu dùng.

Để hướng đến một nền nông nghiệp chất lượng cao, Thanh Tân đã và đang đẩy mạnh việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này đồng thời tiếp tục xây dựng các mô hình sản xuất mới có hiệu quả để nhân ra diện rộng.

Lưu Ngần