Thứ 3, 30/07/2024, 03:33[GMT+7]

Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản -Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Thứ 4, 05/04/2017 | 15:32:21
4,574 lượt xem
Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản là một trong những nội dung quan trọng của chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Mặc dù những năm qua Thái Bình coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển công nghiệp nói chung, bước đầu đã hình thành nhiều cơ sở sản xuất đem lại hiệu quả cao nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh.

Chế biến hải sản xuất khẩu ở Công ty TNHH Thực phẩm RICHBEAUTY Việt Nam (cụm công nghiệp Thái Thụy).

Thái Bình có tiềm năng lớn để phát triển các vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản. Giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp của tỉnh tăng dần qua các năm đã cho thấy tốc độ tăng trưởng ổn định của ngành kinh tế này, tuy nhiên chưa tương xứng với thực tế, nhất là khi đa phần nông, lâm, thủy sản chưa được chế biến để tăng chuỗi giá trị dù không ít sản phẩm có số lượng lớn, thị trường tiềm năng. Những sản phẩm có thể đưa vào làm nguyên liệu công nghiệp chế biến của Thái Bình đa dạng ở cả 3 lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. 

Đối với trồng trọt, Thái Bình là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về năng suất lúa, sản lượng trên 1 triệu tấn/năm; sản lượng khoai tây 6.000 - 10.000 tấn; sản lượng ngô 50.000 - 70.000 tấn; sản lượng bí xanh, bí Nhật Bản trên 13.000 tấn/năm; sản lượng hành, tỏi 11.000 tấn; sản lượng rau màu khác trên 200.000 tấn/năm. 

Trong chăn nuôi, lợn là vật nuôi thế mạnh của tỉnh, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt trên 190.000 tấn/năm; xuất khẩu khoảng 700.000 - 800.000 con lợn sữa, kim ngạch xuất khẩu đạt 4 triệu USD/năm. 

Ngao là sản phẩm chủ lực của thủy sản Thái Bình với sản lượng khoảng 70.000 - 90.000 tấn/năm, chiếm 50% sản lượng ngao toàn quốc. Đến nay, Thái Bình có 150 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 3,07% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó là một số dự án lớn đầu tư vào chế biến các mặt hàng nông sản như lúa, gạo, rau quả, thịt lợn, ngao xuất khẩu...

Không chỉ là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành giống cây trồng Việt Nam, Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình còn là đơn vị dẫn đầu trong việc xây dựng thương hiệu và bao tiêu lúa cho nông dân. Năm 2000, Công ty xây dựng nhà máy chế biến hạt giống với công suất thiết kế 5.000 tấn/năm. Năm 2014, Công ty tiếp tục đầu tư, lắp đặt thêm dây chuyền công nghệ chế biến hạt giống cây trồng thứ hai hiện đại của Đan Mạch trị giá trên 40 tỷ đồng, công suất 20.000 - 30.000 tấn/năm. Nhà máy có 4 máy đóng gói tự động, công suất 30 - 34 bao/phút, đưa vào áp dụng phương pháp sấy, bảo quản hút chân không giúp tăng thời gian bảo quản sản phẩm lên đến 3 năm.

Những bước đi đầu tiên của công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản của Thái Bình đã đóng góp đáng kể cho giá trị sản xuất công nghiệp, mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho người nông dân. Một số công ty, doanh nghiệp đã chủ động được nguyên liệu, hình thành được chuỗi giá trị trong quá trình sản xuất. Tuy vậy, có thể thấy công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản của tỉnh mới chỉ tiếp cận trong phạm vi những nguyên liệu dễ chế biến. Các nhà máy, cơ sở đa phần ở mức sơ chế, quy mô nhỏ, hiệu suất sử dụng lao động thấp hơn nhiều so với mức trung bình của toàn bộ khu vực doanh nghiệp; công nghệ, thiết bị còn hạn chế… Điều này dẫn đến chưa phát huy được việc tăng chuỗi giá trị sản xuất và bó hẹp thị trường tiêu thụ.

Thời gian qua, Thái Bình đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tập trung thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, khuyến khích thu hút đầu tư gắn với quy hoạch và chủ trương chuyển dịch tái cơ cấu kinh tế. Thời gian tới, tỉnh tập trung thu hút các dự án xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, các khu, cụm công nghiệp phục vụ nông nghiệp, đồng thời đẩy mạnh đào tạo lao động nông nghiệp theo nhu cầu của thị trường.

Ông Bùi Đức Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy

Thái Thụy có lợi thế về sản xuất nông nghiệp với những con vật nuôi, cây trồng đa dạng, giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó huyện còn có lợi thế về nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản với giá trị bình quân hàng năm đạt 1.488,2 tỷ đồng. Đón trước thời cơ và triển vọng phát triển nông nghiệp, Thái Thụy đang nỗ lực phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, hình thành các vùng chuyên canh rộng lớn nhằm tạo nguồn cung nông sản an toàn, truy xuất nguồn gốc, chất lượng cao và ổn định đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhằm phát huy tiềm năng của địa phương, huyện tiếp tục có những cơ chế, chính sách hợp lý để thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp; đã quy hoạch rõ các vùng sản xuất; xây dựng cơ chế đặc thù của huyện để khuyến khích tích tụ ruộng đất..., góp phần để nông dân và doanh nghiệp cùng hưởng lợi.
Ông Trần Minh Bằng, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Trọng Quan (Đông Hưng)

Khoai tây là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương, chiếm trên 50% diện tích cây trồng vụ đông hàng năm. Tuy nhiên, sản phẩm khoai tây ở Trọng Quan chủ yếu vẫn tiêu thụ tự do, giá bán bấp bênh. Từ 2 năm nay, HTX xây dựng liên kết nhóm hộ gia đình ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp, đơn vị bao tiêu sản phẩm song vẫn còn rất ít so với diện tích trồng của địa phương. Việc liên kết và tiêu thụ trong sản xuất phần nào giúp người nông dân ổn định được đầu ra, từng bước thay đổi tập quán trong sản xuất, kinh doanh từ nhỏ lẻ, manh mún, lạc hậu sang sản xuất có tổ chức, theo quy hoạch, áp dụng kiến thức, khoa học kỹ thuật tiến bộ. Chúng tôi rất mong muốn có đơn vị, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp Thái Bình, đặc biệt trong chế biến khoai tây, xây dựng được liên kết chặt chẽ giữa nông dân - doanh nghiệp để nông dân yên tâm, mạnh dạn đầu tư vào sản xuất vụ đông, góp phần nâng cao thu nhập.
Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Phụ


Hàng năm, Quỳnh Phụ gieo trồng từ 1.100 - 1.200ha ớt các loại, chiếm hơn 90% diện tích gieo trồng ớt của cả tỉnh, sản lượng đạt hơn 13.000 tấn. Ớt là một trong những cây trồng chủ lực trong sản xuất vụ đông của huyện, giá trị kinh tế ước đạt trên 400 triệu đồng/ha/năm. Ớt Quỳnh Phụ có mặt ở nhiều thị trường trong và ngoài nước, được các thương lái thu mua, sơ chế và xuất chủ yếu sang Trung Quốc. Mặc dù sản xuất tương đối phát triển song việc chế biến và tiêu thụ sản phẩm vụ đông nói chung, cây ớt nói riêng còn gặp nhiều khó khăn. Do chênh lệch giá giữa thị trường tự do và giá ký kết với công ty, doanh nghiệp nên nhiều hộ nông dân phá vỡ hợp đồng liên kết, người dân chủ yếu bán tươi ngay cho người thu gom trên địa bàn với giá thay đổi theo từng ngày, từng thời điểm. Nếu có hệ thống chế biến, tiêu thụ tốt, tin rằng Quỳnh Phụ sẽ còn mở rộng được diện tích ớt cũng như đưa thêm được những loại giống mới có năng suất, chất lượng vào sản xuất.

Ngân Huyền - Ngọc Mai