Thứ 2, 29/07/2024, 19:23[GMT+7]

Lúa gieo thẳng khẳng định nhiều ưu thế vượt trội

Thứ 5, 23/06/2011 | 07:19:14
1,998 lượt xem
Sau hơn 3 năm (2008- 2011) các địa phương trong tỉnh ứng dụng rộng rãi phương thức lúa gieo thẳng, đến nay có thể khẳng định lúa gieo thẳng có nhiều ưu thế vượt trội hơn so với lúa cấy, góp phần nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích canh tác. Đây còn là lời giải cho bài toán gắn kết mùa vụ, tăng hệ số quay vòng của đất, cũng như đưa cơ giới hóa vào sản xuất và tạo ra nhiều vùng sản xuất hàng hóa lớn.              &n

Vùng lúa gieo thẳng theo phương pháp hàng rộng - hàng hẹp xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư. Ảnh: Thành Tâm

Tháng 6, những cơn mưa bất chợt làm dịu cái nóng ngày hè và cũng là “lộc” trời cho lúa xuân để hạt thêm to, chắc hơn, nông dân lại có một vụ bội thu... Đoàn đại biểu của Bộ Nông nghiệp & PTNT cùng với lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Phú Thọ, Yên Bái...đi thăm quan lúa gieo thẳng ở Nguyên Xá, Song An, Vũ Đoài (Vũ Thư) không ngớt lời trầm trồ khen những cánh đồng lúa trĩu hạt.

 

Thái Bình ứng dụng phương pháp gieo thẳng từ vụ lúa xuân 2008 với diện tích 818 ha, đến vụ xuân 2011 lúa gieo thẳng đã tăng lên 16.360 ha, chiếm 19,85% tổng diện tích gieo cấy. Diện tích lúa gieo thẳng tăng không ngừng qua từng mùa vụ là do những ưu thế vượt trội mà nó đem lại, nên nông dân đã ứng dụng rộng rãi cả ở vụ xuân và vụ mùa. Cụ thể, lúa gieo thẳng cho năng suất cao hơn lúa cấy từ 5 – 10%, có nơi tăng 15%; thời gian sinh trưởng rút ngắn từ 5 -7 ngày; tiết kiệm 10- 20% lượng hạt giống, không mất công làm đất gieo, nhổ mạ, tiết kiếm nước; hiệu quả kinh tế tăng thêm trên 8 triệu đồng/ha...

 

Vụ xuân 2011, lúa gieo thẳng toàn tỉnh đạt 16.369 ha, tăng 43,84% so với vụ xuân 2010; trong đó có 76,26% số xã có diện tích lúa gieo thẳng, điển hình như Vũ Thư 4.018 ha, Đông Hưng 4.004 ha...dự kiến năng suất bình quân đạt trên 71 tạ/ha. Đạt được diện tích lúa gieo thẳng trên là do tỉnh đã có những chính sách hỗ trợ nông dân mua công cụ sạ hàng, năm 2009 toàn tỉnh có 551 cái, đến năm 2011 đã tăng lên 1.900 công cụ. Đồng thời Sở Nông nghiệp & PTNT đã sớm đưa ra quy trình gieo thẳng khá cụ thể và phù hợp cho từng giống theo phương thức vãi bằng tay và công cụ sạ hàng. Ngoài ra, còn tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật gieo thẳng tới tận thôn xóm, nên đã giúp nông dân nắm được các yêu cầu sản xuất trên thửa ruộng của họ.

 

Ngành Nông nghiệp cũng đã phối hợp với Báo Thái Bình,  Đài PTTH tỉnh để tuyên truyền về kỹ thuật, những lợi thế và các gương điển hình tiên tiến gieo thẳng lúa; phát hành các đĩa, in ấn tờ rơi về lúa gieo thẳng để phát xuống các thôn làng. Bên cạnh đó, có sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên...trong việc tuyên truyền, vận động nông dân tích cực tiếp thu phương thức sản xuất mới.

 

Thực tế lúa gieo thẳng ở vụ xuân 2011 cho thấy, năng suất cao hơn hẳn so với lúa cấy. Dự kiến, giống Bắc thơm 7 gieo thẳng đạt 67,62 tạ/ha, lúa cấy đạt 62,60 tạ/ ha; TBR1 gieo thẳng đạt 76,1 tạ/ha, cấy đạt 71,02 tạ/ha; BC15 gieo thẳng đạt 84,27 tạ/ha, cấy đạt 79,71 tạ/ha...Ông Trần Xuân Định, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp &PTNT khẳng định: Đây là hệ quả tích cực của sự quyết tâm cao của đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật và ngành nông nghiệp đã có những giải pháp đúng, trúng khi lúa gặp rét đậm...

 

Ngoài ra, do nông dân đã thực hiện khá tốt các biện pháp kỹ thuật mà ngành nông nghiệp đã khuyến cáo. Cụ thể, như làm đất kỹ, phẳng như ruộng gieo mạ, sạch cỏ. Khi gieo vãi nhiều địa phương  tạo thành luống, vừa để thoát nước tốt, vừa tạo lối đi thuận tiện cho chăm sóc. Nông dân ý thức khá tốt khi gieo bằng công cụ sạ hàng đã đặt tiêu chuẩn mộng nên hàng đầu, như rễ, mầm quá dài hoặc quá ngắn đều không thể sử dụng được; hạt giống khi nứt nanh cần xử lý bằng tro nguội hoặc bằng nước sạch, khi rễ ngắn và mầm bằng 1/3 hạt thóc là đạt tiêu chuẩn...

 

Cùng với sự vượt trội về năng suất, lúa gieo thẳng đã chứng minh khá rõ nét trong việc rút ngắn thời gian sinh trưởng, cũng như “cứu cánh” cho mạ xuân bị chết do rét đậm, rét hại gây ra. Bởi lúa gieo thẳng phát triển nhanh, đẻ nhánh sớm, tập trung nên rút ngắn được thời gian sinh trưởng  từ 5- 7 ngày so với lúa cấy.

 

Hiện nay, lao động trẻ ở nông thôn đa phần đều đi làm ăn xa, còn lại là người già và trẻ nhỏ nên khi bước vào sản xuất mùa vụ đã xảy ra tình trạng bỏ ruộng ở nhiều địa phương. Với phương thức gieo thẳng đã bớt được nhiều công lao động cho nông dân, tránh được tình trạng bỏ ruộng, như không phải làm đất gieo, nhổ mạ và cấy... Lúa gieo thẳng đã thực sự khẳng định được đích đến cuối cùng là đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với lúa cấy trên đơn vị diện tích canh tác.

 

Theo tính toán của ngành Nông nghiệp, gieo thẳng giảm chi phí  từ 2,5 - 3 triệu đồng/ ha, năng suất tăng trên 10%, cả hai ưu điểm này đã đem lại hiệu quả kinh tế mỗi ha trên 8 triệu đồng so với lúa cấy. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, thôn 1 xã Vũ Đoài (Vũ Thư) cho biết, vụ xuân 2011 ông đã gieo thẳng lúa trên diện tích 3 sào bằng các giống chất lượng Bắc thơm 7, Nếp N87; năng suất đạt trên 2 tạ/ sào, tăng hơn 30 kg/ sào so với vụ xuân 2010. Để giải quyết khâu thời vụ do lúa xuân thu hoạch muộn, vụ mùa này gia đình ông sẽ gieo thẳng 100% diện tích để sau thu hoạch vẫn kịp thời gian trồng cây vụ đông ưa ấm.

 

Sau hơn 3 năm (2008- 2011) các địa phương trong tỉnh ứng dụng rộng rãi phương thức lúa gieo thẳng, đến nay có thể khẳng định lúa gieo thẳng có nhiều ưu thế vượt trội hơn so với lúa cấy, góp phần nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích canh tác. Đây còn là lời giải cho bài toán gắn kết mùa vụ, tăng hệ số quay vòng của đất, cũng như đưa cơ giới hóa vào sản xuất và tạo ra nhiều vùng sản xuất hàng hóa lớn.                                   

 

 Nguyên Bình

 

 

  • Từ khóa